largeer

lili

lili

2021-12-11 08:17:00

Tràn lan quảng cáo rượu trên mạng xã hội

Dù quy định pháp luật cấm quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên và quy định rõ điều kiện khi quảng cáo rượu có độ cồn dưới 15 độ, nhưng thực tế vẫn còn nhiều cá nhân vi phạm khi quảng cáo tràn lan các loại rượu trên mạng xã hội (MXH).

Dù bị cấm nhưng thực tế có không ít quảng cáo rượu độ cồn cao hơn 15 độ xuất hiện trên các trang mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình

Dù bị cấm nhưng thực tế có không ít quảng cáo rượu độ cồn cao hơn 15 độ xuất hiện trên các trang mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình

Vào dịp cuối năm, quảng cáo rượu trên nhiều trang MXH khá sôi nổi, với lời mời chào hấp dẫn mà bất chấp quy định cấm.

Phớt lờ quy định cấm

Chỉ cần gõ các cụm từ tìm kiếm về rượu các loại, rượu nặng… trên các trang MXH sẽ xuất hiện nhiều quảng cáo rượu đủ nhãn hiệu với nhiều độ cồn khác nhau, hình ảnh bắt mắt. Nội dung quảng cáo rất cuốn hút như: “êm say”, “không nhức đầu”, “hạ thổ nhiều năm”, “thắt chặt tình cảm”… Rất hiếm thấy các quảng cáo rượu trên MXH có cảnh báo tác hại, nguy cơ sức khỏe khi lạm dụng rượu, nguy cơ tai nạn giao thông, hoặc cảnh báo độ tuổi mua rượu. Đặc biệt, dù bị cấm quảng cáo nhưng không ít cá nhân bán rượu nặng vẫn đăng công khai nội dung độ cồn từ 15 độ trở lên. Một số ít thì “lách” bằng cách không đưa thông tin độ cồn vào nội dung quảng cáo nhưng trên hình ảnh sản phẩm vẫn hiển thị rõ con số này.

Điều đáng nói, nhiều tài khoản kinh doanh loại rượu từ 15 độ cồn trở lên còn trả phí cho đơn vị cung cấp dịch vụ MXH để giới thiệu, quảng cáo các mặt hàng này tới nhiều đối tượng khách hàng. Vì vậy, khi người dùng MXH gõ các từ khóa trên mục tìm kiếm có liên quan đến sản phẩm rượu là các quảng cáo về rượu sẽ xuất hiện tràn ngập trên tài khoản MXH của người tìm kiếm.

Một tài khoản MXH chuyên kinh doanh các loại rượu từ ngũ cốc cho rằng, khi Nghị định 17/2020/NĐ-CP ngày 5-2-2020 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công thương có hiệu lực, việc kinh doanh rượu từ 15 độ cồn trở lên trên internet đã được phép thực hiện. Vì vậy, họ giới thiệu hình ảnh, sản phẩm là bình thường; nếu không giới thiệu thì không thể kinh doanh sản phẩm này. Và hơn hết, nếu đưa ra các cảnh báo trên sẽ rất khó bán sản phẩm.

Cần siết chặt quảng cáo

Luật sư Nguyễn Huy Hợi (Đoàn Luật sư tỉnh) cho biết, mặc dù theo Nghị định 17/2020/NĐ-CP cho phép kinh doanh rượu từ 15 độ cồn trở lên trên internet, nhưng việc quảng cáo rượu vẫn phải tuân thủ các quy định pháp luật. Cụ thể như việc quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên bị cấm theo Khoản 3, Điều 7 Luật Quảng cáo năm 2018 và Khoản 7, Điều 5 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019. Nếu cá nhân vi phạm sẽ bị phạt từ 50-70 triệu đồng được nêu tại Điểm b, Khoản 1, Điều 33 Nghị định 38/2021/NĐ-CP ngày 29-3-2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.

Cục Quản lý thị trường Đồng Nai cho biết, thời gian tới, các đội quản lý thị trường sẽ tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý vi phạm hành chính dịp cuối năm và trước Tết Nguyên đán 2022. Trong đó, tập trung vào các mặt hàng: bánh kẹo, rượu bia, nước giải khát… để sớm ngăn chặn tình trạng hàng gian, hàng giả được bán ra thị trường. Bản thân người mua hàng khi chọn mua các sản phẩm thực phẩm công nghiệp được rao bán trên MXH cũng cần lưu ý nguồn gốc, xuất xứ và độ tin cậy, tránh mua nhầm hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng.

Còn với rượu dưới 15 độ cồn và bia thì phải tuân theo các điều khoản cụ thể tại Nghị định 24/2020/NĐ-CP ngày 24-2-2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 mới được quảng cáo. Cụ thể là trong quảng cáo phải có một trong các nội dung cảnh báo như: “uống rượu, bia có thể gây tai nạn giao thông”, “uống rượu, bia có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi”, “người dưới 18 tuổi không được uống rượu, bia”. Đồng thời, quảng cáo rượu, bia trên báo điện tử, trang thông tin điện tử, MXH phải thể hiện nội dung cảnh báo như trên bằng chữ viết có màu tương phản với màu nền, chiếm tối thiểu 10% diện tích quảng cáo; đặc biệt, không được hiển thị quảng cáo trước khi người truy cập, tìm kiếm thông tin khai báo tuổi (Điều 5, Nghị định 24/2020/NĐ-CP).

Để xử phạt các hành vi vi phạm về quảng cáo rượu, bia, quy định pháp luật đã đặt ra trong Nghị định 38/2021/NĐ-CP hay Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 28-9-2020 của Chính phủ quy định về xử phạt trong lĩnh vực y tế. Tuy nhiên, các quy định này chưa hề có điều khoản riêng khi vi phạm quảng cáo bia, rượu trên MXH. Như tại Điều 33 Nghị định 117/2020/NĐ-CP chỉ đặt ra vi phạm các quy định về quảng cáo rượu, bia trên trên báo điện tử, trang thông tin điện tử, phương tiện điện tử, thiết bị đầu cuối… mà không đề cập tới MXH. Trong khi đó, tại Điều 5 Nghị định 24/2020/NĐ-CP lại quy định, quảng cáo rượu, bia trên báo điện tử, trang thông tin điện tử, MXH phải thể hiện nội dung cảnh báo bằng chữ viết có màu tương phản với màu nền, chiếm tối thiểu 10% diện tích quảng cáo.

Vì vậy, theo một số luật sư thuộc Đoàn Luật sư tỉnh, để có thể siết chặt và đưa vào khuôn khổ hoạt động quảng cáo rượu, bia trên MXH, các cơ quan chức năng cần đặt ra các quy định cụ thể hơn về quảng cáo rượu, bia trên MXH thay vì chung chung như hiện nay.