largeer

lili

lili

2022-01-22 08:50:00

Quản lý, khai thác hiệu quả đất đai

Sau khi quy hoạch sử dụng đất (SDĐ) cấp huyện đến năm 2030 được UBND tỉnh phê duyệt, để hiểu rõ hơn về việc quản lý, khai thác đất đai trong giai đoạn tới, Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với Phó chủ tịch UBND tỉnh VÕ VĂN PHI.

Vẫn còn nhiều vướng mắc

* Ông có thể đánh giá những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện quy hoạch SDĐ giai đoạn 2011-2020 của tỉnh Đồng Nai?

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi

- Trong giai đoạn 2011-2020, việc lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch SDĐ trên địa bàn tỉnh phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các quy hoạnh ngành, lĩnh vực cơ bản đồng bộ, phù hợp với quy hoạch SSĐ, qua đó đáp ứng được quỹ đất để thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh. Công tác quy hoạch, kế hoạch SDĐ đã trở thành công cụ quan trọng để Nhà nước thống nhất quản lý về đất đai. Tuy nhiên, quy hoạch SDĐ và quy hoạch một số ngành vẫn còn một số nội dung chưa đồng bộ, nguyên nhân là do việc lập quy hoạch SDĐ và quy hoạch các ngành khác thời điểm. Vì thế, khi quy hoạch SDĐ được phê duyệt, trong quá trình triển khai thực hiện, các ngành đã phát sinh nhu cầu và phải điều chỉnh quy hoạch của từng ngành.

Ngoài ra, một số ngành hằng năm đều có những điều chỉnh, bổ sung dẫn đến chưa có trong quy hoạch SDĐ, trong khi quy hoạch SDĐ chỉ được điều chỉnh theo thời kỳ 5 năm/lần. Đây cũng là nguyên nhân khiến tỷ lệ thực hiện chỉ tiêu quy hoạch SDĐ chưa cao như: đất phát triển hạ tầng, đất dành cho xây dựng, mở rộng, chỉnh trang phát triển đô thị, đất hoạt động khoáng sản…

Các địa phương trên địa bàn tỉnh sẽ triển khai nhiều dự án trong quy hoạch SDĐ đến năm 2030 là: Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Vĩnh Cửu, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ và Biên Hòa.

* Ở giai đoạn trước, trong quy hoạch SDĐ, Đồng Nai có gần 2 ngàn dự án nhưng tỷ lệ đã hoàn thành và đang thực hiện chỉ đạt hơn 60%. Theo ông, những nguyên nhân nào dẫn đến việc triển khai các dự án còn chậm?

- Vấn đề trên không chỉ ở Đồng Nai mà các tỉnh, thành khác cũng đang gặp phải. Do quy hoạch SDĐ 5 năm mới điều chỉnh một lần nên các huyện, thành phố đã đưa vào quy hoạch khá nhiều dự án với mong muốn sẽ triển khai góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Sau khi đưa các công trình, dự án vào quy hoạch, từng địa phương không cân đối đủ nguồn vốn để thực hiện do phải tập trung cho một số xã, điểm, công trình quan trọng, nguồn vốn xã hội hóa vận động được ít.

Mặt khác, trong quá trình triển khai thực hiện các dự án gặp khó khăn về bồi thường, giải phóng mặt bằng phải thay đổi địa điểm đầu tư. Vì vậy, trong quy hoạch SDĐ giai đoạn 2021-2030, tỉnh đã yêu cầu các địa phương phải rà soát thật kỹ, chỉ đưa những dự án có thể triển khai vào quy hoạch để thực hiện được, tránh trường hợp quy hoạch quá nhiều, triển khai được ít gây ảnh hưởng đến công tác quy hoạch, không khai thác tốt hiệu quả sử dụng đất đai.

Triển khai nhanh quy hoạch

* Từ nay đến năm 2030, Đồng Nai quy hoạch khoảng 8,4 ngàn dự án, tỉnh sẽ có những giải pháp gì để hoàn thành các dự án trên?

- Quy hoạch SDĐ giai đoạn 2021-2030 đã được các sở, ngành, địa phương rà soát kỹ để loại bỏ và bổ sung những dự án phù hợp với điều kiện phát triển của từng khu vực. Hiện nay, quy hoạch SDĐ đến năm 2030 của cấp huyện đã được UBND tỉnh phê duyệt và các địa phương đang tiến hành công bố quy hoạch cho người dân, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp biết để thực hiện.

Sau khi công bố quy hoạch SDĐ các địa phương sẽ cân đối nguồn vốn triển khai các dự án đầu tư công theo lộ trình đã được phê duyệt. Còn những dự án sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách sẽ được các huyện, thành phố lên kế hoạch mời gọi đầu tư. Với lợi thế về hạ tầng giao thông như: cảng hàng không quốc tế Long Thành, các đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành, Dầu Giây - Phan Thiết… trong những năm tới, Đồng Nai sẽ thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư vào các lĩnh vực.

Huyện Cẩm Mỹ là nơi chuyển đổi hơn 10 ngàn ha đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp để phát triển. Ảnh: K.Minh

Huyện Cẩm Mỹ là nơi chuyển đổi hơn 10 ngàn ha đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp để phát triển. Ảnh: K.Minh

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi trong giải quyết các hồ sơ, thủ tục để chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ dự án. Các dự án triển khai nhanh sớm hoàn thành góp phần rất lớn trong phát triển kinh tế của tỉnh và từng địa phương.

* Giai đoạn trước, Đồng Nai quy hoạch gần 2 ngàn dự án đã gặp tình trạng nhiều dự án thiếu vốn để triển khai. Nhưng trong giai đoạn 2021-2030, số lượng dự án phải thực hiện tăng gấp hơn 4 lần, liệu có đủ vốn để thực hiện?

- Vấn đề trên tỉnh đã tính toán đến và đưa ra các giải pháp ngay từ khi bắt đầu thực hiện quy hoạch. Trong những năm tới, Đồng Nai sẽ mở ra nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch kết nối vùng, các địa phương và tỉnh sẽ thu hồi những khu đất có giá trị dọc theo các tuyến đường mở ra để đấu giá lấy kinh phí triển khai các công trình, dự án. Các khu đất của Đồng Nai khi đưa ra đấu giá đều có quy hoạch chi tiết nên được nhiều doanh nghiệp tham gia.

Theo tôi, trong những năm tới, các công trình, dự án của tỉnh sẽ được triển khai nhanh và không lo thiếu vốn để đầu tư. Ngoài ra, các dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách, tỉnh sẽ chú trọng lựa chọn những nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm và tài chính để triển khai từng dự án theo đúng quy hoạch để khai thác được các tiềm năng, lợi thế của đất đai, nâng cao thu nhập cho người dân và tăng thu cho ngân sách nhà nước.

* Xin cảm ơn ông!

Khánh Minh/ Báo Đồng Nai