largeer

Mai Anh

Mai Anh

2021-05-15 21:10:00

Pháp luật quy định như thế nào về việc quản lý đất đai trong khu kinh tế-quốc phòng (KT-QP)?

Pháp luật quy định như thế nào về việc quản lý đất đai trong khu kinh tế-quốc phòng (KT-QP)?

Theo Điều 28 Nghị định số 22/2021/NĐ-CP của Chính phủ về khu KT-QP có hiệu lực thi hành từ ngày 5-5-2021, việc quản lý đất đai trong khu KT-QP được quy định như sau:

1. UBND các cấp có trách nhiệm phối hợp với đoàn KT-QP quản lý đất đai trong khu KT-QP theo quy định của pháp luật về đất đai.

2. Khi tiến hành lập hợp phần quy hoạch khu KT-QP, quân khu, quân chủng, binh đoàn có văn bản thống nhất với UBND cấp tỉnh về việc giao đất quốc phòng, cho thuê đất để thực hiện mục tiêu xây dựng khu KT-QP.

3. Đất trong khu KT-QP được sử dụng như sau:

a) Đối với đất được giao cho đoàn KT-QP để phát triển kinh tế-xã hội: Đoàn KT-QP có trách nhiệm phối hợp với UBND các cấp tiếp nhận, bồi thường, giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện quy hoạch, kế hoạch xây dựng khu KT-QP theo quy định của pháp luật về đất đai;

b) Đối với đất tổ chức sản xuất kinh doanh: Đoàn KT-QP lập dự án sản xuất, kinh doanh, đề nghị UBND cấp tỉnh cho thuê đất triển khai thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về đất đai;

c) Đối với đất sử dụng vào mục đích quốc phòng: Căn cứ vào quyết định thành lập đoàn KT-QP, vị trí đóng quân, kế hoạch và dự án đầu tư được phê duyệt, đoàn KT-QP làm thủ tục đề nghị UBND cấp tỉnh quyết định giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai.

* Bạn đọc Nguyễn Quang Vinh ở xã Vĩnh Hòa, huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang, hỏi: Mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp được quy định như thế nào?

Trả lời: Theo khoản 1, Điều 3 Quyết định số 17/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp, có hiệu lực thi hành từ ngày 15-5-2021, mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp được quy định như sau:

a) Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề đến 3 tháng: Mức hỗ trợ tính theo mức thu học phí của cơ sở đào tạo nghề nghiệp và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 4.500.000 đồng/người/khóa đào tạo.

b) Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề trên 3 tháng: Mức hỗ trợ tính theo tháng, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 1.500.000 đồng/người/tháng.

Trường hợp người lao động tham gia khóa đào tạo nghề có những ngày lẻ không đủ tháng theo quy định của cơ sở đào tạo nghề nghiệp thì số ngày lẻ được tính theo nguyên tắc: Từ 14 ngày trở xuống tính là 1/2 tháng và từ 15 ngày trở lên được tính là 1 tháng.