largeer

Mai Anh

Mai Anh

2022-06-10 09:00:00

Tiềm ẩn nguy hiểm khi lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh

Sau vụ xe ô tô 7 chỗ lao vào quán ăn trên vỉa hè đường Võ Thị Sáu (P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) vào khuya 4-6 làm 2 người bị thương, 1 người tử vong tại bệnh viện, các dịch vụ kinh doanh ăn uống trên vỉa hè tại TP.Biên Hòa vẫn không vắng khách.

Điểm b, Khoản 5, Điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, hành vi sử dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố để họp chợ; kinh doanh dịch vụ ăn uống; bày, bán hàng hóa sẽ bị phạt tiền từ 2-3 triệu đồng đối với cá nhân, từ 4-6 triệu đồng đối với tổ chức. Ảnh: Hồng Vy

Điểm b, Khoản 5, Điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, hành vi sử dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố để họp chợ; kinh doanh dịch vụ ăn uống; bày, bán hàng hóa sẽ bị phạt tiền từ 2-3 triệu đồng đối với cá nhân, từ 4-6 triệu đồng đối với tổ chức. Ảnh: Hồng Vy

Tình trạng lấn chiếm vỉa hè để buôn bán, ăn nhậu không chỉ ảnh hưởng mỹ quan đô thị mà còn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn khi nhiều trục đường lớn, đông đúc đang bị lấn chiếm để buôn bán, kinh doanh.

Vô tư ăn uống bên dòng xe đông đúc

Ghi nhận của phóng viên Báo Đồng Nai vào ngày 7 và 8-6, một số quán ăn, cà phê trên đường Trương Định (P.Tân Mai), Dương Tử Giang (P.Tân Tiến), Phạm Văn Thuận (P.Tam Hiệp), Võ Thị Sáu (P.Thống Nhất)... vẫn bày bàn ghế phục vụ khách ngay trên vỉa hè vào chiều tối. Còn vào buổi sáng, tình trạng này lại tập trung tại một số khu vực như: đường N1 (P.Thống Nhất), đường Phan Chu Trinh (P.Quang Vinh)... Hầu hết các thực khách đều vô tư ăn uống vui vẻ trên vỉa hè mặc kệ dòng xe đông đúc, phả khói bụi trên các tuyến đường này.

Trao đổi với phóng viên, không ít người dân bày tỏ sự lo ngại việc xe ô tô, xe máy có thể lao lên vỉa hè, nguy hiểm tới tính mạng. Nhưng cũng có người cho rằng, đây chỉ là sự cố hy hữu, không đáng ngại nên không bận tâm quá nhiều.

Chị Phan Thu Hiền (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) lo ngại: “Sau vụ tai nạn vào khuya 4-6 vừa qua, bản thân tôi thấy lo lắng vì nhiều hàng quán bày bàn ghế sát vỉa hè, lề đường cho khách ngồi. Lỡ đâu xe máy hoặc ô tô không làm chủ được tốc độ lao vào thì rất nguy hiểm. Mà trong các hàng quán vỉa hè lại có bếp lửa dùng chế biến thức ăn nên càng làm gia tăng sự nguy hiểm khi xảy ra va chạm”.

Không chỉ lo ngại về sức khỏe, tính mạng, một số người dân còn cho rằng, việc các điểm kinh doanh dịch vụ ăn uống để xe dưới lòng đường còn gây cản trở giao thông, gây nguy hiểm cho người đi đường, ảnh hưởng mỹ quan đô thị.

Sẽ tiếp tục ra quân giải tỏa

Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai, lãnh đạo một số phường ở TP.Biên Hòa cho biết, các điểm kinh doanh dịch vụ ăn uống hoạt động trên vỉa hè vẫn còn, nhưng không nhiều. Các điểm kinh doanh đó đều tồn tại dưới hình thức xe đẩy, sạp bán đồ ăn nhỏ kèm một số bộ bàn ghế nhựa; còn hầu hết các điểm kinh doanh dịch vụ ăn uống mở trên các tuyến đường đều có mặt bằng bên trong, khi khách đông mới cho kê bàn ra ngoài vỉa hè.

Thời gian qua, để hạn chế tình trạng vỉa hè bị lấn chiếm cho mục đích kinh doanh ăn uống, lực lượng chức năng các phường đã liên tục tổ chức giải tỏa, nhắc nhở các điểm kinh doanh, nhất là trên các tuyến đường lớn, giao lộ đông đúc để hạn chế việc buôn bán, kinh doanh ảnh hưởng đến trật tự giao thông.

Đồng thời, trong tháng 4 và 5-2022, Ban Kinh tế - xã hội HĐND TP.Biên Hòa đã tổ chức giám sát việc xử lý tình trạng buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường tại một số phường của thành phố. Qua đó, đoàn đề nghị chính quyền các địa phương phải tăng cường rà soát lại các hộ hoàn cảnh khó khăn bán hàng rong trên vỉa hè và bố trí được khu vực buôn bán phù hợp, đúng quy định.

Phó chủ tịch UBND P.Thống Nhất Phạm Ngọc Hiếu cho biết, phường sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc giải tỏa các hộ kinh doanh lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn tuyên truyền về các nguy cơ có thể gặp phải khi buôn bán, ăn uống tại các khu vực sát lòng lề đường, trên vỉa hè. Tuy nhiên, chính bản thân mỗi người dân cũng cần tự ý thức về các nguy cơ trên, từ đó lựa chọn điểm kinh doanh, ăn uống trong khu vực an toàn hơn.

Điểm b, Khoản 5, Điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, hành vi sử dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố để họp chợ; kinh doanh dịch vụ ăn uống; bày, bán hàng hóa sẽ bị phạt tiền từ 2-3 triệu đồng đối với cá nhân, từ 4-6 triệu đồng đối với tổ chức.