largeer

Hải Đăng

Hải Đăng

2022-06-24 09:39:00

PV Power bị Kiểm toán Nhà nước chỉ ra “đầu tư không hiệu quả”, các công ty liên kết vẫn bết bát

Sau khi PV Power bị Kiểm toán Nhà nước đưa vào danh sách các đơn vị “đầu tư không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp”, Tổng Công ty vẫn phải trích lập dự phòng cho những khoản đầu tư này.

PV Power bị Kiểm toán Nhà nước đưa vào danh sách các đơn vị “đầu tư không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp”.

PV Power bị Kiểm toán Nhà nước đưa vào danh sách các đơn vị “đầu tư không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp”.

“Đầu tư không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp”

Kiểm toán Nhà nước đã công bố Báo cáo tổng hợp Kết quả kiểm toán năm 2020. Đáng chú ý, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) bị Kiểm toán Nhà nước đánh giá là “đầu tư không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp”.

Điều này được thể hiện qua việc cổ tức, lợi nhuận được chia năm 2019 đạt 0,2% tổng vốn đầu tư. Kiểm toán Nhà nước chỉ ra rằng hoạt động liên kết, đầu tư dài hạn khác tại Công ty mẹ - PV Power bị thua lỗ, mất vốn.

Cụ thể, 3 khoản đầu tư dài hạn khác bao gồm Công ty CP Phát triển đô thị Dầu khí - PXC, Công ty CP Thủy điện Sơn Trà Sông Đà, Công ty Cổ phần Năng lượng Châu Á Thái Bình Dương khiến PV Power mất vốn, phải trích lập dự phòng 20,24 tỷ đồng.

Tới đầu năm 2021, 3 Công ty này khiến PV Power lần lượt phải trích lập 18,2 tỷ đồng, 1,22 tỷ đồng và 550 triệu đồng. Tuy nhiên, tới cuối năm, khoản dự phòng cho Công ty Cổ phần Thủy điện Sơn Trà Sông Đà, Công ty Cổ phần Năng lượng châu Á - Thái Bình Dương không còn nữa.

Chỉ duy nhất PXC vẫn “đóng băng” 18,2 tỷ đồng của PV Power. Tới ngày 31/3/2022, PV Power vẫn “mắc kẹt” 18,2 tỷ đồng tại PXC.

Hiện tại, cổ phiếu PXC đang giao dịch trên UpCOM nhưng trong diện bị hạn chế giao dịch. Đóng cửa phiên 16/6, PXC dừng ở mức 500 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 95% so với mệnh giá. Điều đó có nghĩa khi mua vào PXC ở mệnh giá, nhà đầu tư đã thua lỗ tới 95%. Ngoài 3 cái tên bị Kiểm toán Nhà nước “điểm danh”, nhiều khoản đầu tư khác của PV Power cũng không hiệu quả.

Tại ngày 31/3/2022, PV Power còn phải trích lập 5,9 tỷ đồng cho khoản đầu tư trị giá 29,3 tỷ đồng vào Công ty Cổ phần Thủy điện Sông Tranh 3, 11,1 tỷ đồng vào khoản đầu tư trị giá 11,1 tỷ đồng vào Công ty Cổ phần Đâu tư Bê tông Công nghệ cao và 260 triệu đồng cho khoản đầu tư trị giá 1 tỷ đồng vào Công ty Cổ phần Cơ điện dầu khí.

Lãnh đạo vẫn nhận lương khủng

Một trong những điểm đáng chú ý tại PV Power chính là trong vài năm gần đây, doanh thu, lợi nhuận công ty lao dốc, tổng tài sản giảm mạnh. Thế nhưng, dàn lãnh đạo của Tổng Công ty vẫn liên tục được nhận thù lao tỷ đồng mỗi năm.

Chưa dừng lại ở đó, sang năm 2022, Tổng Công ty lên kế hoạch “đi xuống” nhưng vẫn duy trì chế độ khủng cho lãnh đạo cấp cao.

Cụ thể, theo kế hoạch tiền lương, thu nhập năm 2022 của HĐQT và Ban Kiểm soát chuyên trách, trong năm 2022, PV Power sẽ chi 11,86 tỷ đồng cho 11,75 sếp (số bình quân). Như vậy, trung bình mỗi người sẽ nhận được hơn 1 tỷ đồng.

Đáng chú ý, quỹ thù lao 11,86 tỷ đồng này giảm so với con số tổng đã chi 12,65 tỷ đồng trong năm 2021. Nghĩa là thù lao của dàn lãnh đạo này giảm 790 triệu đồng, tương đương 6,2%.

Thế nhưng, theo số liệu trong báo cáo tài chính hợp nhất năm 2021, số tiền thực chi cho HĐQT và Ban Kiểm soát “chỉ” là 11,7 tỷ đồng, vẫn thấp hơn con số kế hoạch năm 2022 một chút. Nghĩa là dàn lãnh đạo này vẫn được tăng lương bất chấp kế hoạch lợi nhuận, doanh thu lao dốc.

Năm 2021, PV Power gây chú ý khi 16 sếp được trả thù lao trên 1 tỷ đồng.

Ông Hồ Công Kỳ - Chủ tịch HĐQT PV Power được trả 1,289 tỷ đồng cho năm làm việc 2021 (tương đương 107,4 triệu đồng/tháng), tăng rất nhẹ so với 1,234 tỷ đồng của năm 2020.

Tổng Giám đốc Lê Như Linh nhận 1,29 tỷ đồng (107,5 triệu đồng/tháng), tăng nhẹ so với 1,21 tỷ đồng của năm 2020.

Trong HĐQT, ngoài ông Kỳ, 4 lãnh đạo khác cũng nhận lương bạc tỷ. Đó là ông Phạm Xuân Trường (1,1 tỷ đồng), bà Vũ Thị Tố Nga (1,01 tỷ đồng), bà Nguyễn Hoàng Yến (1,02 tỷ đồng) và ông Nguyễn Hữu Quý (1,03 tỷ đồng).

Trong Ban Giám đốc, có tới 6 Phó Tổng Giám đốc nhận lương bạc tỷ. Đó là bà Nguyễn Thị Ngọc Bích (1,09 tỷ đồng), ông Nguyễn Duy Giang (1,09 tỷ đồng), ông Nguyễn Mạnh Tưởng (1,12 tỷ đồng), ông Phan Đại Thành (1,07 tỷ đồng), ông Nguyễn Minh Đạo (1,08 tỷ đồng) và Chu Quang Toản (1,02 tỷ đồng).

Trong Ban Kiểm soát, ông Vũ Quốc Hải nhận 1,12 tỷ đồng, bà Vũ Thị Ngọc Dung nhận 1,02 tỷ đồng.

Theo Báo Xây dựng