largeer

Sư Tử

Sư Tử

2021-11-11 15:48:00

Thiết bị bay không người lái hỗ trợ các HTX phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại

Kỳ vọng drone trở thành bước ngoặt trong sản xuất của HTXVới giá dao động từ 300-700 triệu đồng, đã có HTX mạnh dạn đầu tư mua drone về phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hoặc có những HTX chưa đầu tư được đã thuê dịch vụ phun thuốc trừ sâu bằng drone của HTX hoặc doanh nghiệp khác để tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả của mô hình cánh đồng lớn.

Chi phí đắt đỏ, thủ tục phức tạp

Theo các chuyên gia, khi đưa vào sử dụng, drone sẽ giúp HTX tăng 50% hiệu quả làm việc, tiết kiệm 80% lượng nước, 30-40% lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Tuy nhiên, vấn đề hiện nay được các HTX quan tâm đó chính là thủ tục xin cấp giấy phép bay. Theo Nghị định số 36/2008/NĐ-CP thì tàu bay không người lái là thiết bị bay mà việc điều khiển, duy trì hoạt động của chuyến bay không cần có sự tham gia điều khiển trực tiếp của phi công, tổ lái trên thiết bị bay đó. Chính vì vậy, HTX tổ chức hoạt động bay cho drone thì phải nộp hồ sơ đề nghị cấp phép bay.

432

Chia sẻ với VnBusiness, ông Vương Trọng Nghĩa, Chủ tịch HĐQT HTX An Long (Long An) cho biết, HTX đã đầu tư hơn 500 triệu đồng để mua một chiếc drone về phục vụ phun thuốc trừ sâu cho thành viên và người dân trên địa bàn. Tuy nhiên, cứ 3 tháng, HTX lại phải xin cấp lại giấy phép bay một lần và chi phí mỗi lần là 3 triệu đồng.

Bên cạnh đó, mỗi lần làm hồ sơ tái cấp phép bay, HTX phải có ảnh chụp drone, có tờ thuyết minh kỹ thuật của drone; giấy phép hoạt động của HTX; giấy tờ chứng minh nguồn gốc của drone; giấy phép hoặc giấy ủy quyền hợp pháp cho phép drone hoạt động trên mặt đất, mặt nước ở địa phương hay các tài liệu chứng minh đủ điều kiện điều khiển bay của người trực tiếp sử dụng phương tiện bay…

“Thủ tục hồ sơ giấy tờ như vậy là tương đối phức tạp, trong khi thời gian xin giấy phép bay mất từ 15 - 40 ngày/lần khiến HTX mất khá nhiều thời gian, công sức. Đó là chưa kể nếu HTX di chuyển drone sang xã bên thì phải xin giấy hoạt động của xã đó mỗi lần làm hồ sơ”, ông Nghĩa cho biết.

Có thể thấy, để drone có thể hoạt động hiệu quả, HTX phải bỏ ra số tiền khá lớn để mua và duy trì. Ngoài chi phí, thì thủ tục cấp phép chặt chẽ, mất nhiều thời gian cũng chính là nguyên nhân khiến nhiều HTX chưa thể đầu tư một chiếc drone để phục vụ phát triển sản xuất theo quy mô lớn.

Liên kết để cùng phát triển

Theo các chuyên gia, hiện mới chỉ có Bộ Quốc phòng là đơn vị cấp phép bay cho drone. Tuy nhiên, việc cấp phép bay chủ yếu là cho các doanh nghiệp kinh doanh thiết bị bay không người lái. Còn số lượng người dân, HTX đăng ký drone hiện rất nhỏ.

Ông Nguyễn Quang Hồng, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX nông nghiệp Thủy Tân (Thừa Thiên Huế), cho biết qua tìm hiểu, HTX nhận thấy việc cấp giấy phép bay rất phức tạp, tốn nhiều chi phí nên đến thời điểm này, HTX chỉ thuế dịch vụ phun thuốc bằng drone của doanh nghiệp về hỗ trợ thành viên và người dân.

Bên cạnh đó, từ năm 2019 trở về trước, HTX muốn mua drone cũng khó vì quy định về cấp phép bay cho drone chưa rõ ràng. Chỉ từ năm 2020, trong dự thảo tờ trình xây dựng nghị định mới thay thế Nghị định 36/2008, Bộ Quốc phòng cũng đã đề nghị Chính phủ bổ sung nhiều quy định kiểm soát chặt việc sản xuất, sử dụng drone. Lúc này, các HTX mới có cơ sở pháp lý để làm hồ sơ cấp phép bay và mới đủ điều kiện đưa drone hoạt động.

Theo một khảo của Tổ chức CropLife châu Á đối với các nông dân trồng lúa, cây ăn quả và rau tại Việt Nam, có 42% muốn áp dụng số hóa trong nông nghiệp. Điều này cho thấy, nông dân, HTX Việt Nam đang quan tâm đến số hóa, trong đó có việc ứng dụng công nghệ cao, sử dụng các thiết bị bay không người lái trong phục vụ sản xuất.

Bên cạnh đó, theo quy định hiện nay, cá nhân chưa được phép sở hữu máy bay không người lái phục vụ nông nghiệp vì lý do đảm bảo an ninh, mà chỉ có các tổ chức làm dịch vụ cho nông dân. Chính vì vậy, tạo điều kiện hỗ trợ HTX ứng dụng drone vào sản xuất là một việc cần thiết.

GS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho biết, các nước trên thế giới đã sử dụng drone từ lâu. Để nâng cao hiệu quả sử dụng drone tại Việt Nam, theo ông Sơn, các hộ dân, HTX có thể liên kết lại cùng nhau đầu tư một chiếc máy bay không người lái nhằm giảm chi phí và tăng hiệu quả sử dụng.

“Đối với một chiếc drone 600 -700 triệu, khi làm dịch vụ với giá dao động 190.000-200.000 đồng/ha đối với ruộng lúa. Mỗi máy phục vụ được 70 ha một ngày thì chỉ sau 1,5-2 năm là có thể thu hồi được vốn”, ông Sơn cho biết.

Còn về thủ tục giấy tờ cấp phép hoạt động bay cho drone, hiện mới chỉ có Bộ Quốc phòng cấp phép cho máy bay không người lái, trong khi các thủ tục giấy tờ tương đối phức tạp, trình độ nhận thức của các thành viên HTX còn hạn chế.

Để giải quyết vấn đề này, các chuyên gia cho rằng HTX nên mua các drone của các doanh nghiệp hoặc liên kết sản xuất với các doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi. Lúc này, doanh nghiệp sẽ vừa hỗ trợ HTX đào tạo sử dụng drone, vừa hỗ trợ HTX làm hồ sơ xin cấp phép, hỗ trợ chi phí bảo hành… từ đó sẽ tháo gỡ dần những khó khăn cho HTX.

Tuy nhiên, các ngành chức năng cũng cần xem xét giảm bớt thời gian cấp giấy phép bay. Vì nếu mất thời gian quá dài sẽ làm ảnh hưởng đến kế hoạch và hoạt động sản xuất của HTX, do hoạt động nông nghiệp phần lớn sản xuất theo mùa vụ và bị ảnh hưởng bởi thời tiết.

Theo Vnbusiness