largeer

lili

lili

2022-07-29 08:30:00

Rút ngắn thủ tục cho các dự án nhà ở

Thủ tục hành chính kéo dài, chồng chéo, chưa đồng bộ... chính là điểm nghẽn lớn nhất mà các doanh nghiệp xây dựng nhà ở kiến nghị tháo gỡ nhiều năm qua.

Theo ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng Giám đốc Công ty Asian Holding, thời gian hoàn thiện thủ tục pháp lý cho một dự án nhà ở tại Thành phố Hồ Chí Minh phải mất trung bình trên 5 năm nếu thuận lợi, còn không thì bị kéo dài hơn nữa. Giả thiết, nếu mỗi năm doanh nghiệp phải trả 10% về lãi vay, thì trong những năm chờ làm thủ tục pháp lý cho dự án, doanh nghiệp phải tự gồng gánh khoản chi phí này, kèm theo nhiều chi phí khác liên quan. Hậu quả, giá thành nhà bị đẩy lên cao, doanh nghiệp mất cơ hội đầu tư, dẫn đến tâm lý nản lòng.

Ông Đinh Công Khương, Chủ tịch Công ty Thép Khương Mai dẫn chứng, ông mua miếng đất lớn trong khu dân cư hiện hữu tại quận 7 với mục đích phát triển dự án nhà ở. Tuy nhiên, đến nay đã 30 năm, ông vẫn phải bỏ hoang vì gặp khó trong việc chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở. Theo ông Khương, thủ tục kéo dài, nhiêu khê, khiến doanh nghiệp phải cố gắng chi trả tiền vay ngân hàng và trả lãi suất hằng tháng nhưng vẫn chưa thể khai thác, trong khi ngân sách nhà nước mất đi một khoản thu.

Về phân khúc nhà ở xã hội, theo ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại xây dựng Lê Thành, thông thường từ khi bắt đầu thủ tục xin dự án đến lúc kết thúc mất khoảng 5 năm mới có thể hoàn thiện. Thời gian để thực hiện các thủ tục quá dài trong khi lợi nhuận định mức của dự án nhà ở xã hội tối đa 10%, mức lợi nhuận này thấp hơn lãi suất gửi tiết kiệm, do đó, khi hoàn thành dự án, doanh nghiệp không còn lợi nhuận.

Lý giải về việc thủ tục hành chính trong lĩnh vực nhà ở bị kéo dài thời gian, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Từ năm 2019 đến nay, hàng loạt quy định pháp luật thay đổi, trong đó liên quan đến thủ tục đầu tư xây dựng dự án, đặc biệt là dự án nhà ở, trong khi một số đầu mối liên quan lại thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư. Việc thay đổi quy trình xử lý hồ sơ còn do quy định chồng chéo làm kéo dài thời gian xử lý.

Chỉ riêng về thủ tục cấp phép, nếu đúng quy trình, một dự án kể từ khi bắt đầu đến lúc xong giấy phép phải mất khoảng 2 năm, có dự án bị kéo dài đến 5 năm. Hay quy định hiện nay, tất cả công trình xây dựng nhà ở hay dự án đều phải là 100% đất ở, chỉ cần có liên quan đến đất công dù 1m2 cũng phải đấu giá, gây khó khăn cho việc cấp phép xây dựng. Trong quy trình thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội, ông Khiết cũng cho biết: Sở Xây dựng đã hoàn thành việc xây dựng quy trình thủ tục đầu tư đối với loại hình nhà ở này và đã trình UBND Thành phố Hồ Chí Minh xem xét.

Khi quy trình này được ban hành, dự kiến thời gian thực hiện thủ tục của các dự án nhà ở xã hội sẽ được rút ngắn. Cụ thể, rút ngắn thời gian cấp phép từ 345 ngày xuống còn 153 ngày đối với các dự án có nguồn cấp đất từ doanh nghiệp; rút ngắn từ 540 ngày xuống 350 ngày đối với các dự án đấu thầu trên đất sạch do Nhà nước quản lý. Theo ông Khiết, việc rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục này sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp triển khai nhanh các dự án nhà ở xã hội trong thời gian tới.

Liên quan đến quy trình đóng tiền sử dụng đất, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố đã đề xuất UBND thành phố kiến nghị Chính phủ cho phép tạm thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất để kịp thời huy động nguồn thu ngân sách nhà nước; đồng thời, giải quyết thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các dự án nhà ở, thương mại dịch vụ (kèm theo biện pháp ràng buộc nhằm bảo đảm thu đủ ngân sách), giảm áp lực về cấp sổ hồng cho người mua trong các dự án nhà ở, cũng như tăng thu cho ngân sách nhà nước khi người mua nhà ở trong các dự án được cấp giấy chứng nhận thực hiện các giao dịch liên quan.

Các dự án nhà ở tại thành phố Thủ Đức.

Các dự án nhà ở tại thành phố Thủ Đức.

Theo ông Thắng, hiện công tác giải quyết hồ sơ thực hiện thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính đất đai, đất đai đang chậm vì gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, hiện nay, mỗi ngày Sở Tài nguyên và Môi trường phải tiếp nhận 510 hồ sơ, trong đó, đang thực hiện 160 hồ sơ, hoàn trả cho tổ chức hoặc hủy bỏ 235 hồ sơ, 115 hồ sơ vướng mắc về áp dụng quy định pháp luật, đất Nhà nước trực tiếp quản lý trong dự án, nguồn gốc đất công... Trong năm tháng đầu năm 2022 chỉ có năm hồ sơ được giải quyết.

Tại buổi làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh mới đây về việc thực hiện Luật Nhà ở trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016-2021, đại diện Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Có 18 điểm bất cập, chồng chéo của Luật Nhà ở và pháp luật có liên quan khiến thị trường bất động sản không thể phát triển an toàn, bền vững. Hiện chỉ tính riêng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có 116 dự án bất động sản gặp vướng mắc đã được gửi đến lãnh đạo thành phố.

Những dự án này đa số đều chậm triển khai nhiều năm, gây khó khăn cho doanh nghiệp, lãng phí nghiêm trọng nguồn lực của xã hội. Hiệp hội Bất động sản thành phố kiến nghị Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố có ý kiến điều chỉnh một số quy định chưa bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa Luật Nhà ở và các văn bản dưới luật; đồng thời, kiến nghị Thành phố Hồ Chí Minh chủ động tháo gỡ các vướng mắc nằm trong thẩm quyền của thành phố, để doanh nghiệp tiếp cận được với nguồn vốn đúng mức, hưởng chính sách đúng luật.

https://nhandan.vn/rut-ngan-thu-tuc-cho-cac-du-an-nha-o-post707825.html