largeer

Leo

Leo

2022-08-18 07:35:00

Tại sao chậm công bố thông tin 7 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu bị tước giấy phép?

Theo nguồn tin của Lao Động, hai ngày sau khi có quyết định tước giấy phép kinh doanh xăng dầu của 7 doanh nghiệp đầu mối, Tổng cục Quản lý thị trường đã chuyển quyết định sang Vụ Thị trường trong nước để đăng tải công khai thông tin. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, đến ngày 9.8, Vụ Thị trường trong nước mới đăng tải công khai thông tin.

Vụ Thị trường trong nước chậm công bố thông tin

Theo thông tin từ trang Công khai, minh bạch hoạt động kinh doanh điện, xăng dầu của Bộ Công Thương, trong số 38 thương nhân đầu mối xăng dầu hiện nay, Tổng cục Quản lý thị trường đã rút giấy phép một phần hoạt động của 7 doanh nghiệp trong thời gian từ 1-2 tháng.

Cụ thể, tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu 2 tháng với Công ty TNHH sản xuất thương mại Hưng Phát. Một số doanh nghiệp bị tước quyền xuất, nhập khẩu trong 1 tháng như Công ty TNHH thương mại và dịch vụ tổng hợp Hòa Khánh; Tổng công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH MTV; Công ty cổ phần nhiên liệu Phúc Lâm.

Có 3 doanh nghiệp bị tước quyền xuất nhập khẩu trong vòng 1,5 tháng gồm Công ty TNHH thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil; Công ty cổ phần Phúc Lộc Ninh; Công ty TNHH Xăng dầu Vĩnh Long Petro.

Được biết, ngoài các doanh nghiệp trên, còn có 11 doanh nghiệp bị xử phạt vi phạm hành chính với các vi phạm trong kinh doanh xăng dầu với tổng số tiền là 1,7 tỉ đồng.

Công ty cổ phần nhiên liệu Phúc Lâm đã từng bị tước giấy phép hoạt động xăng dầu vào tháng 4 năm ngoái do liên quan đến vụ buôn lậu xăng dầu. Ảnh: V.T

Công ty cổ phần nhiên liệu Phúc Lâm đã từng bị tước giấy phép hoạt động xăng dầu vào tháng 4 năm ngoái do liên quan đến vụ buôn lậu xăng dầu. Ảnh: V.T

Tổng cục Quản lý thị trường là đơn vị tước giấy phép kinh doanh của 7 "ông lớn" đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu. Trong đó, các vi phạm chủ yếu là: không đăng ký hệ thống phân phối với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; không đáp ứng về hệ thống phân phối; không duy trì mức dự trữ xăng dầu bắt buộc hoặc duy trì mức dự trữ xăng dầu thấp hơn mức tối thiểu;

Nhập khẩu xăng dầu thấp hơn hạn mức tối thiểu về số lượng, chủng loại được phân giao hằng năm; bán xăng dầu cho đối tượng ngoài hệ thống; ký hợp đồng với đại lý xăng dầu đang là đại lý xăng dầu của thương nhân đầu mối khác...

Theo nguồn tin của Lao Động, việc xử phạt 7 doanh nghiệp đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu đều thực hiện trong tháng 7.2022. Doanh nghiệp đầu mối khi bị tước giấy phép kinh doanh xăng dầu, chỉ hai ngày sau đã được Tổng cục Quản lý thị trường chuyển quyết định sang Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) để đăng tải công khai thông tin trên website.

Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, phải đến ngày 9.8, Vụ Thị trường trong nước mới đăng tải công khai thông tin. Chính sự chậm trễ này đã khiến các doanh nghiệp sản xuất, đầu mối, tổng đại lý… đối diện nguy cơ bị xử phạt.

"Theo quy định của Nghị định 99 năm 2020 của Chính phủ việc tước giấy phép là quy định từ 1 - 3 tháng, căn cứ vào các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường đã ban hành quyết định xử phạt.

Trong giấy phép kinh doanh có quy định là được quyền kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu, do vậy trong quyết định xử phạt hành chính nếu có hình thức tước giấy phép là tước quyền kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu.

Chính vì vậy, khi doanh nghiệp bị tước giấy phép kinh doanh xăng dầu, nhưng vẫn tiêu thụ sản phẩm, đó là hành vi bán hàng lậu. Còn doanh nghiệp đầu mối do không biết thông tin vẫn bán hàng cho những doanh nghiệp bị tước có nguy cơ đối diện với hành vi bán hàng trái phép", nguồn tin cho hay.

Đề nghị Bộ Công Thương làm rõ quyền mua xăng dầu của các thương nhân đầu mối bị tước giấy phép

Cũng theo nguồn tin của Lao Động, Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã có văn bản do ông Nguyễn Việt Thắng - Phó Tổng Giám đốc ký, gửi Bộ Công Thương để xin ý kiến về việc này. Theo BSR, hiện nay, doanh nghiệp này đang tiêu thụ sản phẩm của Nhà máy lọc dầu Dung Quất theo các hợp đồng kinh tế với các thương nhân đầu mối.

Theo đó, căn cứ các quy định của Nghị định 95, Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu và hồ sơ cập nhật của các thương nhân đầu mối, năm 2022, BSR đã ký kết và triển khai hợp đồng định hạn (term) với 22 khách hàng và ký kết hợp đồng nguyên tắc (hợp đồng Spot) với 5 khách hàng là các thương nhân đầu mối.

"Do không được thông báo kịp thời và đến ngày 9.8.2022, thông qua cổng thông tin Công khai, minh bạch trong kinh doanh điện, xăng dầu, chúng tôi được biết thông tin 7 thương nhân đầu mối bị tước Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu có thời hạn, trong đó có một số thương nhân đầu mối là khách hàng ký hợp đồng tiêu thụ xăng dầu của BSR", BSR cho hay.

Do đó, BSR đề nghị Bộ Công Thương xem xét có hướng dẫn, làm rõ về quyền mua các sản phẩm xăng dầu của Nhà máy lọc dầu Dung Quất của các thương nhân đầu mối bị tước giấy phép này, để BSR có cơ sở thực hiện công tác tiêu thụ sản phẩm xăng dầu tuân thủ quy định pháp luật hiện hành.

Theo quy định tại Nghị định 83/2014/NĐ-CP và Nghị định 95/2021/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, một trong những điều kiện để trở thành thương nhân xuất nhập khẩu xăng dầu là phải đảm bảo có 40 đại lý và 10 cửa hàng sở hữu, đồng sở hữu.

Do đó, khi những thương nhân đầu mối này bị tước giấy phép kinh doanh, các cửa hàng, đại lý phải tìm nguồn cung thay thế nếu không sẽ phải đối diện với việc đóng cửa hàng, ngừng kinh doanh, gây ảnh hưởng lớn đến việc cung cấp, phân phối.

Còn theo ý kiến từ các doanh nghiệp đầu mối, khi doanh nghiệp đã bị tước giấy phép cần phải rà soát lại một cách kỹ lưỡng, thận trọng xem có đủ điều kiện hay không, nếu không đủ điều kiện thì dứt khoát phải thu hồi, để làm trong sạch, lành mạnh thị trường.

Nguồn: https://laodong.vn/kinh-doanh/tai-sao-cham-cong-bo-thong-tin-7-doanh-nghiep-dau-moi-xang-dau-bi-tuoc-giay-phep-1081913.ldo