Saigon 247

Saigon 247

2022-01-20 13:45:00

Phạt ông Quyết 1,5 tỉ, nhà đầu tư cổ phiếu FLC thiệt hại chưa có điểm dừng

 Vụ việc ông Trịnh Văn Quyết bán “chui” 74,8 triệu cổ phiếu FLC tạm thời “hạ nhiệt” sau khi bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra quyết định xử phạt 1,5 tỉ đồng và đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán trong thời hạn 5 tháng.

Như vậy, các biện pháp chế tài đối với ông Chủ tịch tập đoàn FLC đã “cơ bản hoàn thành”.

Việc ông Quyết làm sai, ông Quyết phải chịu, và bị xử lý như vậy là hoàn toàn xứng đáng. Thậm chí, dư luận những ngày qua còn cho rằng, chế tài về hành vi vi phạm của ông Quyết trong trường hợp này còn nhẹ, không đủ sức răn đe, cần sửa đổi quy định để có mức phạt nặng hơn đối với những trường hợp vi phạm tương tự về sau.

Thế nhưng nghịch lý oái oăm là, từ việc làm sai của ông Quyết gây ra hệ lụy nặng nề, và tới thời điểm ngày 19.1 vẫn chưa có điểm dừng.

Nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu FLC, ROS... thiệt hại chưa có điểm dừng. Ảnh minh họa: Thế Lâm.

Nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu FLC, ROS... thiệt hại chưa có điểm dừng. Ảnh minh họa: Thế Lâm.

Cụ thể, sau khi thông tin ông Chủ tịch FLC bán “chui” 74,8 triệu cổ phiếu vỡ lở, mã chứng khoán FLC liên tục giảm sâu hoặc giảm sàn trong những phiên giao dịch vừa qua. Từ mức giá 22.500 đồng/cổ phiếu tại phiên giao dịch ngày 7.1.2022, mã FLC rơi xuống mức 13.000 đồng/cổ phiếu khi kết phiên ngày 19.1, giảm tổng cộng 9.500 đồng, tương ứng mức giảm hơn 42%.

Kéo theo đó, những nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu FLC, vì vụ việc vi phạm của ông Quyết dẫn đến cổ phiếu này mất thanh khoản, mỗi phiên chỉ giao dịch từ vài trăm ngàn đến hơn 2,5 triệu cổ phiếu tính từ ngày 12.1 đến nay. Không thoát hàng được, giá mã FLC cứ mỗi phiên lại giảm thêm từ 5-7%, thiệt hại của nhà đầu tư đến lúc này là rất nặng nề.

Không riêng gì mã FLC mà các mã chứng khoán khác thuộc “họ FLC” cũng bị ảnh hưởng nặng theo, biểu hiện rõ nhất là mất thanh khoản và giảm giá sâu hoặc giảm sàn.

Một trong những mã điển hình chính là ROS, từ mức giá 16.000 đồng/cổ phiếu ngày 7.1 giảm xuống mức 9.090 đồng khi kết phiên ngày 19.1, mức giảm hơn 43%.

Cùng với đó, trong 6 phiên giao dịch trở lại đây trên sàn HoSE, dư bán giá sàn mỗi phiên của 2 mã chứng khoán này được ví là “chất đống như núi”, lên đến vài chục triệu cổ phiếu.

Những nhà đầu tư “chơi hàng nóng” chạy theo đu đỉnh với FLC, ROS tính tới hết ngày 19.1, mức lỗ nặng nhất tương ứng mức giảm từ giá đỉnh của 2 mã này. Còn những nhà đầu tư khác, mức độ lỗ lãi, thiệt hại khác nhau tùy theo mức giá lúc mua vào.

Năm hết Tết đến, cú bị “nhốt hàng” hiện nay đối với các cổ phiếu thuộc “họ FLC” mà nhà đầu tư đang nắm giữ đang trở thành một bi kịch thực sự đau thương. Nhìn thấy tài khoản “bốc hơi” từng ngày, với mức giảm cao nhất là khoảng 7% mà không thể bán ra được.

Đó là chưa kể, những nhà đầu tư có giao dịch ký quỹ không thể thoát hàng FLC hay ROS để giảm nợ thì buộc phải bán các mã cổ phiếu khác. Tình trạng này được gọi là “call margin chéo”, dẫn đến hệ lụy thứ hai là nhà đầu tư mất đi cơ hội giảm lỗ khi những mã cổ phiếu này hồi phục, đơn cử trong phiên giao dịch ngày 19.1.

Song còn quái ác hơn, tình trạng “call margin chéo” tiếp tục gây ra hiệu ứng domino khiến thị trường phải hứng chịu thêm làn sóng giảm giá của nhiều mã cổ phiếu khác.

Lúc này, không ai có thể trả lời được khi nào là điểm dừng lỗ lãi của những nhà đầu tư đang nắm giữ các mã chứng khoán FLC, ROS…