largeer

Sư Tử

Sư Tử

2022-06-23 07:30:00

"Sốc" với giá mít Thái chỉ 1.500 đồng, nhiều nông dân muốn bỏ mít trồng dừa

Hậu Giang - Những ngày qua, nông dân trồng mít Thái ở Cần Thơ, Hậu Giang chỉ bán được với giá 1.500 đồng/kg, có lúc thương lái không mua bỏ nằm la liệt ngoài vườn. Chán nản, nhiều người định chuyển sang trồng cây khác.

Bà Đinh Thị Cầm (huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) cho biết, suốt cả tháng nay, bà gọi cho thương lái đến hái mít, nhưng chỉ nhận được phản hồi rằng mít bị dội chợ vựa không ăn, hoặc hứa hẹn rồi cũng chẳng đến mua.

Theo bà Cầm, do mít nhà mình mới thu hoạch 2 mùa nên cây còn tơ, cho trái to, mỗi trái từ 9kg trở lên. "Không bán được, tôi hái biếu bà con ăn nhưng ai cũng ngán. Bỏ xuống ao cho cá ăn nhiều đến nỗi cá ăn còn không hết”, bà Cầm ủ rũ.

Bà Cầm chia sẻ thêm, sắp tới gia đình bà có dự định phá vườn mít để trồng lại dừa. Bà Cầm cho rằng trồng dừa giá cả ổn định đỡ chăm bón, vật tư nông nghiệp cũng ít tốn hơn, quan trọng là không lo đầu ra như mít Thái hiện nay.

Mit
Mít Thái bà con nông dân ở Hậu Giang đang bán với giá 1.500 đồng/kg.

Mít Thái bà con nông dân ở Hậu Giang đang bán với giá 1.500 đồng/kg.

Ông Nguyễn Văn Bảy (huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ) thông tin thêm: 3 năm trước, nhà ông đang trồng 5 công (1 công = 1.000 m²) sầu riêng mỗi năm thu nhập đều đặn 250 đến 300 triệu đồng. Thấy mít Thái có giá 40.000 - 50.000 đồng/kg, gia đình ông quyết định phá bỏ 5 công sầu riêng để trồng mít. Nhưng với giá mít như hiện nay khiến gia đình ông thật "sốc".

“Suốt 3 tháng nay gia đình tôi bán với giá 1.500 - 2.000 đồng/kg. Mặc dù đài báo giá 7.000 - 8.000 đồng/kg nhưng muốn bán giá đó đâu dễ, trái phải tròn đều 9kg trở lên, phải phun thuốc dưỡng trái,... Nhưng thời điểm này, ai dám đầu tư”, ông Bảy phân trần.

Theo các thương lái chuyên mua mít Thái tại Cần Thơ, Hậu Giang, do hiện nay vựa trái cây thu mua sản lượng sụt giảm không như trước đây, nguyên nhân chính là không xuất khẩu được sang Trung Quốc, nên thị trường trong nước bị dội chợ do cung vượt cầu. Thậm chỉ một số thương lái cũng ngừng mua mít Thái do thị trường không ổn định, chi phí chuyên chở lại cao hơn trước đây và chuyển sang mua loại nông sản khác.

Bà Trần Thị Trang - chủ vựa thu mua trái cây khu vực Cần Thơ, Hậu Giang chia sẻ, 3 tháng nay sản lượng đối tác đặt hàng xuất sang Trung Quốc giảm chỉ bằng 1/4 so với đầu năm 2021. Một phần nguyên nhân do giá cả xăng dầu tăng liên tục, từ đó đẩy tất cả chi phí tăng theo. Thị trường trong nước không thể tiêu thụ hết nên vựa cũng phải giảm số lượng mua vào.

“Chúng tôi chỉ nhận đơn hàng xuất khẩu những đối tác tin tưởng và còn phải tính các chi phí vận chuyển, kho bãi, nhân công. Nếu thu mua ồ ạt không thể xuất khẩu được, cơ sở thiệt hại rất lớn”, bà Trang nói.

Trồng dừa mang lại hiệu quả kinh tế.

Trồng dừa mang lại hiệu quả kinh tế.

Ông Nguyễn Công Chuẩn (huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) chia sẻ, 2 năm trước, nhà ông trồng 1.000 gốc mít Thái. Trong đợt dịch COVID-19, nhận thấy giá cả không ổn định, thị trường bấp bênh nên ông quyết định phá vườn mít sang trồng dừa. Đến thời điểm hiện tại, mỗi tháng ông Chuẩn thu nhập ổn định 7 - 10 triệu đồng từ vườn dừa.

“Tôi bán theo giá thị trường hiện nay một chục (12 trái – PV) 80.000 đồng tại vườn, có người đến tận nơi hái và tính tiền, đỡ tốn công, nhẹ chi phí và quan trọng hơn là không lo đầu ra”, ông Chuẩn cho biết.

Theo ông Nguyễn Út Em - Trưởng phòng NNPTNT huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ, hiện nay, bà con nông dân trồng mít Thái trên địa bàn gặp khó khăn về giá cả đầu ra, do giá phụ thuộc vào thị trường tiêu thụ nước ngoài và tác động của tăng giá xăng dầu.

Phòng NNPTNT huyện cũng đã nhiều lần cảnh báo bà con tránh trồng ồ ạt tự phát, chính giai đoạn này bà con nhìn nhận rút kinh nghiệm. Bên cạnh đó, khi Trung tâm liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng tại Cần Thơ hoàn thành, hy vọng sẽ góp phần giải quyết được vấn đề giá trị nông sản cho cả vùng ĐBSCL.

Nguồn: https://laodong.vn/kinh-te/soc-voi-gia-mit-thai-chi-1500-dong-nhieu-nong-dan-muon-bo-mit-trong-dua-1059030.ldo