largeer

Mây lang thang

Mây lang thang

2022-02-11 16:35:00

Tại sao không nên giao dịch bất động sản bằng giấy viết tay?

Hiện nay trên thị trường, sản phẩm bất động sản là một trong những loại sản phẩm luôn có những tin tức nóng hổi và gây tò mò cho người dân khi giá bất động sản tăng liên tục và được thổi lên với giá rất cao. Trên thị trường ấy, người ta hay truyền tai nhau đó là tuyệt đối không giao dịch bằng giấy tay. Vậy giấy tay là gì? Và lý do vì sao không nên giao dịch bất động sản bằng giấy tay?

Lý do giao dịch giấy tay vẫn hoành hành trên thị trường

Giá bán rẻ, giao dịch giấy tay nhằm “né thuế”: Những căn nhà giấy tay thông thường có giá rẻ hơn so với thị trường, song phần lớn đó là những căn nhà vướng quy hoạch buộc phải thu hồi, nhà xây dựng trái phép, sử dụng sai mục đích được cấp phép, pháp lý không rõ ràng, không đầy đủ. Tuy nhiên, vì quá tập trung vào “giá rẻ”, ngại thực hiện các thủ tục phức tạp theo quy định của pháp luật và cố tình “né” các nghĩa vụ tài chính với nhà nước nên nhiều người mua nhà vẫn đánh liều mua nhà bằng giấy tay dù biết giao dịch tiềm ẩn nhiều rủi ro.

u

Người mua quá tin tưởng vào bên bán: Tin tưởng bên bán là bạn bè, người quen nên người mua chủ quan rằng không xảy ra trường hợp lừa đảo, tranh chấp. Lợi dụng tâm lý này, nhiều người đã lập giấy tay để giao dịch bất động sản với những điều khoản sơ sài. Đây cũng là một bài học cảnh tỉnh cho tất cả mọi người khi giao dịch bất động sản, dù thân quen cũng cần rạch ròi, công bằng và tôn trọng quy định của pháp luật.

Người mua chủ quan, thiếu kinh nghiệm giao dịch, không nắm rõ quy định pháp lý nên dính bẫy lừa: Do quá tin vào những lời hứa của môi giới, bên bán mà người mua chấp nhận giao dịch bất động sản bằng giấy tay. Theo đó, khi người mua đã đặt cọc để giữ chỗ và thỏa thuận thanh toán theo đợt, bên bán/bên môi giới sẽ liên tục đưa ra những lý do xin khất hoặc chậm trễ về thủ tục hành chính để tạm thời trấn an người mua. Cuối cùng, dù đã thanh toán nhưng người mua vẫn chỉ giữ duy nhất tờ giấy viết tay. Và rất nhiều rủi ro đã xảy ra sau đó.

Một số rủi ro khi giao dịch bất động sản bằng giấy tay

-Giấy tay trong giao dịch bất động sản không được pháp luật công nhận: Pháp luật quy định về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải được công chứng, chứng thực mới có hiệu lực, nếu chỉ bằng giấy viết tay sẽ không có giá trị pháp lý và quyền lợi của các bên, đặc biệt là người mua sẽ không được pháp luật bảo vệ.

-Khó xác minh nguồn gốc bất động sản do không có Sổ hồng/sổ đỏ: Một trong những lý do sử dụng giấy tay là pháp lý của bất động sản này có vấn đề. Người mua do chủ quan, tin tưởng người bán lại không muốn bỏ lỡ cơ hội mua bất động sản giá tốt nên vội vã xuống tiền mà không biết rằng bất động sản đó còn mập mờ hồ sơ pháp lý, không xác minh được nguồn gốc và đặc biệt là không có hoặc thiếu giấy tờ về tài sản.

-Khó khăn trong việc bán lại: Bạn mua thì dễ nhưng để bán lại thì khó do giao dịch không an toàn, giấy tờ không rõ ràng.

-Bên bán có thể lật lọng, bán cho người khác khi thấy được giá: Giao dịch bằng lòng tin, thỏa thuận bằng giấy tay thay vì có sự xác nhận của cơ quan chức năng nên quyền lợi của người mua sẽ không được bảo đảm trước pháp luật. Lợi dụng kẽ hở đó, bên bán có thể lật mặt, đổi ý không bán nữa và sẽ bán cho người khác khi được trả giá cao hơn. Người mua lúc này rơi vào cảnh mất tiền cọc và không có cán cân để bảo vệ mình.

-Không đủ điều kiện thế chấp nhà đất cho ngân hàng để vay vốn: Để thế chấp nhà đất vay vốn ngân hàng thì bạn cần chứng minh được nguồn gốc, quyền sở hữu. Trong khi giao dịch bất động sản bằng giấy tay thì người mua hầu hết chưa được sang tên, không có đầy đủ hồ sơ pháp lý nên không đủ điều kiện để thực hiện việc thế chấp vay vốn này.

Từ việc phân tích những rủi ro trên khi giao dịch bất động sản bằng giấy tay, có thể thấy việc thực hiện giao dịch này là rất liều lĩnh và không hề có giá trị pháp lý, bên mua luôn là người chịu thiệt. Do đó, trước một giao dịch bất động sản, các bên nên tìm hiểu và nắm vững các quy định pháp lý để tránh những rắc rối không đáng có trong giao dịch.

Nguồn: Nguyễn Quyền