largeer

Sư Tử

Sư Tử

2021-12-01 13:00:00

Sóc Trăng: Mùa 'ngọt' vú sữa tím tìm về HTX Lộc - Mãi

Sự kiện trái vú sữa tím của xã Trinh Phú năm 2019 được xuất khẩu sang thị trường Mỹ là một bước tiến lớn trong việc trồng vú sữa tím gắn với tiêu thụ trái đặc sản này của HTX Lộc – Mãi.

Mạnh dạn chuyển đổi cây trồng hiệu quả, xây dựng quy trình sản xuất an toàn, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất… HTX nông nghiệp Lộc – Mãi (ấp 3, xã Trinh Phú, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) đã gặt hái được “quả ngọt” từ mô hình trồng vú sữa tím, từng bước vươn ra thị trường xuất khẩu Mỹ.

Xây dựng quy trình an toàn

Để có được kết quả trên, ngoài sự hỗ trợ của ngành chức năng và chính quyền địa phương, không thể không nhắc đến những nỗ lực của tập thể HTX Lộc - Mãi trong việc trồng cây vú sữa tím theo hướng an toàn.Tiền thân là tổ hợp tác Lộc – Mãi, HTX nông nghiệp Lộc - Mãi được thành lập và đi vào hoạt động vào giữa năm 2019, thông qua sự hỗ trợ của Dự án phát triển cây ăn trái đặc sản tỉnh Sóc Trăng.

Ông Sử Quốc Lộc Giám đốc HTX cho biết, hiện nay, HTX có 33 thành viên, chủ yếu là nông dân trên địa bàn ấp. Từ khi được chính quyền địa phương và ngành chuyên môn hỗ trợ, HTX đã thay đổi tập quán canh tác sang áp dụng quy trình VietGAP cho hơn 32 ha trồng vú sữa tím.

Nhờ các giải pháp canh tác, nhất là bọc trái, vú sữa tím HTX Lộc - Mãi ngày càng nâng cao giá trị xuất khẩu.

Nhờ các giải pháp canh tác, nhất là bọc trái, vú sữa tím HTX Lộc - Mãi ngày càng nâng cao giá trị xuất khẩu.

Khi áp dụng quy trình VietGAP, tuy mất nhiều thời gian hơn so với lối sản xuất truyền thống nhưng nhiều thành viên HTX cho rằng, việc thay đổi và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật này là điều tất yếu để phù hợp với nhu cầu thị trường và phát triển bền vững.

Hơn hết, quy trình VietGAP còn giúp trái vú sữa tím bán ra có giá cao và không tốn chi phí phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Thay vào đó, việc dùng các loại chế phẩm sinh học sẽ an toàn cho sức khỏe của bản thân nhà vườn và cả người tiêu dùng.

Mặc dù, còn non trẻ nhưng các thành viên HTX luôn đồng lòng, học hỏi kinh nghiệm, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng vú sữa tím từ khâu làm bông, ra hoa, bọc trái, đến khi thu hoạch, đóng gói.

Đồng thời, chủ động nắm bắt thị trường tạo đầu ra cho sản phẩm, ký kết hợp đồng với các công ty, doanh nghiệp để xuất khẩu vú sữa tím. Mỗi năm, HTX cung cấp ra thị trường khoảng 1.000 tấn vú sữa tím.

Đặc biệt, nhiều thành viên đã khá giả từ bán vú sữa tím xuất khẩu vì có giá cao hơn bên ngoài từ 10.000 đồng - 15.000 đồng/kg. Bình quân mỗi ha trồng vú sữa tím theo quy trình VietGAP có lãi cao hơn mô hình bình thường đến 90 triệu đồng/năm.

Ông Phạm Thanh Phong, thành viên HTX Lộc - Mãi cho biết: Trước đây, cứ đến mùa vú sữa gia đình ông rất lo lắng, bởi đầu vụ vú sữa trái còn ít, giá bán được thương lái mua cao, nhưng đến khi vú sữa thu hoạch rộ, giá xuống thấp, thậm chí có năm vú sữa tím bán 5.000 - 6.000 đồng/kg, nhà vườn bị lỗ khi trừ hết các khoản chi phí đã đầu tư.

Từ khi tham gia HTX và được tập huấn canh tác theo hướng VietGAP, chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng vú sữa tím, vườn nhà ông Phong đã có năng suất cao, giảm thiểu rủi ro.

“Để duy trì ổn định chất lượng trái vú sữa, giữ chữ “tín” trong cung cấp sản phẩm, tôi cùng các thành viên HTX đồng lòng sản xuất theo đúng kỹ thuật công ty yêu cầu và áp dụng canh tác trái vú sữa theo quy trình VietGAP do Dự án Phát triển cây ăn trái đặc sản tỉnh hướng dẫn...”, ông Phong nói.

Theo ông Lộc, trong vụ năm 2020, HTX đã được Công ty TNHH XNK Vina T&T hỗ trợ cấp 2 mã vùng trồng vú sữa tím với diện tích 32 ha và giao hàng cho công ty xuất khẩu sang thị trường Mỹ hơn 30 tấn.

Mặc dù sản lượng xuất khẩu trái vú sữa tím chưa nhiều nhưng đây là động lực để tạo niềm tin cho HTX trong việc sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Tự tin lên đường sang Mỹ

Những ngày này, các nhà vườn trồng vú sữa ở HTX Lộc – Mãi càng thêm tất bật vì vú sữa đang vào chính vụ.Vượt qua những khó khăn trong đại dịch Covid-19, năm 2021 là niên vụ thứ 3 vú sữa tím của HTX tiếp tục được xuất khẩu sang thị trường khó tính Mỹ.

Trong niên vụ 2020-2021, HTX đã xuất khẩu được hơn 53 tấn vú sữa tím. Do ảnh hưởng dịch COVID-19, vú sữa bán tại vườn năm nay thấp hơn năm ngoái khoảng 5.000 đồng/kg, dao động ở mức 19.000-25.000 đồng/kg, tùy từng loại.

Với điều kiện thổ nhưỡng và cách chăm sóc phù hợp, trái vú sữa trồng trên vùng đất Trinh Phú to tròn, da bóng láng đẹp mắt.

Với điều kiện thổ nhưỡng và cách chăm sóc phù hợp, trái vú sữa trồng trên vùng đất Trinh Phú to tròn, da bóng láng đẹp mắt.

Tuy nhiên, nhờ kiên trì liên kết sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học, tiết giảm chi phí sản xuất nên nhà vườn vẫn đảm bảo có lời 50-60%. Nhờ đó, thành viên đạt lợi nhuận từ 280-300 triệu đồng/năm.

Theo các thành viên, hiện bà con đã mạnh dạn hơn trong khâu đầu tư, bọc trái toàn bộ bằng túi nilon được cải tiến. Việc sử dụng túi nilon trong suốt giúp quan sát được mức độ chín của trái, thuận lợi cho bà con khi thu hoạch. Hơn nữa, tránh được ruồi đục trái gây hại, không có dư lượng thuốc BVTV, mẫu mã đẹp, chi phí thấp và đạt hiệu quả kinh tế cao.

Giám đốc HTX cho biết thêm, thời gian thu hoạch của vú sữa tím tại HTX bắt đầu từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau. Thời gian tới, HTX sẽ phối hợp với các nhà khoa học nghiên cứu tìm kỹ thuật cho trái rải vụ để kéo dài thời gian thu hoạch trái vú sữa tím từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, góp phần tăng thêm năng suất cho các thành viên.

Không những vậy, HTX còn tạo việc làm cho 15-20 lao động tại chỗ với mức lương từ 5-6 triệu đồng/tháng, ổn định thu nhập.

“Để đảm bảo vú sữa tím sẵn sàng phục vụ thị trường xuất khẩu, HTX sẽ tiếp tục mở rộng vùng sản xuất cây ăn trái đặc sản. Cùng với đó, HTX phối hợp chặt chẽ với đơn vị chuyên môn và doanh nghiệp theo dõi quá trình canh tác trái vú sữa tím theo quy trình, tiêu chuẩn, kỹ thuật để sản phẩm chất lượng hơn”, vị Giám đốc HTX nói.

Theo Vnbusiness