Từng bị coi là cỏ dại ở Việt Nam nhưng trên thế giới rau càng cua lại là vị thuốc quý, vậy rau càng cua ăn có tốt không?
Rau càng cua là loại rau mọc dại, phổ biến ở những nơi có khí hậu nhiệt đới. Từng có thời gian ở Việt Nam rau càng cua bị coi là cỏ dại, nhưng trên thế giới loại rau này lại là vị thuốc quý. Vậy rau càng cua ăn có tốt không?
Rau càng cua ăn có tốt không?
Rau càng cua có thể sống ở nhiều địa hình khác nhau, thường mọc thành bụi ở ven ao, hồ, bờ ruộng, các dốc đá… những nơi có độ ẩm. Nhiều người từng coi loại rau này là cỏ dại, mọc hoang nên chỉ lấy làm thức ăn cho gia súc mà không biết rằng rau càng cua không chỉ ngon mà còn rất bổ dưỡng.
Nhiều nước trên thế giới còn xem rau càng cua là “thần dược” trị nhiều loại bệnh. Ở Philippines, người ta dùng lá càng cua đắp để điều trị ung nhọt và vết loét. Người Trung Quốc và Brazil dùng nước ép rau càng cua để trị bệnh viêm kết mạc.

Ngày nay, một số nơi bán loại rau này còn đắt hơn cả thịt, có nơi bán 70-80 nghìn đồng/kg, trong khi có nơi bán tới hơn một trăm nghìn/kg.
Rau càng cua tên khoa học là Peperomia pellucida Kunth thuộc họ hồ tiêu Piperaceae. Rau càng cua chứa không ít dinh dưỡng, đặc biệt là chất sắt, rất tốt cho người thiếu máu do thiếu sắt. Trong rau còn có kali, magiê tốt cho tim mạch và huyết áp cũng như góp phần hỗ trợ chữa bệnh đái tháo đường, táo bón, tăng huyết áp...
Theo Đông y, cây càng cua vị đắng, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, hoạt huyết, tan máu ứ. Loại rau này thường được sử dụng để chữa các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, viêm họng, viêm gan truyền nhiễm, viêm dạ dày - ruột, viêm ruột thừa, tiêu hóa kém,...
Ngoài ra nó còn được dùng ngoài chữa rắn cắn, nhọt lở, đau nhức xương khớp,... Vì rau càng cua có tính giải nhiệt, vị lại hơi chua, mọng nước nên có tác dụng giải khát cũng rất tốt.