largeer

Lê hiền Hải Dương

Lê hiền Hải Dương

2022-07-22 15:30:00

Transerco: “Chuyển” loạt đất vàng cho doanh nghiệp, lợi nhuận vẫn lao dốc

Dù góp vốn lập liên doanh để khai thác quỹ đất vàng do mình quản lý nhưng Transerco vẫn ghi nhận lợi nhuận lao dốc trong vài năm gần đây.

“Chuyển” loạt đất vàng cho doanh nghiệp

Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) tiền thân là Công ty Vận tải và Dịch vụ công cộng Hà Nội, được thành lập theo Quyết định số 45/2001/QĐ-UB ngày 29/6/2001 của UBND TP. Hà Nội trên cơ sở hợp nhất nguyên trạng 4 công ty: Công ty Xe buýt Hà Nội; Công ty Vận tải hành khách Nam Hà Nội; Công ty Xe du lịch Hà Nội; Công ty Xe điện Hà Nội.

tong-cong-ty-van-tai-ha-noi-transerco-1_67b0413f

Là doanh nghiệp nhà nước quản lý hệ thống xe buýt toàn TP. Hà Nội, Transerco có đóng góp rất lớn cho xã hội. Vì vậy, Transerco được giao quỹ đất vàng khổng lồ rộng khắp thành phố.

Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, khá nhiều khu đất vàng đã được Transerco “chuyển” cho doanh nghiệp tư nhân thông qua hình thức liên doanh, liên kết. Nghĩa là Transerco và doanh nghiệp cùng góp vốn lập liên doanh. Liên doanh sẽ khai thác đất vàng của Transerco.

Ví dụ, ô đất 122 - 124 đường Xuân Thủy với diện tích 39.662 m2 ban đầu do Xí nghiệp Trung đại tu ô tô và Trung tâm Tân Đạt - các đơn vị trực thuộc không có tư cách pháp nhân, hạch toán phụ thuộc của Transerco khai thác.

Nhưng năm 2011, UBND TP. Hà Nội đã có Công văn số 7909/UBND-KHĐT chấp thuận về nguyên tắc chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy hoạch tại ô đất cho các nhà đầu tư lập dự án xây dựng văn phòng giao dịch kết hợp dịch vụ tổng hợp và nhà ở. Năm 2016, Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Xuân Thủy (có vốn của Transerco) ra đời và làm chủ đầu tư dự án này.

Rồi hàng loạt đất vàng nằm ở những vị trí đắc địa của chủ đầu tư cũng mọc lên nhiều cao ốc như khu đất ở Nguyễn Tuân, Ngọc Khánh và Thuỵ Khuê. Các liên doanh được lập nên để khai thác đất vàng của Transerco là Công ty TNHH Phát triển Giảng Võ, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản Hồ Tây.

Khu đất vàng ở Nguyễn Tuân vốn là nơi Xí nghiệp Xe khách Nam Hà Nội (đơn vị trực thuộc Transerco) khai thác. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó, nơi này lại trở thành dự án 900 căn nhà liền kề và chung cư cao tầng do Công ty cổ phần Đầu tư đô thị và khu công nghiệp Sông Đà 7 (Urinco7) làm chủ đầu tư.

90_1645272271_2033_16e6a00e

Hiện tại, vẫn chưa rõ Transerco cho phép Urinco7 khai thác đất vàng Nguyễn Tuân theo hình thức nào và Tổng công ty nhận được lợi ích gì sau cái bắt tay này.

Lợi nhuận vẫn lao dốc

Hàng ha đất vàng của Transerco đã được “chuyển giao” cho doanh nghiệp tư nhân để xây cao ốc. Tuy nhiên, những liên doanh này không đóng góp được quá nhiều cho Transerco khi Tổng công ty liên tục lao dốc về lợi nhuận trong vài năm gần đây.

Năm 2021, doanh thu của Transerco giảm nhẹ, giảm 340 tỷ đồng, tương đương 14,9% so với năm 2020 nhưng lợi nhuận lại “lao dốc”. Lợi nhuận sau thuế giảm 14 tỷ đồng, tương đương 91% so với năm 2020 xuống chỉ còn 1,4 tỷ đồng.

Trước đó, trong năm 2019, Transerco thậm chí còn chứng kiến đà “rơi” mạnh hơn. Lợi nhuận sau thuế năm 2021 của Transerco chỉ đạt 33,1 tỷ đồng, giảm 100,9 tỷ đồng, tương đương 75,3% so với năm 2018.

Như vậy, chỉ sau 3 năm, lợi nhuận sau thuế của Transerco đã “bốc hơi” 132,6 tỷ đồng, tương đương 99%.

Tổng diện tích của các khu đất kể trên rộng gần 2ha nhưng lợi ích mà chúng mang về cho Transerco lại chưa thực sự lớn.

Năm 2021 và 2020, Công ty TNHH Phát triển Giảng Võ chi trả cổ tức cho Transerco 3,5 tỷ đồng và 4,2 tỷ đồng, còn Bất động sản Hồ Tây trả Transerco 52 tỷ đồng và 39 tỷ đồng cổ tức.

Trước đó, trong năm 2019, hai công ty này chi trả cổ tức 3,5 tỷ đồng và 52 tỷ đồng cho Transerco. Còn năm 2018, dòng tiền này chưa “chảy” vào “trùm xe bus” Hà Nội.

Như vậy, trong 3 năm qua, Transerco đã thu về 154,2 tỷ đồng từ cổ tức của các công ty liên quan đến đất vàng.

Có thể thấy, dù gần 2ha đất vàng đã được “chuyển giao” cho doanh nghiệp xây cao ốc nhưng Transerco vẫn “lao dốc” về lợi nhuận.

by Trần Linh