largeer

Hải Đăng

Hải Đăng

2021-08-09 09:24:00

Theo trào lưu bỏ phố về quê, nhiều đại gia bắt đầu "thấm đòn"

Trong khi giới trẻ đang hồ hởi bắt “trend” bỏ phố về quê khởi nghiệp làm trang trại sinh thái kết hợp du lịch trải nghiệm thì những đại gia đã “về quê” trước đó lại đang “chán”. Cụm từ “bỏ phố về quê” gần đây được cộng đồng mạng, nhất là giới trẻ lan truyền như một “hot trend” khi mà đâu đâu cũng rủ nhau “về quê, nuôi cá và trồng thêm rau”. Tuy nhiên, thực tế có như 'lời đồn'?

Năm 2017, anh Quân sau nhiều năm làm nhân viên một công ty FDI tại Hà Nội đã theo phong trào bỏ phố về quê mua hơn 3ha đất để làm trang trại kết hợp homestay tại huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình.

Sau 2 năm đổ mồ hôi công sức vào mô hình trang trại sinh thái kết hợp du lịch trải nghiệm (farmstay) kết quả mà anh Quân nhận lại là thực tế không như anh hình dung. Làm nông nghiệp không đơn giản chỉ là mua con giống về thả vào chuồng và trồng cây con xuống đất, đủ thứ dịch bệnh kéo đến rồi tiền thuê nhân công trông coi khiến số vốn mà anh tích lũy sau gần chục năm đi làm nhanh chóng bay hơi.

Đến cuối năm 2019, sau nhiều thất bại anh Quân chuyển hướng trồng cây hoa và bố trí tiểu cảnh cho các bạn trẻ đi phượt “checkin” và trồng thêm cây dược liệu. “Dù cũng đã có nguồn thu nhưng còn lâu mới có thể thu hồi vốn, tôi nhận thấy để bỏ phố về quê không chỉ cần quyết tâm, tiền bạc mà còn phải có sự kiên trì và kiến thức nữa, hiểu về nông nghiệp để trồng trọt canh tác, hiểu về dịch vụ để vận hành homestay, farmstay…” - anh Quân chia sẻ.

Khu farmstay của anh Quân sau gần 4 năm vẫn đang thành hình

Khu farmstay của anh Quân sau gần 4 năm vẫn đang thành hình

Rõ ràng, tiềm năng của việc bỏ phố về quê để khởi nghiệp với những mô hình trạng trại sinh thái kết hợp du lịch trải nghiệm là có khi theo một số khảo sát mới đây của Agoda đã chỉ ra việc trong 10 năm tới, có đến 36% du khách Việt Nam muốn đưa ra những lựa chọn du lịch thân thiện với mội trường hơn khi đi du lịch và có 17% người được hỏi chọn đây là một trong những yếu tố quan trọng nhất khi lựa chọn khách sạn, khu nghỉ dưỡng, homestay.

Tuy nhiên để thành công với mô hình này thông qua việc xây dựng, vận hành để đem lại lợi nhuận là không hề đơn giản nếu không tính đến việc sau một thời gian giá đất trang trại có thể tăng.

Từ khi dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện, nhiều nhà đầu tư đã rủ nhau tìm mua đất ven Hà Nội có lợi thế cảnh quan thiên nhiên đẹp như Ba Vì, Sóc Sơn… để làm homestay nghỉ dưỡng.

Anh Trần Quang Tú, một nhà đầu tư chia sẻ, đầu năm 2020 anh đã bỏ hơn 2 tỷ đồng vào một homestay tại Sóc Sơn, ngôi nhà rộng gần 100m2 bao gồm cả bể bơi, khu vui chơi, có thể phục vụ 18 - 20 khách nghỉ.

Giá thuê là 7 - 8 triệu đồng/đêm vào cuối tuần và 5 triệu đồng/đêm ngày thường nhưng đó là thời điểm dịch vẫn được kiểm soát. Khi đó, homestay lúc nào cũng đông khách vào cuối tuần, những ngày thường cũng có lác đác khách thuê.

Lý do anh Tú quyết định đổ tiền vào làm homestay bởi anh nhận thấy người dân Hà Nội có nhu cầu nghỉ dưỡng vào cuối tuần rất cao, đặc biệt là những địa điểm không cách quá xa trung tâm sẽ luôn được các gia đình hoặc các nhóm bạn trẻ lựa chọn.

Hơn nữa theo anh Tú, mua làm nơi nghỉ dưỡng cho bản thân 1 - 2 năm, tiện thì phục vụ thêm khách, không thích nữa có thể chuyển nhượng giá tăng gấp đôi, gấp rưỡi.

vi

Nhưng có lẽ anh Tú không ngờ được, homestay của anh đã đóng cửa gần 1 năm trời vì dịch và anh cũng không dám bán vì sợ ép giá.

Chị Trần Lan Anh, một nhà đầu tư có nhiều kinh nghiệm cũng chia sẻ, năm 2017, mọi ng bắt đầu làm homestay nghỉ dưỡng, khi đó đất Ba Vì còn rẻ chị cũng dễ dàng mua được một mảnh đất rộng hơn 1000m2 với mức giá chỉ chưa tới 800 triệu đồng.

Chị bỏ thêm gần 200 triệu đồng để xây dựng các phòng ốc, chỗ ăn, bể bởi, vườn hoa.

Trong trí nhớ của chị Lan Anh, thời điểm những năm trước homestay của chị lúc nào cũng chật kín các phòng vào cuối tuần, chị thu lãi hàng tháng vài trăm triệu. Quyết tâm đầu tư vào homestay, chị mua thêm đất, làm thêm 2 homestay tại các khu vực khác.

Nhưng bắt đầu tới giữa năm 2019, homestay nở rộ ở Ba Vì các khu lân cận, cạnh tranh với người bản địa cũng như các chủ đầu tư khác nên chị không còn nhiều khách.

Khi dịch bệnh, lượng khách còn ít hơn, 3 homestay hầu như bỏ không. Trong khi đó, mỗi tháng vợ chồng chị vẫn phải bỏ ra hơn 15 triệu đồng thuê người quản lý chung và các chi phí làm vườn…

Bài toán sinh lời không thành công, giờ phải đối mặt với tình trạng chôn vốn, thiệt đơn thiệt kép, sau khi tính toán chị quyết định rao bán nhưng khó khăn chung, cũng không thấy ai hỏi mua vào lúc này.

Với anh Ngô Hồng Long, homestay nghỉ dưỡng là nỗi ám ảnh với anh. Năm 2005 - 2009 là “thời kỳ vàng son” của các mô hình “căn nhà thứ 2” tại Ba Vì, Thạch Thất, (lúc đó chưa có khái niệm homestay). Nhìn thấy không ít người quen giàu lên từ việc đầu tư đất vào homestay, anh Long cũng dốc hết tích luỹ chạy theo.

Bài học đau đớn xảy ra với anh Long là năm 2015, khi Thanh tra TP. Hà Nội có kết luận về quá trình thực hiện dự án du lịch - nghỉ dưỡng tại thôn Chóng, xã Yên Bài, huyện Ba Vì.

Trước đó, từ năm 2011, khu đất được anh Long cùng với những người bạn là mua gom đất nhà ở, đất vườn và đất rừng canh tác của nhiều hộ gia đình ở xã Yên Bài. Sau đó quy hoạch thành 1 khu du lịch - nghỉ dưỡng với các hạng mục nhà ở, khu phụ trợ, bể bơi và các công trình hạ tầng kỹ thuật kèm theo.

Cuối năm 2015, khi dự án đã cơ bản hoàn thiện để đưa vào khai thác, Thanh tra Thành phố có kết luận việc mua bán, chuyển nhượng do các cá nhân tự thỏa thuận, không được xác nhận của cơ quan có thẩm quyền.

Chủ đầu tư sau khi thực hiện việc mua gom đất đã không kê khai đăng ký, không chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng công trình không xin phép cơ quan có thẩm quyền.

Vậy mảnh đất anh chung vốn cùng những người quen đã phải nằm im chờ giải quyết giấy tờ thủ tục đến 10 năm, và không có khả năng thu hồi vốn vì không thể sang tên.

Theo ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam phân tích, homestay là loại hình kinh doanh của một số chủ đầu tư vay tiền ngân hàng, kêu gọi cổ đông góp vốn với mô hình vừa và nhỏ.

Vì vậy, trong tình hình dịch bệnh khó khăn, nếu nhà đầu tư vay vốn tới 70% thì dễ dàng “sập tiệm”, buộc phải bán cắt lỗ.

Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi trường cũng nhận định: “Homestay là một hình thức du lịch mà người Việt Nam đang hiểu không đúng bản chất, khiến nó dần biến tướng đi.

Xây một ngôi nhà lên nhằm kinh doanh du lịch và gọi đó là homestay thì không đúng. Bởi homestay là khách cùng trải nghiệm những nét văn hóa vùng miền với chủ nhà. Chính sự biến tướng này khiến các chủ đầu tư chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh”.