largeer

Loa phường

Loa phường

2021-09-24 11:46:00

Tổng cục Lâm nghiệp lên tiếng sau 2 vụ phá rừng được phát hiện ở Bình Định

Tổng cục Lâm nghiệp đề nghị Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan 2 vụ phá rừng ở tỉnh này.

Theo thông tin từ Dân Trí Online, mới đây, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định xác nhận, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) đã có văn bản đề nghị tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn Bình Định.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp đánh giá, thời gian qua, công tác quản lý bảo vệ rừng tại tỉnh Bình Định được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo và đã có chuyển biến tích cực.

Nhiều gốc phi lao ở xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ bị tàn phá, cưa sát gốc. Ảnh: Dũ Tuấn

Nhiều gốc phi lao ở xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ bị tàn phá, cưa sát gốc. Ảnh: Dũ Tuấn

Tuy nhiên, gần đây tình trạng lấn chiếm, phá rừng tự nhiên, khai thác lâm sản trái pháp luật còn diễn ra ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt là vụ lấn chiếm, phá rừng phòng hộ ven biển để làm nhà máy điện năng lượng mặt trời tại xã Mỹ An (huyện Phù Mỹ) và vụ phá rừng tự nhiên tại xã Tây Thuận (huyện Tây Sơn).

Tổng cục Lâm nghiệp đề nghị Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định chỉ đạo lực lượng kiểm lâm phối hợp với các cơ quan chức năng ở địa phương kiểm tra, xác định diện tích rừng bị thiệt hại của các vụ phá rừng trái pháp luật xảy ra tại huyện Phù Mỹ và huyện Tây Sơn.

Vụ phá rừng ở xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định có dấu hiệu tội phạm (Ảnh: Hạt Kiểm lâm Tây Sơn).

Vụ phá rừng ở xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định có dấu hiệu tội phạm (Ảnh: Hạt Kiểm lâm Tây Sơn).

"Nếu xác định có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì củng cố hồ sơ, chuyển Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát xem xét xử lý đúng theo quy định của pháp luật", văn bản Tổng cục Lâm nghiệp nêu rõ.

Cũng liên quan tới vụ việc, Danviet.vn dẫn lời chỉ đạo của Tổng cụ Lâm nghiệp, chỉ đạo các đơn vị chủ rừng, cơ quan kiểm lâm phối hợp với địa phương tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng, mở các đợt cao điểm kiểm tra, truy quét đối tượng phá rừng, khai thác rừng trái phép tại các khu vực trọng điểm, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi xâm hại rừng.

Kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan để xảy ra tình trạng phá rừng trong thời gian qua nhưng không phát hiện, ngăn chặn kịp thời.

Trước đó, dự án nhà máy điện mặt trời do công ty CP phát triển tầm nhìn Năng lượng sạch làm chủ đầu tư (ở xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ) để xảy ra sự việc lấn chiếm phá 5,26ha rừng phòng hộ.

Dư luận hết sức phẫn nộ khi vụ việc doanh nghiệp phá

Dư luận hết sức phẫn nộ khi vụ việc doanh nghiệp phá "nhầm" hơn 5,26 ha rừng tại xã Mỹ An (huyện Phù Mỹ) để làm nhà máy điện mặt trời chỉ bị đề xuất xử phạt hành chính.

Giải trình sự việc với UBND tỉnh Bình Định và nhiều cơ quan chức trách địa phương, lãnh đạo công ty CP phát triển tầm nhìn Năng lượng sạch cho rằng, trong quá trình chuẩn bị mặt bằng thi công giai đoạn 2 tại dự án nhà máy 1 (xã Mỹ An), do nhầm lẫn trong xác định ranh giới, cột mốc dự án nên đơn vị thi công đã tác động đến phần đất nằm ngoài ranh giới được UBND tỉnh Bình Định cho thuê với diện tích khoảng 5,2ha, phần lớn là đất trống và rải rác một số cây phi lao, keo.

Vụ việc lấn chiếm phá 5,26ha rừng phòng hộ trái phép ở xã Mỹ An (huyện Phù Mỹ), Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Phù Mỹ Bùi Long Thăng thừa nhận, diện tích rừng bị xâm chiếm, tàn phá khoảng 10 năm tuổi, thuộc rừng phòng hộ ven biển do đơn vị này quản lý.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ Phan Hữu Duy ký báo cáo vụ việc gửi UBND tỉnh Bình Định (ngày 16/9) chỉ nhắc đến hành vi sai phạm lấn chiếm đất của doanh nghiệp và đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long ra quyết định xử phạt hành chính. Trong báo cáo, không hề thống kê, làm rõ số lượng, khối lượng cây do Ban quản lý rừng phòng hộ huyện quản lý bị "đốn hạ" cũng như việc điều tra hành vi phá rừng phòng hộ trái phép.

Sau đó, UBND tỉnh Bình Định đã giao UBND huyện Phù Mỹ chỉ đạo các cơ quan chức năng của huyện này rà soát lại các thủ tục, hồ sơ để có báo cáo cụ thể, chi tiết vụ việc.

Dự án Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ (gồm 3 nhà máy 1, 2, 3) có diện tích 380ha tại 2 xã Mỹ Thắng và Mỹ An (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định), tổng vốn đầu tư khoảng 6.200 tỷ đồng do Công ty CP phát triển tầm nhìn Năng lượng sạch (thuộc BCG ENERGY - Công ty thành viên trực thuộc Tập đoàn Bamboo Capital) làm chủ đầu tư.

Lãnh đạo Công ty CP phát triển tầm nhìn Năng lượng sạch thừa nhận, trong quá trình thi công giai đoạn 2 của dự án đã xâm lấn ra ngoài mốc giới được Nhà nước giao đất, khoảng 5,26ha đất rừng phòng hộ tại xã Mỹ An.

Nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc đi lại giữa TP.HCM và Bình Định gặp khó khăn, chủ đầu tư chủ yếu quản lý qua điện thoại, việc thi công trực tiếp giai đoạn 2 của dự án Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ được giao cho các nhà thầu thực hiện.

Trong quá trình thi công, nhà thầu đã "nhầm lẫn" dẫn đến việc chặt phá cây, san ủi rừng phòng hộ, bên ngoài phần đất của dự án.

Tuy nhiên, người dân xã Mỹ An tỏ ra bức xúc trước việc chủ đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ lấy lý do việc phá 5,26ha rừng phòng hộ là do nhà thầu "nhầm lẫn".

Bởi, theo người dân việc phá rừng diễn ra chủ yếu vào ban đêm, máy móc ầm ầm kéo đến cưa đổ hàng loạt cây phi lao trong khu rừng phòng hộ ven biển.

Sau khi cưa hạ, công nhân tổ chức dọn dẹp cây, lá sạch sẽ tại hiện trường. Mỗi sáng, họ lại phát hiện khu rừng phòng hộ "lộ" thêm một khu đất trống và doanh nghiệp phá rừng kiểu lén lút không thể gọi là nhầm lẫn?