Saigon 247

Saigon 247

2022-08-22 08:45:00

Thu nhập trăm triệu, nông dân vẫn lo với nghề trồng cau

Trước sự phát triển ồ ạt số lượng và quy mô trồng cau trong khi tiêu thụ cau trái chủ yếu phụ thuộc thị trường Trung Quốc, nhiều nông dân đã cẩn trọng hơn khi phát triển cây trồng này.

Vừa trồng vừa lo

Khoảng 10 năm nay, mô hình trồng cau được nhiều nông dân ở các tỉnh miền Tây như: Vĩnh Long, Sóc Trăng, Hậu Giang, Cần Thơ áp dụng và mang lại hiệu quả kinh tế khá cho người trồng.

Mặc dù vậy, gần đây, nhiều nông dân vẫn trăn trở và lo lắng trước sự phát triển ồ ạt số lượng và quy mô trồng cau của người dân trong vùng.

Tính đến nay ông Trần Minh Tuấn, 67 tuổi, xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách, (Sóc Trăng) đã gắn bó hơn 40 năm với nghề trồng cau. Khoảng 3 năm nay, khi trên thị trường nhu cầu mua cây giống tăng cao, ông đã mở bán thêm cây giống để tăng lợi nhuận.

Mỗi năm vườn cau giống nhà ông Tuấn bán trên 30.000 cây cau giống. Ảnh: V.S

Mỗi năm vườn cau giống nhà ông Tuấn bán trên 30.000 cây cau giống. Ảnh: V.S

Chỉ tính từ năm 2021 đến nay, vườn cau cho trái và cau giống mang về thu nhập trên 200 triệu đồng. Thay vì phấn khởi trước nguồn thu mang về, lão nông này lại khá trăn trở và lo ngại với nghề trồng cau.

Theo ông Tuấn, khoảng từ năm 2018 trở về trước giá cau trái tuy không cao nhưng khá ổn định. Còn khoảng 3 năm trở lại đây, giá cau cứ nhảy múa liên tục. Có thời điểm giá mỗi ký cau lên tới 50.000-60.000 đồng/kg, thậm chí có những lúc lên tới 100.000 đồng/kg. Tuy nhiên, cũng nhiều thời điểm cau rớt giá chỉ còn 15.000 đến 20.000 đồng/kg.

“Thật sự tôi luôn lo lắng và thấy nghề trồng cau rất có nguy cơ rớt giá mạnh trong 1 hoặc 2 năm tới. Bởi, theo tôi tìm hiểu từ một số người cung ứng cây cau giống ở một số tỉnh, khoảng 2 năm qua, nhiều nơi nông dân phát triển số lượng cau quá nhanh. Ở đây chúng tôi bán, có người mua trồng 1.000 đến 2.000 cây giống là đa số.

Trong khi đó, thị trường tiêu thụ cau trái phụ thuộc hoàn toàn bên Trung Quốc. Đây là điều tôi rất lo. Bởi, nếu một lúc nào đó, Trung Quốc mà ngưng mua thì không biết sẽ bán cau đi đâu. Tôi lo xa nên đã trồng xen canh thêm chuối, mít, ổi, chanh vào trong vườn để phòng khi cau rớt giá còn có thu nhập để nuôi sống gia đình” - ông Tuấn chia sẻ.

Nông dân tính đường “ứng phó”

Không riêng ông Tuấn, nhiều nông dân gắn bó lâu năm với nghề trồng cau ở huyện Kế Sách đều nhận thấy sự bất ổn và bất an trước nguy cơ cung vượt cầu trong 1, 2 năm tới. Chính vì thế, bà con đã chủ động tinh thần “ứng phó” đó là xen canh thêm một số loại cây trồng phù hợp trong vườn cau của gia đình.

“Với 600 cây cau, năm 2021 nhà tôi thu về 120 triệu đồng và đầu năm 2022 tới nay cũng bán được 70 triệu đồng. Nếu tiêu thụ ổn định thế này thì không có gì đáng nói, nhưng không biết lúc nào bên đó ngừng thu mua. Họ mà nghỉ mua thì cau này khó bán được trong nước. Sợ vậy nên tôi trồng xen thêm mít Thái, đu đủ, bưởi, chuối cho chắc ăn” - ông Nguyễn Đức Thanh, (ấp An Phú Đông, xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách, Sóc Trăng) cho biết.

Qua tìm hiểu của chúng tôi với một số người cung ứng cau giống ở huyện Kế Sách, sở dĩ gần đây mô hình trồng cau phát triển nhanh là do có những lúc giá cau trái lên tới 50.000-60.000 đồng mỗi ký nên nhiều nông dân mua cau về trồng với hy vọng sẽ cải thiện thu nhập từ vườn cây. Trồng cau không đòi hỏi kỹ thuật, không tốn công chăm sóc, cũng không cần phun xịt thuốc, bón phân nên nông dân dễ áp dụng.

Theo ông Võ Văn Bé - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng, những năm gần đây, mô hình trồng cau ở một số địa bàn trong tỉnh được nhiều nông dân áp dụng và mang lại thu nhập khá cao. Tuy nhiên, hầu hết bà con trồng xen canh chứ không độc canh.

“Cau là loại cây tỉnh không khuyến cáo, cũng không thuộc giống cây hạn chế hay ngăn cản người dân trồng nên tùy theo điều kiện phù hợp mà người dân có thể trồng”- ông Võ Văn Bé thông tin thêm.