largeer

Loa phường

Loa phường

2021-07-25 09:45:00

Những tréo ngoe khi rao bán nhà đất

Một nam thanh niên cần bán căn nhà nhỏ nên đã liên hệ với nhiều 'cò môi giới' để rồi nhà chưa bán được mà liên tục bị làm phiền bởi chính các 'cò đất' này, hay một phụ nữa đã lãnh đủ rắc rối sau khi đăng tin bán nhà trên mạng.

Anh L.V.T, chủ của một căn nhà có diện tích khá nhỏ, chưa đầy 40m2 tại quận 12, Tp.HCM. Anh T. cho biết, đây là căn nhà anh được bố mẹ tặng riêng trước khi lấy vợ, tuy nhiên vì diện tích quá nhỏ nên anh T. lo lắng rằng nếu cưới vợ sinh con sẽ chật chội.

Mong muốn tìm một nơi căn nhà khác rộng rãi hơn, giữa năm 2020 anh T. rao bán với giá khá rẻ, chưa đầy 2 tỷ đồng. Căn nhà tuy diện tích nhỏ nhưng vị trí khá đẹp, gần chợ, thuận tiện di chuyển ra khu vực trung tâm. Vì muốn bán nhanh nên anh T. gửi rất nhiều môi giới (cò đất) để nhờ bán.

Cần bán một căn nhà nhỏ ở quận 12 với giá chưa đến 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, gần 1 năm qua anh T. vẫn chưa bán được nhà vì liên tục bị “cò đất” quấy rối.

Cần bán một căn nhà nhỏ ở quận 12 với giá chưa đến 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, gần 1 năm qua anh T. vẫn chưa bán được nhà vì liên tục bị “cò đất” quấy rối.

Căn nhà có giá khá tốt nên rất đông môi giới nhận rao bán cho anh T., với hoa hồng được hứa trả cho môi giới nào chốt thành công là 30 triệu đồng. Vì căn nhà có giá khá tốt, nên ban đầu rất nhiều môi giới liên hệ với anh T. để dẫn khách đến xem nhà. Một mặt vì công việc quá bận rộn, sau đó anh T. đã giao chìa khóa nhà cho môi giới tự dẫn khách đến xem chứ không trực tiếp mở khóa.

Khoảng đầu tháng 7, một môi giới tên H. nói với anh T. rằng có một vị khách rất thiện chí muốn xem nhà. Vị khách hàng này được môi giới tên H. dẫn đến xem nhà, tỏ vẻ ưng ý và trả giá xin giảm bớt 100 triệu đồng. Tuy nhiên, anh T. cho rằng mức giá nhà đã đưa ra là đã hợp lý và chỉ đồng ý giảm 20 triệu đồng. Không thuận tình với mức giá này, vị khách đã trở về và nói với môi giới tên H. rằng không đồng ý mua căn nhà trên.

Khoảng một tuần sau, có một môi giới khác cũng liên hệ với anh T. nói rằng có khách muốn đến thương lượng để chốt mua bán nhà. Khi môi giới này dẫn khách đến, và đây cũng chính là vị khách mà môi giới tên H. trước đó đã dẫn đến xem nhà. Lần này, sau khi thương lượng giảm giá không có kết quả, vị khách trên đã đồng ý mua căn nhà với mức giảm 20 triệu đồng, ngang bằng đợt thương lượng trước đó. Sau đó, vị khách đã cọc cho anh T. số tiền 50 triệu đồng, chờ ngày ra công chứng.

Sau khi nhận cọc xong xuôi, anh T. thông báo trên group có các môi giới cùng bán nhà cho anh là đã chốt cọc thành công. Sau đó, môi giới tên H. (người đầu tiên dẫn khách đến) vô tình phát hiện ra vị khách chốt cọc chính là người mà H. đã dẫn đến đầu tiên. Lúc này, H. cho rằng chủ nhà và vị khách đã có sự thông đồng để "luồn cọc", hoặc nghi vấn vị khách chỉ đi dò giá rồi đưa người nhà ra giả làm môi giới để "ăn chặn" tiền hoa hồng.

Cho rằng mình bị "chơi khăm", môi giới tên H. đã liên tục nhắn tin, đe dọa chủ nhà, ép chủ nhà không được bán nhà cho vị khách trên. Môi giới tên H. cho rằng đó là khách mà mình dẫn đến đầu tiên, thì dù H. có chốt thành công giao dịch hay không thì vẫn phải trả 100% hoa hồng cho H.

Tuy nhiên, anh T. cho rằng môi giới dẫn khách đến sau mới là người chốt cọc thành công, do đó hoa hồng phải thuộc về môi giới đến sau. Sau thời gian tranh cãi không có kết quả, anh T. đồng ý chia đôi hoa hồng cho H. và môi giới đến sau đã chốt bán thành công. Tuy nhiên, H. vẫn không đồng ý và yêu cầu phải trả đủ 100% hoa hồng.

Thương lượng không có kết quả, H. buộc phải đe dọa khách hàng, ép khách hàng phải bỏ cọc. Vị khách sau đó lo sợ bị quấy nhiễu đã xin hủy cọc và từ chối mua nhà. Cũng vì tức giận chủ nhà, H. sau đó nhiều lần dán bảng "nhà có tranh chấp" phía trước cửa của căn nhà, khiến cho anh T. vật vã nhiều tháng liền, cho tới nay đã hơn 1 năm qua trôi qua vẫn không bán được căn nhà trên để có tiền mua nơi khác.

Sau khi câu chuyện trên được chia sẻ, nhiều người cho rằng, chính chủ nhà mới là người sai đầu tiên. "Lẽ ra, khi môi giới thứ 2 dẫn khách đến xem và đồng ý mua nhà, nếu đó là vị khách mà trước đó môi giới khác đã dẫn đến thì chủ nhà nên gọi điện cho môi giới đầu tiên để trao đổi phương án giải quyết, thống nhất việc chia hoa hồng ra sao. Việc trao đổi thẳng thắn rồi mới đi đến phương án cuối cùng sẽ tránh được những rắc rối như trên", một người nêu quan điểm.

Trong khi đó, nhiều người lại cho rằng môi giới đầu tiên đã cư xử không đúng mực. Bởi trên thực tế, người bán nhà thường sẽ không nắm rõ quy luật trong giới "cò đất". Với mục đích bán nhanh, họ sẽ gửi rất nhiều người, ai là chốt được khách cuối cùng thì sẽ trả hoa hồng cho người đó.

Câu chuyện trên đã gây tranh cãi không có hồi kết, vì không biết rõ ai đúng ai sai, nhưng rõ ràng chủ nhà vẫn là người thiệt thòi nhất khi căn nhà hiện rất khó bán, nhiều môi giới sau đó cũng bất an không còn dám tiếp tục hỗ trợ rao bán cho anh T. nữa.

Nếu anh T gặp rắc rối bởi chính đội ngũ 'cò đất' khi anh trao thân gửi phận cho quá nhiều cò để rồi rắc rối bủa vây thì câu chuyện của chị N.T.A (Hà Nội) lại lãnh đủ rắc rối hơn khi bỗng một ngày số điện thoại của chị xuất hiện trên các web đen.

Theo chị A chia sẻ: Do có nhu cầu rao bán căn nhà mặt phố với diện tích sàn tầng 1 lên tới 100m2 ở quận Thanh Xuân, chị N.T.A tìm đến một số website chuyên đăng tin nhà đất. Sau khi thông tin được đẩy lên, khách hỏi mua chưa thấy, chị N.T.A ngày tiếp đến hàng chục cuộc gọi từ các môi giới, đơn vị đăng tin khác.

Trong số này, có một cô gái tự xưng là nhân viên công ty chuyên đăng tin mua bán nhà đất có uy tín trên thị trường. Nữ nhân viên này đưa ra lời mời khá hấp dẫn với chi phí chưa đến 2 triệu đồng nhưng sẽ liên tục cập nhật thông tin rao bán ở các mục tin V.I.P in đậm liên tục và không giới hạn đến khi giao dịch thành công trên hàng chục trang web khác nhau.

Vốn là người cẩn thận, trước đó đa phần giao dịch mua bán bất động sản thường ký gửi các đơn vị môi giới có uy tín nên chị N.T.A cẩn thận yêu cầu người này mang hợp đồng và chứng minh thư đến làm việc. Các cam kết phải được ghi rõ bằng giấy trắng mực đen.

Tuy nhiên, nữ nhân viên vẫn khăng khăng đòi thực hiện qua online, lấy lý do là các thông tin rao bán đã được xuất bản trên nhiều website rồi nên yêu cầu chị N.T.A phải thanh toán đầy đủ chi phí.

Chị N.T.A cũng nhận được lời đe doạ nếu không chuyển số tiền phí nêu trên sẽ bị công khai hình ảnh, số điện thoại trên các hội nhóm, website đen… Không chấp nhận bị "khủng bố", chị N.T.A cho biết sẽ tố cáo tới cơ quan chức năng nếu đối tượng kia đăng thông tin cá nhân của mình lên.

Đăng thông tin rao bán nhà trên website, nhiều người khổ sở dính phiền phức.

Đăng thông tin rao bán nhà trên website, nhiều người khổ sở dính phiền phức.

Mặc dù vậy, chỉ ít hôm sau, chị N.T.A "tá hoả" khi nhận được cả trăm cuộc gọi, tin nhắn từ các số lạ với lời lẽ thiếu chuẩn mực, gạ gẫm… "Tôi thấy sốc vì người ta dám lấy hình ảnh tôi đăng lên các hội nhóm, sử dụng số điện thoại tôi để mời chào ở website đen… Cuộc sống của tôi bị đảo lộn, nhiều người quen vô tình nhìn thấy còn gọi hỏi han, bàn tán", chị N.T.A nói trong bức xúc.

Theo tìm hiểu, trường hợp như chị N.T.A không phải duy nhất. Nhiều đối tượng khi không đạt được mục tiêu chèo kéo, có lời qua tiếng lại, phát sinh mâu thuẫn với khách hàng thì sử dụng chiêu trò đưa hình cá nhân, số điện thoại lên mạng. Nhiều người vì tính chất công việc nên không thể bỏ số điện thoại cũ và cũng không thể không nghe máy nhưng liên tục bị quấy phá khiến họ sống trong cảnh lo sợ, hoảng loạn.

Theo cảnh báo chuyên gia bất động sản, nhiều môi giới thấy một mẩu tin trên mạng, sau đó tự tìm đến để kết nối, đưa ra những lời mời chào hấp dẫn nhưng thực tế có thể hiệu quả không được như vậy.

Vì thế, để tránh rủi ro, những người có nhu cầu rao bán cho thuê bất động sản nên tìm đến những đơn vị môi giới chuyên nghiệp, có uy tín và được cấp phép hoạt động. Với những dự án lớn, nên làm việc trực tiếp với đơn vị phân phối của chủ đầu tư. Nên biết họ đang chịu sự quản lý thuộc đơn vị, ở sàn giao dịch nào. Cần kiểm tra kỹ thông tin pháp lý sàn, điều kiện hoạt động sàn giao dịch bất động sản đó.