largeer

Mèo mun

Mèo mun

2022-06-11 21:00:00

Phòng ngừa, giảm thiểu lao động sớm ở trẻ em

Theo thông tin từ Sở LĐ-TBXH, trên địa bàn Đồng Nai hiện chưa phát hiện trường hợp trẻ em lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; chủ yếu các em phụ giúp gia đình, phụ bán các quán ăn, bán vé số, bóc hạt điều…

Em Nguyễn Ngọc Kim Khánh (giữa) đang phụ việc tại quán cơm gần nhà trọ. Ảnh: N.Sơn

Em Nguyễn Ngọc Kim Khánh (giữa) đang phụ việc tại quán cơm gần nhà trọ. Ảnh: N.Sơn

Thời gian qua, các ngành, các địa phương trong tỉnh thường xuyên tuyên truyền, phổ biến những quy định của pháp luật về lao động sớm ở trẻ em; kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em…, góp phần phòng ngừa, giảm thiểu lao động sớm ở trẻ em.

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Căn cứ vào Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; công văn của Bộ LĐ-TBXH về việc thực hiện chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh cũng đã xây dựng kế hoạch về phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động sớm trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.

Phó giám đốc Sở LĐ-TBXH Nguyễn Thị Kiều Oanh cho biết, là đơn vị được giao chủ trì, Sở LĐ-TBXH đã phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch hằng năm về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em. Bên cạnh đó, Sở luôn chú trọng tổ chức các lớp tập huấn về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức, viên chức bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em các cấp.

Từ năm 2016 đến nay, Sở LĐ-TBXH đã hỗ trợ 190 trẻ em lao động sớm thông qua các hình thức: hỗ trợ đồ dùng học tập, học phí, phương tiện đi lại (xe đạp) và hỗ trợ phát triển kinh tế hộ gia đình (trồng rau, nuôi gà, trồng lúa…), giúp các em có điều kiện tiếp tục đến trường, đảm bảo thực hiện quyền trẻ em theo quy định.

Các cơ quan chức năng thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về lao động trẻ em. Trong đó, Sở GD-ĐT chủ trì tuyên truyền, cung cấp thông tin, kiến thức, kỹ năng về phòng ngừa lao động trẻ em cho học sinh, giáo viên. Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức truyền thông, giáo dục, tư vấn pháp luật, chính sách về lao động trẻ em cho cán bộ, đoàn viên, người chưa thành niên, trẻ em tham gia lao động. Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức thành viên khác phối hợp truyền thông, giáo dục, tư vấn pháp luật chính sách về lao động trẻ em; vận động cán bộ, hội viên, đoàn viên nâng cao nhận thức về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em trái quy định của pháp luật…

Bên cạnh công tác phòng ngừa, các ngành chức năng thường phối hợp tổ chức thanh tra, kiểm tra việc sử dụng lao động trẻ em tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhằm giảm thiểu tình trạng trẻ em tham gia lao động, trẻ em có nguy cơ và trẻ em lao động trái quy định của pháp luật.

Một yếu tố góp phần ngăn ngừa, giảm thiểu lao động sớm ở trẻ em chính là gia đình các em.

Bà Võ Thị Hậu (ngụ ấp 4, xã Phú Hòa, H.Định Quán) chia sẻ, gia đình không có đất, vợ chồng bà đều đi làm mướn. Với suy nghĩ con còn nhỏ, cơ thể phát triển chưa hoàn thiện, nếu làm việc nặng nhọc sẽ làm ảnh hưởng đến sự phát triển của con nên mặc dù vất vả nhưng vợ chồng bà không bắt con phải lao động nặng, chủ yếu là phụ giúp việc nhà sau giờ học hoặc những ngày nghỉ hè theo phụ cha mẹ những việc lặt vặt.

Cần sự phối hợp chặt chẽ hơn

Tuy chưa phát hiện những trường hợp trẻ lao động sớm trong môi trường lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm nhưng trên địa bàn tỉnh vẫn còn những trường hợp trẻ có hoàn cảnh khó khăn phải tham gia lao động từ sớm.

Năm nay mới 14 tuổi nhưng em Nguyễn Ngọc Kim Khánh (ngụ xã Tân An, H.Vĩnh Cửu) đã có nhiều năm phụ giúp mẹ bán vé số, phụ quán cơm để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Kim Khánh cho biết, gia đình 7 người nhưng nhiều năm nay chỉ có một mình mẹ em bán vé số lo cho cả gia đình nên rất vất vả. Thấy mẹ vất vả, 2 anh lớn của em đủ tuổi lao động cũng đã đi làm để chia sẻ gánh nặng mưu sinh với mẹ. Còn em, từ khi còn nhỏ đã theo mẹ đi bán vé số. Lớn thêm thì đến quán cơm mẹ làm vừa bán vé số, vừa phụ bưng bê, rửa chén đỡ đần cho mẹ.

Theo Phó giám đốc Sở LĐ-TBXH Nguyễn Thị Kiều Oanh, thời gian tới, để giảm thiểu trẻ em lao động sớm, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố rà soát, lập danh sách trẻ em lao động sớm, trẻ em lao động phụ giúp kinh tế gia đình để giúp các em tiếp tục đến trường và hạn chế lao động sớm.

Bên cạnh đó, Sở tiếp tục phối hợp các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện tuyên truyền về Luật Trẻ em sửa đổi bổ sung năm 2016, quy định về lao động chưa thành niên nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, người dân, trẻ em về phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng trẻ em tham gia lao động, trẻ em có nguy cơ và trẻ em lao động trái quy định của pháp luật. Tiếp tục nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em các cấp; tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành trong việc phòng ngừa, phát hiện, can thiệp, hỗ trợ trẻ em có nguy cơ lao động sớm. Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc sử dụng lao động trẻ em tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh…

Phó trưởng phòng LĐ-TBXH H.Tân Phú Nguyễn Thị Xuân cho rằng, để ngăn ngừa, giảm thiểu lao động sớm ở trẻ em, ngoài sự nỗ lực của ngành LĐ-TBXH, cần có sự chung tay phối hợp của các ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp và đặc biệt là gia đình của chính các em trong việc phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em.

Báo Đồng Nai