Thị trường xuất hiện nhiều loại nước rửa tay sát khuẩn tự phong
Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cho biết, lợi dụng dịch viêm phổi COVID-19, một số đơn vị đã đưa ra thị trường các loại nước rửa tay sát khuẩn chưa được cấp phép.
Tình cờ được một bác sĩ quen biết gửi tặng chai nước rửa tay sát khuẩn, chị T.T.M. - ở Q.12, TPHCM - mới phát hiện các loại nước rửa tay kháng khuẩn phòng chống dịch COVID-19 mà gia đình sử dụng lâu nay nhiều khả năng không có hiệu quả sát khuẩn.
“Thấy chai nước do bác sĩ tặng có nhiều thông tin rất khác so với loại nước rửa tay sát khuẩn đang dùng, tôi gọi điện cho bác sĩ hỏi, mới biết loại nước rửa tay sát khuẩn mình dùng cả tháng qua chưa được cơ quan y tế cấp phép” - chị M. bày tỏ.

Chưa có phép, vẫn bán tràn lan
Thử mua một số sản phẩm nước rửa tay đang được bán nhiều trên thị trường, chúng tôi nhận thấy, thông số thể hiện trên sản phẩm không giống nhau. Chỉ có một số ít sản phẩm thể hiện thông tin về giấy phép đăng ký và ký hiệu do cơ quan y tế cấp, còn lại chỉ ghi chung chung là “dung dịch nước rửa tay” kèm dòng chữ “làm sạch tay, kháng khuẩn” bên dưới. Nhiều người cho biết, do thấy các sản phẩm này được bày bán trong siêu thị, tiệm thuốc tây nên mua dùng, không xem kỹ sản phẩm có đảm bảo các quy định về sát khuẩn hay không.

Trên thực tế, có những cơ sở sản xuất nước rửa tay gia dụng chưa được khảo nghiệm tính năng diệt khuẩn, và tất nhiên không thể có giấy chứng nhận đăng ký lưu hành của Bộ Y tế nhưng vẫn đưa mặt hàng này ra bán. Các sản phẩm này thường lách luật bằng cách ghi là nước rửa tay diệt khuẩn nhưng có số đăng ký là mỹ phẩm (có ghi chữ CBMP trên chai) hoặc đăng ký là “tiêu chuẩn cơ sở” (có ghi chữ TCCS trên chai) hoặc không có cả số đăng ký…
“Ngoài ra, còn có một số nước rửa tay nhanh được ghi là “sạch khuẩn 99,9%” và có số đăng ký là mỹ phẩm (ghi chữ CBMP trên chai) hoặc tiêu chuẩn cơ sở (có ghi chữ TCCS trên chai). Rửa tay nhanh nghĩa là không rửa tay lại bằng nước; sạch khuẩn nghĩa là vi khuẩn không chết và vẫn còn ở trên bàn tay, vậy thì bàn tay vẫn còn đầy vi khuẩn” - TS-BS Nhân cảnh báo thêm.
Theo Cục Quản lý môi trường y tế, trong thời gian qua, có một số tổ chức, cá nhân lợi dụng tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp do vi-rút SARS-CoV-2 gây ra để sản xuất hoặc đưa ra thị trường các chế phẩm sát khuẩn chưa được đơn vị này cấp phép, chưa đủ điều kiện lưu hành trên thị trường. Cục đã có văn bản gửi các sở y tế trên cả nước, yêu cầu kiểm tra, xử lý và tổng hợp thông tin gửi về cục trước ngày 15/3.
Để ngăn chặn tình trạng bán tràn lan các sản phẩm nước rửa tay sát khuẩn không phép, cục đã có công văn yêu cầu một số sở y tế không tiếp nhận hồ sơ công bố tiêu chuẩn áp dụng của mỹ phẩm hoặc trang thiết bị y tế loại A đối với nhóm sản phẩm này.
Cách nhận biết nước rửa tay sát khuẩn tốt
Ngày 10/3, trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM về cách phân biệt sản phẩm nước rửa tay sát khuẩn đã được cấp phép với nước rửa tay sát khuẩn dỏm, các bác sĩ trực tư vấn của Phòng Quản lý sức khỏe và môi trường hóa chất, thuộc Cục Quản lý môi trường y tế cho biết, các sản phẩm được cấp phép đều thể hiện thông tin về số đăng ký với ký hiệu SĐK - VNDP-HC. Ngoài ra, người dân có thể vào website của cục (http://vihema.gov.vn) để tra cứu danh sách các chế phẩm nước rửa tay sát khuẩn được lưu hành hợp pháp trên thị trường Việt Nam, được công bố trên trang web này.
Nguồn: https://www.phunuonline.com.vn/nuoc-rua-tay-sat-khuan-tu-phong-ban-tran-lan-a1405177.html
Theo Phunuonline