largeer

Mai Anh

Mai Anh

2022-01-26 09:34:00

Những ngày hối hả ở làng nghề

Những ngày này, các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh đang hối hả bước vào vụ sản xuất quan trọng nhất trong năm.

Để kịp thời gian giao bánh, vợ chồng bà Phan Thị Nhung (ở ấp An Lộc, xã An Ngãi, huyện Long Điền) phải thức dậy từ 3, 4 giờ để làm bánh.

Để kịp thời gian giao bánh, vợ chồng bà Phan Thị Nhung (ở ấp An Lộc, xã An Ngãi, huyện Long Điền) phải thức dậy từ 3, 4 giờ để làm bánh.

Nghề làm bánh tráng sản xuất quanh năm, nhưng nhộn nhịp nhất là thời điểm gần Tết. Đi trên khắp các nẻo đường của làng nghề làm bánh tráng ở xã An Ngãi (huyện Long Điền), đâu đâu cũng thấy màu trắng lấp lóa của những liếp bánh tráng đang được phơi nắng. Nghề làm bánh tráng ở An Ngãi đến nay đã tồn tại gần 100 năm. Khi xưa, khu vực này chỉ có vài hộ làm nghề, trải qua nhiều thế hệ cha truyền con nối, đến nay đã có hàng trăm hộ làm nghề.

Bà Phan Thị Nhung (ở ấp An Lộc, xã An Ngãi, huyện Long Điền) ở tuổi 65, sức khỏe có hạn nhưng bà vẫn luôn tay xay bột, tráng bánh để kịp phơi nắng, bà gắn bó với nghề làm bánh tráng hơn 40 năm. Công việc của bà bắt đầu từ 4 giờ và đến 13 giờ hàng ngày, khi bánh được giao đi cho các mối quen, mọi công việc mới hoàn thành. Trung bình 1 ngày, bà Nhung chỉ tráng khoảng 2.000 bánh. Vào vụ Tết, nhu cầu tiêu thụ bánh tráng tăng cao hơn ngày thường, nhưng bà Nhung cũng chỉ tráng chừng ấy bánh, có ngày tăng thêm vài trăm, chủ yếu là bánh tráng ớt và bỏ mối cho các thương lái ở chợ trong và ngoài tỉnh. Với giá bán 35.000 đồng/xấp (loại 100 bánh), sau khi trừ chi phí bà Nhung thu nhập khoảng 200-250 ngàn đồng/ngày. “Công việc này phải thức khuya dậy sớm, thu nhập chỉ đủ sống, nhưng đây là nghề truyền thống, gắn bó lâu năm nên cứ gia đình tôi vẫn phải duy trì. Ngày Tết, tuy lượng bánh bán ra tăng hơn ngày thường, những mặt hàng này giá ít khi tăng lắm”, bà Nhung chia sẻ.

Bà Trần Thị Hòa (hộ sản xuất bánh tráng ở xã An Ngãi, huyện Long Điền) chia sẻ, đầu tháng Chạp là bắt đầu vào vụ Tết, làm nhiều hơn ngày thường một xíu, ngày thường làm 10kg thì giờ Tết làm 15kg. Để có bột tráng bánh, từ chiều hôm trước đã lo ngâm gạo, 2-3 giờ sáng hôm sau thức dậy xay bột, 4 giờ bắt đầu dậy nhóm lửa, 4 giờ 30 tráng bánh, trễ lắm 13 giờ xong và đi giao bánh. “Để tạo ra được những chiếc bánh thơm ngon, đòi hỏi người làm nghề phải thật sự khéo tay và tinh tế đến từng chi tiết, lượng bột phải chuẩn xác, được cân, đong một cách vừa phải, không quá ít nhưng cũng không quá nhiều. Bột được đong bằng một cái gáo nhỏ, cộng thêm một gáo nước bột, sau đó trải đều lên tấm vải mùng được quấn trên miệng nồi. Bột được tán ra đều tay, động tác phải nhanh, chuẩn và chính xác. Bánh được hấp bằng hơi nước tầm khoảng 1 phút là chín. Bánh sau khi tráng xong được xếp đều trên vỉ đem phơi nắng”, bà Hòa cho hay.

Bà Phan Thị Nhung (ở ấp An Lộc, xã An Ngãi, huyện Long Điền) luôn tay tráng bánh để kịp phơi nắng.

Bà Phan Thị Nhung (ở ấp An Lộc, xã An Ngãi, huyện Long Điền) luôn tay tráng bánh để kịp phơi nắng.

Tại làng bún truyền thống Long Kiên (phường Phước Nguyên, TP. Bà Rịa) không khí những ngày giáp Tết cũng trở nên hối hả hơn. Làng bún Long Kiên hiện có khoảng 30 hộ sản xuất bún theo quy trình cơ giới hóa. Để phục vụ cho thị trường Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, các cơ sở sản xuất bún đều chuẩn bị tăng sản lượng bún cung ứng cho thị trường. Theo các chủ lò bún, dịp Tết, sản lượng làm ra sẽ tăng khoảng 15-20% so với thường ngày. Hiện tại, hầu hết các chủ lò bún Long Kiên đã nhận được đơn đặt hàng của các đầu mối tiêu thụ cho những ngày Tết, cung ứng cho thị trường khoảng 25-30 tấn bún/ngày.

Bà Hoàng Thị Tường Vy (chủ lò bún, phường Phước Nguyên, TP. Bà Rịa) cho biết, bún Long Kiên sử dụng các loại gạo giống lúa địa phương dài ngày như: Nàng Sậu, Sơ Ri… với đặc điểm hạt nhỏ, dài, màu trắng xanh, có mùi thơm, nấu cơm nhanh chín, độ dẻo vừa phải, cơm ngon và được cho là có hàm lượng dinh dưỡng cao hơn các loại gạo khác. Do việc cung ứng các loại gạo này này càng hiếm nên những người làm nghề bún Long Kiên đã nghiên cứu, tìm tòi và sử dụng các loại gạo có trên thị trường, cùng với bí quyết phối trộn thay thế loại gạo truyền thống mà vẫn tạo ra sản phẩm bún Long Kiên thơm ngon, độ dẻo, dai riêng biệt, không khác nhiều so với sản phẩm trước đây.

Hiện nay, 100% các hộ tại làng bún Long Kiên đã chuyển sang sản xuất bún theo phương thức cơ giới hóa. Các lò bún đều có máy vo gạo, máy xay bột, bộ phận nồi hơi, máy quậy, máy ép bún, giàn truyền sản phẩm. Vì vậy, sản phẩm làm ra được nhiều và nhanh hơn trước. Bình quân mỗi ngày 1 lò sản xuất từ 500-700kg bún.

Tại xã Long Tân, thị trấn Đất Đỏ (huyện Đất Đỏ); TT. Long Điền (huyện Long Điền); xã Hòa Long, xã Long Phước (TP. Bà Rịa)… là những địa phương nổi tiếng với nghề nấu bánh tét từ lâu đời trên địa bàn tỉnh, các hộ cũng đang chuẩn bị đầy đủ các loại nguyên liệu nếp, đậu, lá... để sẵn sàng sản xuất bánh tét phục vụ thị trường Tết Nhâm Dần 2022.

Tết cổ truyền năm nay, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, chi phí sản xuất đầu vào tăng cao nhưng không khí “vào vụ” ở các làng nghề trên địa bàn tỉnh đang rất nhộn nhịp. Ngoài việc tranh thủ sản xuất hàng hóa phục vụ nhu cầu trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc, thì hầu hết người dân gắn bó với các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh đều mong có thêm thu nhập để đón một mùa Xuân ấm no, hạnh phúc.

Hồng Phúc/ Báo BRVT