largeer

thanh

thanh

2022-07-05 08:54:00

Thanh niên 'bỏ phố về vườn', kiếm tiền tỷ mỗi năm

Thấy được tiềm năng của nghề trồng dưa lưới, anh Mai Thế Hiển (35 tuổi, ngụ ấp Vĩnh Cửu, xã Vĩnh Thanh, H.Nhơn Trạch) đã khăn gói trở về địa phương tập tành trồng dưa lưới.

Nhờ có nền tảng và kiến thức về trồng trọt cùng quá trình đầu tư bài bản nên vườn dưa lưới hơn 7 ngàn m2 của anh đã cho lợi nhuận gần 1 tỷ đồng mỗi năm.

* Nghỉ việc vì mê làm nông

Anh Hiển tốt nghiệp ngành hóa thực phẩm và bắt đầu đi làm cho các Công ty chuyên sản xuất thực phẩm vào năm 2013, khoảng thời gian từ năm 2014-2017, anh vừa làm công ty vừa phụ giúp gia đình trồng thanh long. Nhưng sau khi thanh long rớt giá vì sâu bệnh thì nguồn thu nhập chính của gia đình mất đi. Đất bỏ hoang không ai canh tác, thấy sức khỏe cha mẹ cũng già yếu nên vào năm 2018, anh quyết định “bỏ phố về vườn” để thỏa đam mê làm nông nghiệp cùng với một niềm tin mãnh liệt rằng sẽ hồi sinh lại mảnh đất ấy bằng một cách làm mới hay hơn, ít rủi ro hơn.

Anh Mai Thế Hiển kiểm tra sâu bệnh trên vườn dưa lưới

Anh Mai Thế Hiển kiểm tra sâu bệnh trên vườn dưa lưới

Anh Hiển cho biết: “Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng không còn mới đối với những nông dân trẻ hiện nay, nhất là trên địa bàn H.Nhơn Trạch, mô hình “nhà màng” đang được nhiều nông dân triển khai, thực hiện đạt hiệu quả khá cao. Đổi lại mình phải chi gần 450 triệu đồng để đầu tư vào hệ thống nhà màng, xây trụ bêtông, hệ thống tưới nước nhỏ giọt của Israel nhằm hạn chế sâu bệnh và có sự kiểm soát tốt hơn về chất lượng dưa thành phẩm”.

Anh Hiển không ngại chia sẻ về cách làm giá thể cho dưa lưới. Theo anh thì thành phần giá thể thường dùng mụn xơ dừa khô, phân bò, chế phẩm sinh học, riêng phần xơ dừa được ngâm qua vôi để diệt khuẩn. Qua tìm hiểu và hỏi kinh nghiệm người trong nghề, anh ưu tiên sử dụng hạt giống của Công ty TNHH Chánh phong và Công ty Rijk Zwaan Việt Nam.

Từ hạt giống, phân bón và công thức pha thuốc đều được công ty hướng dẫn, nông dân chỉ cần bỏ công sức chăm sóc, thường xuyên theo dõi diễn biến. Quá trình sinh trưởng của cây, nếu làm đúng kỹ thuật, đúng tiêu chuẩn Vietgap ở tất cả các khâu thì hiệu quả, năng suất sẽ rất cao. Anh cũng tự nuôi ong để thụ phấn cho hoa nhằm tiết kiệm sức người và tăng năng suất cho vườn dưa lưới.

Giai đoạn đầu khi chưa có vốn, anh chỉ làm thử nghiệm trên 700m2, sau 1 năm nhận thấy tính hiệu quả kinh tế cao, anh mới nâng dần lên 3 ngàn m2 rồi đến 7 ngàn m2 như hiện tại, với tổng kinh phí đầu tư khoảng 3,2 tỷ đồng.

* Mở rộng quy mô để hướng tới thị trường xuất khẩu

Anh Hiển cho biết: “Hiện mình phân bổ khoảng 3 ngàn gốc dưa lưới/1 ngàn m2, dưa lưới chủ yếu bán cho thị trường trong nước và hầu như thương lái đã đặt hàng và mình cũng không lo lắm ở khâu “đầu ra”, chất lượng dưa lưới đạt chuẩn VietGAPnhưng mình chưa dám nhận ký hợp đồng với các công ty xuất khẩu ra thị trường nước ngoài do chưa đảm bảo về sản lượng”.

Theo anh Hiển, vườn dưa lưới đã làm được 8 vụ, trung bình mỗi vụ thu hoạch từ 4,5 - 5 tấn, giá bán sỉ là 25 ngàn đồng/kg, bán lẻ thì 40 - 45 ngàn đồng/kg. Ngoài bán lẻ cho thương lái, anh cũng giữ lại một ít để bán lẻ cho người quen có nhu cầu mua biếu, tặng vì dưa của anh trái to, tròn và độ ngọt đạt chuẩn xuất khẩu.Chia sẻ thêm về cách xử lý hạt giống, anh Hiển nói: “Hạt giống mua về ngâm nước sôi theo các bước 2 sôi, 3 lạnh như hạt giống cây lúa để kích thích nảy mầm. Sau 24 tiếng đồng hồ ủ sẽ cho ra khay ươm, tiếp tục ủ thêm 24 tiếng đồng hồ rồi trải ra khay để tưới nước, chăm sóc từ 8 - 10 ngày rồi mới trồng ra luống”.

Anh Hiển sắp xếp tổ ong bên trong vườn dưa để ong thụ phấn cho cây

Anh Hiển sắp xếp tổ ong bên trong vườn dưa để ong thụ phấn cho cây

Quy trình từ ngâm hạt giống cho đến lúc cây trưởng thành, thu hoạch được từ 75 - 80 ngày. Như vậy, trung bình một năm anh trồng được 4 vụ nếu trồng trên giá thể, còn trồng trên đất thì thu hoạch 3 vụ, sau mỗi vụ là thời gian nghỉ khoảng 1 tháng để phục hồi, nhờ linh hoạt trong ứng dụng khoa học kỹ thuật vào làm nông nghiệp, cứ 1 vụ gia đình anh Hiển thu lợi nhuận khoảng 35 triệu đồng/1 ngàn m2, sau khi trừ hết các chi phí anh thu được gần 1 tỷ đồng/năm. Nếu duy trì mức lợi nhuận như vậy thì chỉ sau 1-2 năm anh Hiển sẽ hoàn vốn và bắt đầu có lãi.

Khó khăn hiện nay là anh đang vay các nguồn vốn bên ngoài với lãi suất cao so với ngân hàng, hội Nông dân xã cũng có hướng tạo điều kiện để hỗ trợ vốn vay ưu đãi nhưng số vốn tối đa được vay hiện nay chỉ có 50 triệu đồng, bằng 1/5 chi phí nếu đầu tư trên diện tích 1 ngàn m2. Do đó, anh Hiển cũng mong muốn Hội Nông dân các cấp có thể điều chỉnh mức vay cao hơn, từ 250 - 350 triệu đồng để những hộ nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật như anh được tiếp cận dễ hơn, hạn chế được tình trạng vay các tổ chức tín dụng, lãi suất cao, khó thu hồi vốn hoặc thời gian thu hồi vốn kéo dài.

Nhìn qua khu đất đối diện đang bỏ hoang vì canh tác không hiệu quả, anh Hiển đã lên kế hoạch thuê lại để mở rộng qui mô trồng dưa lưới. Dự kiến sau khi có vốn và ký hợp đồng thuê đất dài hạn, anh sẽ bắt tay vào làm với hi vọng nâng cao sản lượng dưa lưới cung cấp cho thị trường trong nước và xa hơn là hướng đến thị trường xuất khẩu trong những năm tới.