Xin trả sổ hộ nghèo
"Tôi xin trả lại sổ hộ nghèo cho Nhà nước". Đó là lời nói chân thành bà Nguyễn Thị Liêm - hộ nghèo ở ấp Trường Phú - tại buổi lễ bàn giao nhà Đại đoàn kết vừa được Mặt trận xã Trường Long, huyện Phong Điền tổ chức vào đầu tháng 9-2020.

Cán bộ Mặt trận xã Trường Long thăm hỏi gia đình bà Nguyễn Thị Liêm, người tình nguyện trả sổ hộ nghèo.
Theo ông Phạm Văn Tư, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã, nhằm tạo điều kiện giúp hộ nghèo vươn lên ổn định cuộc sống, giảm nghèo bền vững, ngay từ đầu năm, xã rà soát số hộ nghèo, hiệp thương với các hội, đoàn thể, để lên kế hoạch giúp đoàn viên, hội viên, bà con thoát nghèo, bằng các hình thức: vận động tham gia mô hình sản xuất hiệu quả, hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất, cất nhà Đại đoàn kết…
Đầu năm 2019, xã Trường Long có 98 hộ nghèo. Qua hiệp thương, Mặt trận phân công cụ thể từng đoàn thể hỗ trợ các hộ dân vươn lên thoát nghèo. Đến cuối năm, có 50 hộ thoát nghèo. Đa số các hộ nghèo còn lại rơi vào trường hợp khó có khả năng giảm nghèo do bệnh tật, già yếu, mất sức lao động... Gia đình bà Nguyễn Thị Liêm là 1 trong 5 hộ nghèo được Ủy ban MTTQVN xã Trường Long xét cất nhà Đại đoàn kết trong năm 2020, với tổng số tiền 40 triệu đồng. Bà Liêm kể: "Căn nhà cũ mái lá, lợp tôn, mưa bão mấy đợt gần sụp. Nhà mới cất xong, tôi mừng vô kể. Hiện nay, con dâu tôi may quần áo mỗi tháng thu nhập hơn 3 triệu đồng. Nhà tôi có khoảng 1 công vườn trồng mít và sầu riêng. Năm nay, mít đã có trái chiếng, năm sau sầu riêng sẽ cho trái. Nhờ địa phương hỗ trợ mà gia đình được vay vốn với lãi suất ưu đãi để cải tạo vườn. Tôi thấy cuộc sống và thu nhập của gia đình vậy là ổn nên xin trả lại sổ hộ nghèo cho Nhà nước. Tôi xin nhường lại cho những hộ khó khăn hơn được nhận hỗ trợ".
Cạnh nhà bà Liêm là hộ bà Trần Thị Thủy, cũng vừa dọn vào căn nhà mới khoảng 1 tháng nay. Bà Thủy tâm sự, bà đơn thân, mấy chục năm qua sống với người em gái út không lập gia đình. Hiện nay, sức khỏe bà suy yếu, trong người mắc nhiều bệnh, vận động khó khăn, không có khả năng lao động. Chính quyền địa phương, Mặt trận quan tâm, ưu tiên cho bà Thủy nhận những suất quà. Ngoài ra, địa phương còn làm hồ sơ giới thiệu em gái bà đi làm công nhân. Bà Thủy tâm sự: "Căn nhà cũ đã xuống cấp, nhiều chỗ dột, mỗi khi trời mưa giông, tôi cứ nơm nớp lo sợ nhà sập. Giờ đây, nhà cửa khang trang, em gái tôi về thăm cũng rất mừng. Em tôi đi làm xa, hằng tháng gởi tiền về lo cho tôi, động viên tôi cố gắng giữ sức khỏe. Ở đây, tôi được Mặt trận và cán bộ trong ấp quan tâm chiếu cố nhiều mặt, tình cảm đó tôi luôn ghi nhớ".
Theo ông Phạm Văn Tư, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã, từ đầu năm đến nay, từ nguồn vận động xã hội hóa và nguồn hỗ trợ của cấp trên, Mặt trận xã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 6 căn nhà Đại đoàn kết; vận động hơn 1.582 phần quà trị giá trên 439 triệu đồng lo cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo, cận nghèo, người già neo đơn, trẻ em cơ nhỡ... Song song đó, các tổ chức thành viên của Mặt trận còn quản lý 58 tổ vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội cho 2.891 hộ vay, với dư nợ hơn 80 tỉ đồng để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Đồng thời, địa phương xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả, thu hút đoàn viên, hội viên tham gia. Nổi bật là các mô hình hợp tác xã chanh không hạt, hợp tác xã nông nghiệp, hợp tác xã vườn cây ăn trái…
Trước kia ông Văn Thế Nhứt (ấp Trường Thọ 2A) canh tác 3 công đất trồng lúa nhưng hiệu quả kém, kinh tế gia đình khó khăn. Khoảng 3 năm nay, ông được Hội Nông dân hỗ trợ vay 20 triệu đồng để chuyển sang trồng rau màu chuyên canh. Ông Nhứt chia sẻ: "Mỗi năm, tôi trồng 3 vụ màu: bí đao, khổ qua, dưa hấu… Mỗi vụ, lãi khoảng 10-15 triệu đồng/công. Tính chung thu nhập từ 3 công màu là khoảng 100 triệu đồng/năm. Ngoài ra, tôi còn mua bán thêm thịt bò, kinh tế gia đình hiện đã vững chắc". Ông Nguyễn Văn Biếc, hội viên nông dân, ngụ ấp Trường Thọ 2A, trước kia cũng từng trồng nhiều loại cây, nhưng đều thất bại. Gần 6 năm nay ông Biếc được Hội hỗ trợ vay vốn chuyển sang trồng sầu riêng và cam xoàn trên tổng diện 5.000m2. Ông Biếc nói: "Năm 2019, sầu riêng cho vụ trái chiếng. Với 100 gốc sầu riêng mang về cho gia đình trên 200 triệu đồng. Mới đây, tôi bán vụ thứ 2 với tổng thu nhập hơn 250 triệu đồng. Cam xoàn thu hơn 50 triệu đồng/năm".
Ông Phạm Văn Tư cho biết: "Hiện nay, xã còn 48 hộ nghèo, qua rà soát, dự kiến cuối năm sẽ có thêm 15 hộ thoát nghèo. Thời gian tới, bên cạnh các hoạt động hỗ trợ thường xuyên, chúng tôi tiếp tục củng cố, nâng chất các mô hình sản xuất hiệu quả nhằm giúp hội viên, đoàn viên, nhân dân vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo theo mục tiêu đề ra"