largeer

Mai Anh

Mai Anh

2022-03-23 10:00:00

Trả "nợ" an cư cho công nhân lao động

Đây là một trong những hậu quả của việc chậm triển khai các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dẫn đến thiếu nơi ở đàng hoàng cho người lao động” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhận xét đầy tâm tư trong buổi làm việc nhằm thúc đẩy tiến độ các dự án nhà ở cho người có thu nhập thấp diễn ra mới đây. Ông coi việc này là “món nợ” mà chính quyền tỉnh và các địa phương phải phối hợp với doanh nghiệp “trả” sớm.

nha-o-xh

Quan sát trên bình diện chung, nhiều năm qua có thể thấy rõ sự chủ động trong thu hút đầu tư, triển khai các dự án sản xuất, kinh doanh của nhiều địa phương là rất đáng khuyến khích, song đây đó vẫn còn sự thụ động trong việc rà soát, phối hợp, đề xuất… các dự án nhà ở công nhân, nhà ở cho người có thu nhập thấp. Điều này dẫn đến có “độ lệch” trong phát triển của nhiều địa phương, công nghiệp càng phát triển thì dịch vụ (chủ yếu phục vụ cho các hoạt động sản xuất công nghiệp, kinh doanh, chế biến…) càng lùi lại phía sau.

Tuy nhiên, kỳ vọng “an cư” của người lao động ngoại tỉnh, người có thu nhập thấp… đang rõ ràng hơn khi UBND tỉnh rất quyết tâm thúc đẩy các dự án này. Hiện tại, tỉnh đang thúc tiến độ khoảng 10,7 ngàn căn nhà ở xã hội, nhà ở công nhân của 13 dự án (đã có chủ đầu tư) được thực hiện rải rác trên toàn tỉnh. Sở Xây dựng cũng đã có tờ trình UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn Đồng Nai. Trong đó nêu rõ vị trí, khu vực, số lượng các dự án. Dự kiến đến năm 2025, Đồng Nai sẽ hoàn thành hàng ngàn căn nhà ở xã hội với diện tích sàn khoảng 200 ngàn m2.

Từ kinh nghiệm các quốc gia phát triển, có thể thấy việc “thả nổi” các dự án nhà ở cho người có thu nhập thấp cho doanh nghiệp là thiếu khả thi do lợi nhuận từ các sản phẩm này không cao. Các quy định “cứng” về đầu tư nhà ở công nhân khi đầu tư dự án cũng khó thực hiện do nhiều nguyên nhân khách quan. Do đó, nguồn lực thực hiện các dự án này được tỉnh tính toán từ nhiều nguồn (quỹ phát triển nhà ở của tỉnh; ngân sách; ODA; hộ gia đình, cá nhân; vốn vay ưu đãi; phát hành trái phiếu…) nhằm trợ lực thêm cho các địa phương, doanh nghiệp, thêm động lực thực hiện nhanh dự án. Có sự chung sức đó mới có thể sớm trả “món nợ an cư” cho người lao động.