Ủy ban Kinh tế của Quốc hội ủng hộ cho kinh doanh dịch vụ đòi nợ
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng việc một đơn vị trung gian đứng ra thu hồi nợ xuất phát từ nhu cầu thực tế của cuộc sống, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Tại báo cáo về một số vấn đề lớn của dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã nêu ý kiến về ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Theo đó, Ủy ban Kinh tế thống nhất không quy định cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” tại điểm h khoản 1 Điều 6 dự thảo Luật mà quy định tại Danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện như luật hiện hành.
Ủy ban Kinh tế cho rằng “Việc thuê một đơn vị trung gian đứng ra thu hồi nợ xuất phát từ nhu cầu thực tế của cuộc sống, đáp ứng nhu cầu của khách hàng khi các công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ sử dụng các công cụ, biện pháp đạt kết quả, phù hợp với các quy định của pháp luật”
Tuy nhiên để hạn chế tiêu cực phát sinh, Ủy ban Kinh tế đề nghị bổ sung quy định về điều kiện chặt chẽ đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ, bảo đảm quản lý nhà nước chặt chẽ đối với loại hình kinh doanh này.
Một nội dung đáng chú ý khác là Ủy ban Kinh tế đã nêu quan điểm về hình thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư (Điều 27)
Theo Ủy ban Kinh tế, dự thảo luật đã tiếp thu, chỉnh lý theo hướng quy định rõ nguyên tắc, điều kiện áp dụng từng hình thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất theo quy định tại Điều 27 dự thảo luật.
Qua ý kiến đóng góp của Ủy ban Pháp luật và các cơ quan của Quốc hội, Thường trực Ủy ban Kinh tế sẽ phối hợp với cơ quan soạn thảo tiếp tục hoàn chỉnh Điều 27 dự thảo luật theo hướng quy định rõ 3 nội dung.
Một là trường hợp dự án thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, trong đó có: chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với lựa chọn nhà đầu tư (nếu dự án thuộc trường hợp không phải đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai); Chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chưa lựa chọn nhà đầu tư đối với trường hợp dự án thuộc diện phải chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời thuộc trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
Hai là đấu giá quyền sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư nếu dự án thuộc trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai. Đối với trường hợp dự án thuộc diện phải chấp thuận chủ trương đầu tư thì việc đấu giá quyền sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư được thực hiện sau khi dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư.
Ba là đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án có sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Trường hợp này không phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư vì dự án thuộc danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất để đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đã được Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt;
Đồng thời các dự án này cũng không phải đấu giá quyền sử dụng đất vì theo quy định của pháp luật về đấu thầu thì đây là các dự án không đủ điều kiện để tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
Ngoài ra, cũng tại báo cáo, Ủy ban Kinh tế thống nhất đề xuất giữ nguyên các phụ lục 1, 2, 3 của Luật Đầu tư hiện hành, trên cơ sở rà soát quy định danh mục ban hành kèm theo để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế, vì đây là những nội dung liên quan đến hạn chế quyền con người, quyền công dân nên cần phải quy định trong luật.
Nguồn: https://vietnamfinance.vn/uy-ban-kinh-te-cua-quoc-hoi-ung-ho-cho-kinh-doanh-dich-vu-doi-no-20180504224236285.htm
Theo Vietnam Finance