Saigon 247

Saigon 247

2019-05-15 21:26:20

Thời trang Giovanni: "mập mờ đánh lận con đen" và chiến dịch markettinh "chiếc áo làm nên thầy tu"

Dùng cái tên “âu hóa”, chiến dịch marketing cũng theo phong cách rất Châu Âu, rất Ý… Nhưng tất cả chỉ là chiêu trò “mập mờ đánh lận con đen” để lừa dối người tiêu dùng. Xa xỉ, hào nhoáng… “chiếc áo có làm nên thầy tu” ?. Giá trị thực 10 năm nay người tiêu dùng đang sử dụng từ thương hiệu Giovanni là gì? Là Trung Quốc, Thái Lan… hay Ý?

Mập mờ đánh lận con đen”, cố tình lừa dối người tiêu dùng.

Có mặt trên thị trường Việt Nam từ năm 2007, thương hiệu thời trang Giovanni của Công ty TNHH Giovanni Việt Nam được biết một số trang quảng cáo là nhà phân phối độc quyền duy nhất của thương hiệu Giovanni Italy Inc - “thương hiệu bắt nguồn từ Ý – đất nước được mệnh danh là “Kinh đô của thời trang quốc tế””…
Trên Wedsite của Công ty TNHH Giovanni Việt Nam đã giới thiệu là một nhà nhận phân phối độc quyền thương hiệu Giovanni tại Việt Nam. Cụ thể, “trải qua hơn 10 năm phát triển thương hiệu, Tập đoàn Giovanni tiếp tục thực hiện sứ mệnh tái hiện nét thanh lịch và phong cách Ý đến Việt Nam. Công ty giovanni nhận phân phối và phát triển độc quyền tại thị trường Việt Nam”…

Việc bỏ nhãn chính và viết tắt nhãn phụ của Giovanni có ý đồ gì?

Nhưng thực chất, thương hiệu thời trang Giovanni đã và đang cố tình đánh lừa người tiêu dùng !

Tra cứu tên công ty mẹ “Giovanni Italy Inc” trên Internet thì chúng ta sẽ ngỡ ngàng rằng không thể tìm ra địa chỉ công ty hay những sản phẩm như quảng cáo. Thông tin duy nhất tìm được là từ website giovanni-italy.com, website này có thông tin tiếng Anh (bên cạnh là tiếng Việt) nhưng các địa chỉ bán hàng là ở Việt Nam. Trụ sở chính của Giovanni Việt Nam là tại Tòa nhà Thông tấn xã, số 11 phố Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm,TP. Hà Nội.

Tiếp đó, thông tin về nơi sản xuất, xuất xứ hàng hóa được in trên nhãn phụ bằng tiếng Việt của nhiều sản phẩm nhập khẩu do Giovanni bày bán lại không thể hiện rõ ràng và theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

Cụ thể, trên nhãn phụ của sản phẩm áo da nam nhập khẩu Trung Quốc có mã sản phẩm là SL001-BL lại ghi xuất xứ là P.R.C và không có nhãn chính. Trong khi đó nếu ghi đúng phải là: “Xuất xứ Trung Quốc”. P.R.C là cụm từ viết tắt của “People’s Republic Of China” Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc).

Tại sao thời trang Giovanni lại viết tắt cụm từ chỉ dẫn nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm trong khi theo quy định tại Khoản 2, Điều 15 Nghị định số 43/2017 về Nhãn hàng hóa có quy định: Phải ghi rõ ràng tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa đó, không được viết tắt?

Phân tích vấn đề trên có thể thấy, việc sản phẩm trên có nhãn phụ bằng tiếng Việt nghĩa là phía công ty đã tác động tới nhãn mác sản phẩm.Tuy nhiên phía công ty lại cố tình bỏ đi nhãn chính (chữ Trung Quốc đi) sau đó thêm vào nhãn phụ là tiếng Việt và viết tắt nguồn gốc xuất xứ là có ý đồ ? Tại sao công ty cố tình lừa dối khách hàng, không muốn cho khách hàng biết đó là hàng Trung Quốc?

Thương hiệu thời trang Giovanni: “ Chiếc áo có làm nên thầy tu” ?

Từ Showroom, tới cách bài trí, Website (tiếng anh), người mẫu… đều có một đặc điểm chung là rất châu Âu, rất Ý.

Tất cả các showroom của thương hiệu thời trang Giovanni đều được bài trí rất sang trọng và được đặt tại các trung tâm thương mại lớn, ngang hàng với các gian hàng thương hiệu thời trang ngoại nhập, do đó nhiều người tiêu dùng nhầm tưởng là hàng thời trang nhập khẩu Ý.
Tiếp đó, hầu hết các sản phẩm của thương hiệu này cung cấp bao gồm túi xách, dây lưng, ví da, áo sơ mi, quần tây, comple, giày…đều có mức giá khá cao so với các sản phẩm cùng ngành hàng của các thương hiệu sản xuất trong nước.

Việc sử dụng hàng loạt người mẫu chụp hình minh họa cho sản phẩm đăng tải trên website, trưng bày tại các cửa hàng của Giovanni đều lấy bối cảnh, địa điểm trong các hình ảnh quảng cáo mang phong cách kiến trúc, không gian rất châu Âu, rất Ý.

Chiến lược marketing cũng rất Ý, nhưng tất cả những điều đó chỉ là sự xa hoa và hào nhoáng bên ngoài, thứ gọi là hình thức chứ không phải nội dung.

Ở một diễn biến khác, qua trao đổi ngắn với ông Nguyễn Trung Hải – Giám đốc Marketing của Công ty CP Giovanni Việt Nam về vấn đề thương hiệu. Ông Hải cũng không biết thương hiệu thời trang Giovanni với 12 năm trên thị trường là thương hiệu của nước nào? Một giám đốc Marketing lại không biết thương hiệu của chính công ty mình là thương hiệu nước nào? Điều này khiến dư luận không khỏi hoài nghi ?

Tiếp đó, vị Giám đốc Marketing của Công ty CP Giovanni Việt Nam này cũng cho biết “hiện tại phía công ty nhập khẩu hàng từ nhiều quốc gia khác nhau như: Trung Quốc, Ý, Thái Lan… cũng có thể nhập nguyên chiếc và cũng có thể nhập theo từng bộ phận”. Tuy nhiên, một thương hiệu nhưng có nhiều nguồn gốc xuất xứ vậy thì rốt cuộc Giovanni là thương hiệu của nước nào?

Trước đó, người tiêu dùng Việt đã không khỏi bàng hoàng, bất bình và phẫn nộ trước sự việc thương hiệu lụa Khaisilk lừa dối khách hàng, bán lụa tơ tằm xuất xứ từ Trung trong suốt nhiều năm. Và giờ đây, nếu một lần nữa khách hàng bị lừa dối bởi một thương hiệu có tiếng thì làn sóng dư luận sẽ như thế nào?

Vậy, từ những dẫn chứng trên, thương hiệu thời trang Giovanni rốt cuộc là thương hiệu của nước nào? Nếu không phải thương hiệu Ý, thì Giovanni có phải đã và đang kinh doanh chính lòng tin của khách hàng để thu lợi nhuận cho mình trong 12 năm qua.

Tại sao lại có sự “đánh lận con đen” đối với nhãn mác sản phẩm nhập khẩu? Phải chăng một Công ty lớn, một thương hiệu thời trang có 12 năm kinh nghiệm trên thị trường lại không hề biết đến những quy định về nhãn mác hàng hóa?
Những câu hỏi này dư luận và người tiêu dùng xin gửi về Công ty TNHH Giovanni Việt Nam, Cục Quản lý thị trường Hà Nội.

Quy định tại Nghị định số 43/2017 về Nhãn hàng hóa: Hàng hóa nhập khẩu phải ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, trong đó phải để đầy đủ nhãn chính và nhãn phụ.

Khoản 2, Điều 15 Nghị định số 43/2017 về Nhãn hàng hóa: Cách ghi xuất xứ hàng hóa được quy định như sau: Ghi cụm từ “sản xuất tại” hoặc “chế tạo tại”, “nước sản xuất”, “xuất xứ” hoặc “sản xuất bởi” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa đó. Tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa đó không được viết tắt.

Theo doanhnghiepthuonghieu.vn