largeer

Saigon 247

Saigon 247

2022-07-14 11:45:00

Nông dân bỏ lúa đổ xô đi trồng mít

 Theo quy định, muốn chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng các loại cây khác thì người dân phải làm đơn gởi chính quyền địa phương xem xét. Thế nhưng, tại Tiền Giang và nhiều tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long, nông dân đã tự ý chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng cây ăn trái, đặc biệt là cây mít.

Ngành nông nghiệp không nắm được số liệu

Chi phí trồng mít thấp hơn làm ruộng nhưng thu nhập cao hơn là nguyên nhân khiến nhiều nông dân đã chuyển từ trồng lúa sang trồng mít. Hiện nay, ở nhiều vùng phía bắc Quốc lộ 1, tỉnh Tiền Giang, diện tích trồng lúa dần biến mất để nhường chỗ cho những vườn mít xanh mượt. Sự chuyển đổi cây trồng nhanh đến mức ở nhiều nơi chính quyền không nắm được số liệu, bởi nông dân không xin phép.

“Nông dân có thói quen hay bắt chước. Hễ thấy người khác làm gì có lợi thì làm theo, chính quyền thì không quy hoạch, hướng dẫn. Xuất khẩu tiểu ngạch bấp bênh, lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc trong khi cả vùng không có nhà máy chế biến” - một nông dân ở H.Cai Lậy cám cảnh. Vị này bày tỏ: “Giá mít lúc này xuống thấp chưa từng có, nhưng người nông dân vẫn hy vọng xuống rồi lại lên.

Nông dân ở H.Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đang phun thuốc chăm sóc cây mít

Nông dân ở H.Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đang phun thuốc chăm sóc cây mít

Không như giá lúa cứ bị ghìm suốt hàng chục năm nay, trong khi giá xăng dầu, phân bón, thuốc sâu, tất cả đều tăng. Người dân thấy trồng mít có lợi hơn trồng lúa nên đổ xô trồng, khiến cung vượt cầu. Nhà nước nên có khuyến cáo nếu thấy rủi ro cao, hoặc tính toán giải quyết dùm đầu ra cho nông sản để nông dân bớt khổ”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Lành - Phó Bí thư xã Bình Phú, H.Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang - thông tin: “Do làm lúa thu nhập thấp nên mấy năm gần đây, ở nhiều tỉnh miền Tây nông dân đã tự chuyển đổi sang trồng mít với diện tích lớn. Nhiều vùng trước đây là ruộng lúa giờ phủ xanh vườn mít. Tại địa phương chúng tôi, nông dân cũng tự chuyển đổi từ đất lúa sang trồng mít với diện tích rất lớn nhưng chưa có thống kê cụ thể vì đa số bà con đều tự phát, không có đăng ký với chính quyền. Đặc biệt là vùng phía bắc Quốc lộ 1 - vùng chưa có quy hoạch trồng cây ăn trái, do ảnh hưởng nước lụt hằng năm. Nhưng do tiêu thụ khá bấp bênh nên giá mít hiện đang ở mức rất thấp”.

Ông Lành cho biết thêm: “Căn cứ theo Nghị định 62/2019/NĐ-CP của Chính phủ, muốn chuyển đổi đất lúa sang trồng các loại cây khác thì nông dân phải làm đơn gửi UBND xã. Sau khi xem xét, nếu phù hợp với quy hoạch thì xã sẽ có ý kiến. Nhưng vì nông dân tự phát, không báo cáo nên địa phương cũng gặp khó. Trước tình hình đó chúng tôi đã báo cáo đề xuất với huyện, tỉnh sớm có quy hoạch cụ thể vùng nào được chuyển đổi sang trồng cây ăn trái và vùng nào tiếp tục giữ cây lúa để hướng dẫn nông dân”.

Coi chừng ôm hận!

Việc người nông dân tự phát bỏ cây lúa chuyển sang trồng mít diễn ra từ 5 - 6 năm nay. Nhưng khi cả vùng đều trồng, nhiều vùng miền cùng trồng và cho sản lượng quá lớn mà không có thị trường tiêu thụ ổn định thì khủng hoảng thừa phát sinh là lẽ đương nhiên. Giá mít có lúc lên tới 70.000 đồng/kg nhưng có lúc tuột xuống 2.000 đồng/kg, thậm chí có nơi không có người thu mua, nhưng người dân vẫn không nao núng, vì họ vẫn hy vọng giá sẽ tăng trở lại.

Đầu năm 2019, ông Hoàng, một nông dân ở xã Bình Phú, H.Cai Lậy chuyển đổi một công ruộng sang trồng mít cho biết, đầu tư trồng mít không nhiều, nếu mít có giá thì chỉ sau ba năm là lấy lại vốn và có lời. Hiện giá mít thấp nên cứ mười ngày ông bán được vài triệu đồng.Ngoài một công mít, gia đình ông Hoàng vẫn còn làm 6 công ruộng. Thực tế cho thấy, dù giá mít có xuống thấp thì thu nhập vẫn cao hơn và đỡ vất vả hơn trồng lúa. Hiện tại một công mít thu lợi gấp hai lần 6 công ruộng. 6 công ruộng làm liên tục ba vụ, nếu trúng thì lợi nhuận được khoảng 15 triệu đồng, trong khi một công mít, lợi nhuận mỗi năm khoảng 50 - 60 triệu đồng. Thế nên bà con nông dân ở Tiền Giang vẫn tiếp tục bỏ cây lúa để trồng cây mít.

Tuy nhiên, cây mít hiện không chỉ có ở Tiền Giang mà đang được trồng ở khắp miền Tây Nam bộ, Đông Nam bộ và cả Tây Nguyên với diện tích rất lớn. Nhiều nơi ở Bình Phước, mít không có người thu mua nên người trồng mít đang gặp nhiều khó khăn. Thực tế ấy đặt ra trách nhiệm cho công tác quản lý nông nghiệp - nông thôn, đồng thời cũng là lời cảnh báo “coi chừng ôm hận” trước việc phát triển cây mít bằng mọi giá, từ bỏ cây lúa để trồng cây mít!

Theo số liệu thống kê của ngành nông nghiệp 13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long thì diện tích canh tác lúa đã giảm khoảng 200.000ha trên tổng số khoảng 1,8 triệu ha đất trồng lúa. Cụ thể như tại Tiền Giang, từ năm 2016 đến nay đã chuyển đổi 17.800ha đất trồng lúa sang các loại cây trồng khác. Riêng các huyện phía Tây giáp với vùng Đồng Tháp Mười, diện tích trồng lúa chỉ còn khoảng 30.000ha, giảm hơn 10.000ha so với năm 2015.

Tương tự, tại tỉnh Bến Tre, năm 2015 H.Giồng Trôm có 2.800ha đất trồng lúa thì hiện chỉ còn 850ha; H.Ba Tri cũng giảm đất trồng lúa từ 12.500ha xuống còn khoảng 10.000ha. Tại Long An, từ 2017 - 2020 nông dân cũng đã chuyển đổi 23.300ha đất trồng lúa sang trồng các cây trồng khác như thanh long, thơm, mít...