largeer

Mai Anh

Mai Anh

2022-03-22 15:30:00

Thị trường trong cơn 'bão giá'

Những tác động của dịch bệnh Covid-19, nhất là những diễn biến từ thị trường trong thời gian qua như: giá xăng dầu leo đỉnh, chi phí đầu vào tăng cao, thị trường đầu ra bị sụt giảm... đã khiến cho nhiều ngành kinh doanh bán lẻ, dịch vụ chịu tác động trực tiếp, nhiều doanh nghiệp (DN), cửa hàng đã rục rịch tăng giá dịch vụ trước làn sóng “bão giá” ngày một khó lường như hiện nay.

Đồ họa so sánh giá một số loại nhiên liệu và giá một số loại thực phẩm, mặt hàng thiết yếu hiện nay theo tổng hợp báo giá tại một số chợ hạng 1 trên địa bàn tỉnh so với cùng kỳ năm ngoái (Đồ họa: Hải Quân)

Đồ họa so sánh giá một số loại nhiên liệu và giá một số loại thực phẩm, mặt hàng thiết yếu hiện nay theo tổng hợp báo giá tại một số chợ hạng 1 trên địa bàn tỉnh so với cùng kỳ năm ngoái (Đồ họa: Hải Quân)

Làn sóng tăng giá “loang” theo giá xăng dầu

Giá xăng dầu trong nước đã tăng 6 lần kể từ đầu năm 2022 đến giữa tháng 3-2022 và đạt mức giá bán lẻ kỷ lục trong khoảng 8 năm qua. Đến chiều 21-3, trong đợt điều chỉnh giá bán lẻ mới nhất của Liên bộ Tài chính - Công thương, giá xăng đã giảm hơn 600 đồng/lít. Theo đó, xăng E5 RON92 có giá bán tối đa là 28.330 đồng/lít và xăng RON95 là 29.192 đồng/lít, tuy có giảm so với kỳ điều chỉnh trước đó nhưng mức giá xăng hiện nay vẫn ở mức cao so với cùng kỳ năm ngoái. Tương tự, giá các loại dầu vẫn ở mức cao sau khi điều chỉnh, có giá bán lẻ từ 20.423- 23.633 đồng/lít, kg.

Nhiều DN kinh doanh vận tải trên địa bàn Đồng Nai cho biết, do chi phí xăng, dầu chiếm tỷ lệ đáng kể trong cơ cấu giá thành vận tải hàng hóa nên khi giá xăng, dầu liên tục ở mức cao trong thời gian gần đây, nhiều DN vận tải đã có thông báo thỏa thuận lại với khách hàng về giá cước vận tải trong thời gian tới.

Nhiều mặt hàng liên tục tăng trong thời gian qua, nhất là giá xăng, dầu, gas, thép, nguyên liệu đầu vào của nhiều ngành sản xuất, giá phân bón, thức ăn chăn nuôi trong ngành Nông nghiệp, các loại vật liệu xây dựng… đã đẩy áp lực lên thị trường và áp lực chi tiêu cho người dân. Điều này sẽ tác động đến hiệu quả của chính sách tài khóa cắt giảm 2% thuế VAT nhằm kích cầu tiêu dùng, kích thích tăng trưởng đang được triển khai. Trên thực tế, hiện người tiêu dùng chưa kịp cảm nhận thuế VAT được giảm 2% thì lại thấy giá nhiều mặt hàng, nhất là các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm tăng.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh mặt bằng giá tiêu dùng vẫn đang ở mức cao, rất cần các chương trình, chính sách, công cụ quản lý về giá trong tình hình mới để có thể hạ nhiệt giá cả, tránh lạm phát xảy ra.

Ông Nguyễn Xuân Cử, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải đường bộ Phú Cường A (TP.Biên Hòa) cho biết, công ty đã thông báo đến các DN, đơn vị đối tác để có phương án hỗ trợ giá cước vận chuyển vì tình hình giá xăng dầu liên tục biến động. Trong thời gian qua, công ty đã thông báo tăng giá cước đến khách hàng thêm 10% và có thể sẽ tăng thêm giá cước trong thời gian tới nếu như giá xăng dầu vẫn tiếp tục “nhảy múa” khó lường.

Nhiều DN logistics trên địa bàn đã đề nghị với khách hàng về việc tăng giá cước vận tải trong thời gian tới khoảng 10-15%, vì giá xăng, dầu tăng cao. “Hiện nay, hàng hóa vận chuyển từ TP.Biên Hòa về cảng Cát Lái (TP.HCM) chi phí trung bình vào khoảng 3,8 triệu đồng/container, dự kiến tăng thêm khoảng 300-400 ngàn đồng/container trong thời gian tới. Giá cước vận tải tăng sẽ khiến giá thành sản xuất bị “đội” lên, ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất, xuất khẩu của nhiều DN” - ông Nguyễn Tiến Chương, Chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai nhận định.

Khi giá xăng dầu tăng kéo theo giá các loại nguyên liệu đầu vào cũng tăng cao khiến các DN sản xuất phải “căng mình” gồng gánh để có thể giữ giá đầu ra hoặc tăng giá ở mức phù hợp nhất có thể để giữ khách hàng.

Ông Nguyễn Tân Phú, Giám đốc Công ty TNHH Thế Giới Dinh Dưỡng - Nutriworld (H.Thống Nhất) cho biết, giá xăng dầu tăng kéo theo giá cước vận tải tăng. Ngoài ra, chi phí về logistics, cảng biển cũng tăng đã tác động đến nhiều mặt trong hoạt động sản xuất của công ty. Trước tiên là chi phí vận chuyển sẽ tăng thêm, chi phí này hiện chiếm khoảng 10% giá thành sản xuất của công ty. Tiếp theo là mặt bằng giá nguyên, vật liệu đầu vào cũng “đội” lên theo. Bởi hiện nay, trước bối cảnh giá xăng dầu tăng, nhiều đơn vị cung ứng nguyên liệu, vật tư đầu vào như: thùng carton, bao bì sản phẩm… cũng tăng giá theo nên công ty phải “gánh” thêm các chi phí phát sinh này. Hiện công ty đang cố gắng giữ giá đầu ra, tuy nhiên trong thời gian tới khi vật giá cứ tiếp tục “leo thang” thì công ty sẽ phải cân đối lại và có thể sẽ tăng giá đầu ra theo tỷ lệ phù hợp.

Giá xăng, dầu liên tục ở mức cao trong thời gian gần đây khiến cho người dân, doanh nghiệp chịu nhiều tác động. Ảnh: Hải Quân

Giá xăng, dầu liên tục ở mức cao trong thời gian gần đây khiến cho người dân, doanh nghiệp chịu nhiều tác động. Ảnh: Hải Quân

Tương tự, ông Bùi Thế Kích, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Tổng công ty May Đồng Nai (TP.Biên Hòa) cho hay, giá cước vận tải tăng làm tác động tới giá đầu vào của nhiều loại nguyên liệu sản xuất của công ty, nhất là nguyên liệu để sản xuất vải không dệt tăng từ 10-15%.

Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Kim Đoán chia sẻ, giá cám tăng trong thời gian qua ảnh hưởng lớn tới giá thành sản xuất chăn nuôi. Đặc biệt, từ Tết đến nay, giá cám tiếp tục có 2 đợt tăng, mỗi lần tăng trung bình từ 7,5-10 ngàn đồng/bao 25kg. Hiện giá cám dành cho heo thịt trung bình vào khoảng 375 ngàn đồng/bao 25kg. Giá thức ăn chăn nuôi bình quân chiếm khoảng 70% giá thành sản xuất, nên việc tăng giá gây ra nhiều áp lực, khó khăn cho người chăn nuôi.

Hình thành mặt bằng giá mới

Khảo sát tại nhiều chợ hạng 1, hạng 2 ở TP.Biên Hòa, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn, sức tiêu thụ giảm trong khi nhiều chi phí phát sinh, nhất là sau khi giá các loại xăng, dầu liên tục tăng cao. Điều này khiến cho nhiều mặt hàng thực phẩm, tiêu dùng tăng giá. Bên cạnh đó, các cửa hàng, hàng quán kinh doanh dịch vụ ăn uống cũng đã bắt đầu tăng giá bán từ 10-20% so với trước dịp Tết Nhâm Dần vừa qua.

Ông Nguyễn Văn Nhân, chủ một sạp tạp hóa ở chợ Long Thành (H.Long Thành) cho hay, so với thời điểm cuối năm 2021 thì hiện nay nhiều mặt hàng tiêu dùng như: dầu ăn, bột ngọt, đường, nước chấm, mì ăn liền… đều rục rịch tăng giá. Trong đó, các mặt hàng dầu ăn, sữa, mì ăn liền có mức tăng nhiều nhất. Đơn cử như dầu ăn thông thường loại chai 1 lít có giá từ 485 ngàn đồng/thùng 12 chai thì nay đã lên mức 570 ngàn đồng/thùng; mì ăn liền các loại tăng từ 15-20 ngàn đồng/thùng…

Người tiêu dùng chọn mua các loại rau củ quả tại một siêu thị ở TP.Biên Hòa

Người tiêu dùng chọn mua các loại rau củ quả tại một siêu thị ở TP.Biên Hòa

Ông Hoàng Văn Đức, đại diện Ban Quản lý chợ Tân Biên (TP.Biên Hòa) chia sẻ, hiện nay giá cước vận tải tăng do giá xăng dầu tăng kéo theo giá nhiều mặt hàng rau, củ, trái cây tăng từ 10-20% để bù lại chi phí vận chuyển. Bên cạnh đó, sức tiêu thụ tại chợ bị ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu vì vật giá leo thang nên nhiều tiểu thương thận trọng, không dám nhập hàng hóa về nhiều như trước đây.

Giá cước vận tải tăng khiến cho nhiều loại hình dịch vụ, bán lẻ cũng rục rịch tăng giá theo. Anh Nguyễn Văn Tân, tài xế xe công nghệ ở P.An Bình (TP.Biên Hòa) cho hay, khoảng vài tháng nay, giá xăng tăng trong khi nhu cầu di chuyển của người dân giảm mạnh khiến cánh tài xế công nghệ như anh lâm vào cảnh khó khăn, ảm đạm. 3 năm trước, nhận thấy nhu cầu gọi xe công nghệ tăng cao nên anh gói ghém mua chiếc ô tô trả góp về chạy xe công nghệ để kiếm nguồn thu nhập. Nào ngờ dịch bệnh kéo dài, chưa hết dịch thì xăng tăng, chi phí tăng, cơn bão giá đang càn quét làm hàng loạt tài xế, shipper phải đau đầu. “Mọi thứ đều tăng mà giá cước không đổi nên thu nhập của tôi giảm khoảng 40-50% so với trước. Hiện giá dầu tăng mạnh mà công ty không điều chỉnh giá cước hỗ trợ tài xế khiến tôi không mặn mà nhận khách gần vì thật sự không có lời. Bây giờ tôi đành phải tìm khu vực đông người để chờ khách hoặc ngồi chờ sao cho có khách cả hai cung đường đi - về để tránh tình trạng đi lòng vòng tốn xăng” - anh Tân chia sẻ.

Ông Huỳnh Sang, đại diện một cửa hàng vật liệu xây dựng ở P.Bửu Long (TP.Biên Hòa) cho hay, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, giá các mặt hàng phục vụ xây dựng bắt đầu tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái, nhất là các mặt hàng như: sắt, thép, xi măng… Giá các mặt hàng liên tục biến động do những tác động từ thị trường, nhất là khi giá xăng dầu, cước vận tải tăng cao.

Theo Cục Thống kê Đồng Nai, chỉ số giá tiêu dùng trên địa bàn tỉnh trong tháng 2 vừa qua tăng 1,43% so với tháng 12-2021. Nhiều nhóm hàng hóa, dịch vụ có chỉ số giá tăng như: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,77%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,54%; nhóm may mặc, mũ, giày dép tăng 0,07%; nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,56%; nhóm thiết bị đồ dùng và gia đình tăng 0,44%; nhóm giao thông tăng 3,76%; nhóm giáo dục tăng 4,39%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,76%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 1,3%... 

Tính chung 2 tháng đầu năm nay, chỉ số giá tăng 2,04% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều nhóm hàng hóa đều có mức chỉ số giá tăng, trong đó nhóm giao thông tăng cao nhất do ảnh hưởng của giá các mặt hàng xăng, dầu tăng…

1

Theo Báo Đồng Nai