largeer

Saigon 247

Saigon 247

2021-09-07 15:15:00

Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc vượt 6 tỷ USD

Tám tháng đầu năm, Trung Quốc nhập 6,1 tỷ USD hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam. Trong đó, nhóm rau quả chiếm tới 25,5% tỷ trọng kim ngạch nhập khẩu.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT) cho biết 8 tháng đầu năm, dịch Covid-19 bùng phát trở lại khiến nhiều địa phương phải áp dụng các biện pháp phòng chống dịch, lĩnh vực nông nghiệp cũng bị ảnh hưởng tiêu cực.

Tuy vậy, ngành nông nghiệp vẫn đạt được một số kết quả khả quan. Sản lượng lương thực 8 tháng đầu năm đạt 27,03 triệu tấn, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước, chế biến, thức ăn chăn nuôi và xuất khẩu.

Tính đến 15/8, đàn gia súc, gia cầm tiếp tục được phục hồi và phát triển ổn định. Đàn bò tăng khoảng 1,8%, đàn lợn tăng khoảng 4,5%; đàn gia cầm ước tăng 5,4%.

Tổng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 8 tháng đầu năm ước đạt 32,1 tỷ USD, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính ước đạt trên 13,9 tỷ USD, tăng 13,6%; lâm sản chính đạt khoảng 11,2 tỷ USD, tăng 42,7%; thủy sản đạt trên 5,6 tỷ USD, tăng 7,1%; chăn nuôi ước đạt 296 triệu USD, tăng 15,9%; nhóm đầu vào sản xuất khoảng 1,1 tỷ USD, tăng 31,1%.

3

Giá trị xuất khẩu của hầu hết mặt hàng tháng 8 đều giảm bởi tác động tiêu cực của dịch Covid-19, tuy nhiên, do kim ngạch xuất khẩu của những tháng đầu năm tăng mạnh nên tính chung 8 tháng, cà phê, cao su, nhóm hàng rau quả, hồ tiêu, hạt điều, sắn và sản phẩm từ sắn, sản phẩm chăn nuôi, cá tra, tôm; sản phẩm gỗ; mây, tre, cói thảm; quế… đạt giá trị xuất khẩu tăng.

Cụ thể, cao su tăng 23,3% về khối lượng và tăng 61,4% về giá trị; hạt điều tăng 19,2% về khối lượng và tăng 15,1% về giá trị; sắn và sản phẩm từ sắn tăng tương ứng 13,4% và 28,4%.

Thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 8 tháng qua là Mỹ, đạt trên 9,3 tỷ USD (chiếm 29,1% thị phần), trong đó kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ chiếm tới 71% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang thị trường này.

Đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc đạt gần 6,1 tỷ USD (chiếm 18,9% thị phần) với kim ngạch xuất khẩu nhóm rau quả chiếm tới 25,5% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.

Tiếp đến là thị trường Nhật Bản với giá trị xuất khẩu đạt trên 2,2 tỷ USD, chiếm 6,8% thị phần. Thứ 4 là thị trường Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu đạt trên 1,4 tỷ USD, chiếm 4,3% thị phần.

Đánh giá về thị trường từ nay đến cuối năm, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định dịch Covid-19 có thể vẫn diễn biến phức tạp, khiến tiêu thụ nông lâm thủy sản trong nước và xuất khẩu tiếp tục gặp khó khăn.

Bộ trưởng cho rằng đầu tiên, ngành nông nghiệp cần phải thoát khỏi tư duy mùa vụ. Thứ hai, tăng cường đối thoại giữa Nhà nước - thị trường - xã hội để giảm rủi ro xuống thấp nhất có thể.

Thứ ba, mở rộng các không gian phát triển, đẩy mạnh liên kết vùng, liên kết tiểu vùng. Để thích ứng với một loạt vấn đề như dịch bệnh, biến đổi khí hậu, ngành nông nghiệp phải thay đổi, đề ra những chiến lược phát triển chung.

Việc mở rộng không gian phát triển cũng sẽ giúp phá vỡ những rào cản lưu thông hàng nông sản từ từ ruộng đồng đến nhà máy chế biến, đến doanh nghiệp; từ nhà máy/doanh nghiệp đến các cảng xuất khẩu, đồng thời, giúp tiết kiệm chi phí trong lưu thông hàng hóa.