largeer

Loa phường

Loa phường

2021-07-14 17:04:00

F0 tại TP.HCM: 'Ở đâu cũng phải tự lo, được về nhà thì còn gì bằng'

Nhận được kết quả xét nghiệm của đứa con trai 3 tuổi, người cha sững sờ, không gạt nổi hàng trăm suy nghĩ về những ngày tháng khó khăn sắp tới.

Thứ 6, ngày 9/7, trời sẩm tối. Nhẽ ra đây là khoảng thời gian để anh N.X.H., 32 tuổi, cùng gia đình nhỏ của mình quây quần bên bữa tối giản dị trong căn hộ ở quận 7, rũ bỏ hết mệt mỏi sau một tuần làm việc.

Kết quả test nhanh Covid-19 của bé P. (bên trái, dương tính) và anh H. (bên phải, âm tính). Ảnh: NVCC.

Kết quả test nhanh Covid-19 của bé P. (bên trái, dương tính) và anh H. (bên phải, âm tính). Ảnh: NVCC.

Thứ 6 này không phải một ngày như vậy. Chiều hôm đó, trước cửa, cạnh nhà và đầu hẻm nhà anh H. xuất hiện nhiều bóng áo xanh trùm kín đầu, dây ruy băng và rào chắn được dựng kín lối đi. Nhà anh H. nằm trong khu vực bị phong tỏa sau khi một trường hợp ngay gần đó được phát hiện có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

Toàn bộ cư dân quanh đó được lấy mẫu test nhanh với nCoV. Anh H. may mắn âm tính. Tuy nhiên, bé N.T.P., 3 tuổi, con trai lớn của anh., lại không được như vậy.

Tự lo

Ngay trong đêm, bé P. được yêu cầu chuyển tới cách ly và theo dõi sức khỏe tại cơ sở tiếp nhận, điều trị bệnh nhân Covid-19. Tuy nhiên, với hơn 10.000 ca mắc được phát hiện sau 2 tháng dịch bùng phát tại TP.HCM thời điểm đó, mọi bệnh viện dã chiến đều đã quá tải.

Để khắc phục, lực lượng y tế quyết định đưa bé P. cùng các bệnh nhân khác tới trường Mầm non Tân Phong thuộc địa phận quận 7. Không còn cách nào khác, anh H. cũng nhanh chóng sắp xếp một vài bộ quần áo của hai cha con, ít đồ dùng cá nhân và cùng con trai lên xe cấp cứu.

“Việc xảy ra bất ngờ, tôi chưa kịp chuẩn bị nhiều, trường học này có vẻ mới được sử dụng làm nơi tiếp nhận bệnh nhân nên mọi thứ đều thiếu. Không được bố trí chăn hay chiếu, tôi đành xé tạm miếng bìa của thùng mỳ gói cho con nằm tạm”, anh H. chia sẻ.

Bé P. phải nằm ngủ tạm trên tấm bìa từ thùng mỳ gói trên sàn trường Mầm non Tân Phong. Ảnh: NVCC.

Bé P. phải nằm ngủ tạm trên tấm bìa từ thùng mỳ gói trên sàn trường Mầm non Tân Phong. Ảnh: NVCC.

Tạm thời giải quyết được chỗ ngủ nhưng đêm đó, nằm ôm con, anh H. lại lo những ngày tới, hai cha con sẽ sống như thế nào.

Anh H. kể lại: “Mấy ngày đầu, chúng tôi gặp khá nhiều khó khăn. Giống những người khác, tôi phải tự túc trong các vấn đề sinh hoạt như ăn uống, tìm nơi giặt quần áo, chỗ nghỉ. Đa số bệnh nhân ở đây chọn ăn mỳ gói. Bé P. còn nhỏ, lại đang ốm nên tôi pha tạm cháo gói cho con ăn”.

Những ngày sau, anh H. cùng những bệnh nhân khác được cách ly tại trường Mầm non Tân Phong phấn chấn hơn khi nghe thông tin sẽ có suất ăn hàng ngày cho mỗi người. Tuy nhiên, tất cả vẫn chỉ là thông tin truyền tai. Dù sao, điều anh P. lo nhất vẫn chưa đến.

Ba ngày sau khi vào khu cách ly, bé P. bất ngờ có biểu hiện ho và sốt nhẹ. Do quá tải và thiếu nhân lực, trường Mầm non Tân Phong tuyệt nhiên không có điều dưỡng hay bác sĩ thường trực.

Bất lực, anh H. gọi tới số điện thoại cấp cứu 115. Sau khi có mặt và thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bé P. bị viêm phổi nhẹ, cho thuốc và dặn cha theo dõi bé thêm.

Dù ở lại khu cách ly, bố con anh H. vẫn phải tiếp tục tự xoay sở để chăm sóc cho bản thân. Ảnh: NVCC.

Dù ở lại khu cách ly, bố con anh H. vẫn phải tiếp tục tự xoay sở để chăm sóc cho bản thân. Ảnh: NVCC.

Lo lắng cho con, anh H. đề nghị các bác sĩ cho bé P. tới bệnh viện. Tuy nhiên, điều người cha trẻ nhận lại chỉ là cái lắc đầu cùng lý do bệnh viện quá tải, không thể tiếp nhận thêm bệnh nhân.

“Tôi cũng đã gọi điện báo với trung tâm y tế của quận nhưng đến giờ vẫn chưa có người đến. Lúc này, tôi chỉ mong sao con mau khỏe. Ở đây không có bác sĩ, lo nhất là nhỡ bé có vấn đề gì, tôi cũng không biết kêu ai”, anh H. nói.

Được về nhà thì tốt

Ngày 13/7, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh đã có văn bản khẩn về việc triển khai những biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 gửi đến các địa phương, cơ sở y tế. Theo đó, TP.HCM chính thức triển khai cách ly tại nhà với trường hợp F0, F1.

Dù chưa biết có nằm trong nhóm được cách ly tại nhà hay không, với anh H. và cả bé P., đây là thông tin rất vui.

“Nếu được cho cách ly và theo dõi tại nhà thì tốt quá vì ở đây, chúng tôi còn khó khăn hơn. Về nhà, không gian chật hơn nhưng ít nhất, gia đình có đủ tiện nghi để chăm cho bé, thuốc men cũng chủ động được”, anh H. chia sẻ.

Nếu được về, anh H. và gia đình sẽ phải tự xoay sở việc cách ly, ăn uống cũng như sinh hoạt trong nhà, thậm chí đối mặt với việc bé P. không may có diễn biến xấu. Việc này khiến anh H. phần nào lo lắng. Dẫu vậy, thực tế là dù ở đâu, anh đều phải tự lo như vậy.

“'Ở đâu cũng phải tự lo, được về nhà thì còn gì bằng. Về cách ly tại nhà nhưng nếu con tôi vẫn được bác sĩ quan tâm, chăm sóc, khám, chữa bệnh thì tốt quá. Dù là thăm khám qua điện thoại, tôi cũng rất mừng”, anh H. ước.

Được sự chấp thuận của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, TP.HCM mới đây đã chính thức thí điểm cách ly, điều trị F0 tại nhà với 2 nhóm đối tượng.

Thứ nhất là trường hợp không có triệu chứng đang điều trị tại bệnh viện. Trường hợp xét nghiệm rRT-PCR ngày thứ 10 có kết quả âm tính hoặc còn dương tính nhưng tải lượng virus thấp, không còn khả năng lây nhiễm (hoặc rất thấp) thì chuyển về cách ly tại nhà. Tiếp tục xét nghiệm PCR tại nhà vào ngày 14 và 21.

Thứ hai là F0 không triệu chứng, trường hợp này được thí điểm áp dụng với nhân viên y tế bị lây nhiễm, được cách ly tại nhà khi có đủ điều kiện tương tự F1.

Ngoài ra, Sở Y tế TP.HCM yêu cầu ngành y tế địa phương tổ chức đội theo dõi sức khỏe hàng ngày với F0 cách ly tại nhà; tổ chức đường dây nóng tiếp nhận thông tin trường hợp bệnh nhân xuất hiện triệu chứng, khẩn trương đưa vào bệnh viện điều trị. Với trường hợp F1 được theo dõi tại nhà, ngành y tế yêu cầu xét nghiệm rRT-PCR theo quy định như trường hợp cách ly tập trung.

Nguyên tắc quan trọng khi cho phép F0 điều trị tại nhà

Điều trị tại nhà là phương án được hầu hết quốc gia trên thế giới lựa chọn khi số ca mắc tăng vọt, bệnh viện và hệ thống điều trị quá tải. Các F0 nhẹ, không triệu chứng tự chữa trị cũng giúp giảm áp lực cho nhân viên y tế, vơi bớt tâm lý lo sợ cho người dân.

Tuy nhiên, để phương án này thành công, các cơ quan y tế đều có hướng dẫn rõ ràng, tỉ mỉ và sự hợp tác, tự giác từ bệnh nhân, người thân.

Khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) hay Dịch vụ Y tế Công cộng Anh (NHS), đều khẳng định hầu hết người mắc Covid-19 đều trong trạng thái nhẹ và có thể tự chữa tại nhà mà không cần đến chăm sóc y tế, nhập viện.

Với khuyến cáo này, hướng dẫn tự điều trị Covid-19 tại nhà chỉ dành cho các F0 không có triệu chứng hoặc tình trạng bệnh nhẹ đến trung bình. Cơ quan y tế của các nước cũng đưa ra hướng dẫn chi tiết về việc phân biệt bệnh nhân nhẹ, trung bình và diễn biến nặng.

Quy định nghiêm ngặtCác tài liệu hướng dẫn tự điều trị tại nhà cũng yêu cầu điều kiện cơ sở vật chất và nguyên tắc phòng dịch nghiêm ngặt.

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế Ấn Độ, bệnh nhân Covid-19 phải cách ly với các thành viên trong gia đình, ở phòng riêng, đặc biệt không tiếp xúc người nhà, trường hợp bị bệnh lý nền (tăng huyết áp, thận, tim mạch...).

Các F0 phải ở trong phòng thông thoáng, mở cửa sổ, không được dùng máy lạnh. Trong suốt quá trình điều trị, người bệnh phải đeo khẩu trang y tế 3 lớp, thay mới sau 8 tiếng sử dụng hoặc khi khẩu trang bị ướt. Bộ Y tế Ấn Độ khuyến cáo người thân, bệnh nhân sử dụng khẩu trang N95 có lọc không khí; chỉ được vứt bỏ khẩu trang sau khi đã khử trùng bằng nước javen 1%.

Trong thời gian điều trị tại nhà, bệnh nhân nên nghỉ ngơi, uống nhiều nước; thường xuyên rửa sạch tay bằng xà bông, cồn khử trùng; làm sạch bề mặt tiếp xúc thường xuyên.

Hướng dẫn của NHS và Bộ Y tế Ấn Độ đều nhấn mạnh người bệnh nên chuẩn bị máy đo nồng độ oxy để kiểm tra thường xuyên tại nhà. Nguyên nhân là nhiều bệnh nhân có diễn biến nặng âm thầm nhưng không xuất hiện triệu chứng. Đến khi nhập viện, tình trạng bệnh đã rất nặng và nguy kịch.

Người bệnh nên đo nồng độ oxy bão hòa trong máu và nhịp thở 2 lần/ngày và báo với cơ quan y tế ngay khi có dấu hiệu bất thường.

Theo Mayo Clinic, các dấu hiệu được xem là bất thường ở bệnh nhân Covid-19 gồm có:

- Nồng độ oxy bão hòa trong máu <92%.

- Các triệu chứng như khó thở; đau/tức ngực dai dẳng; lú lẫn; môi hoặc mặt hơi tái xanh; da, môi hoặc móng tay màu nhợt nhạt, xám hoặc xanh lam...

Khuyến cáo từ cơ quan y tế các nước đều nhấn mạnh tính tự giác và tuân thủ của người bệnh, thân nhân khi tự điều trị Covid-19 tại nhà. Bởi nếu không tự giác, đây sẽ là con đường dễ nhất khiến dịch lan ra cộng đồng. Nhóm dễ gặp nguy hiểm, nhập viện và nguy cơ tử vong cao nhất chính là người cao tuổi, mắc bệnh lý nền.