largeer

Ha Na

Ha Na

2023-11-15 20:36:00

Những chiêu trò "lách luật" trong đấu thầu

Từ trước đến nay, dù ở bất kỳ lĩnh vực nào của xã hội cũng luôn tồn tại những chiêu trò "lách luật" tinh vi nhằm trục lợi, kể cả đấu thầu. Những chiêu trò lách luật/ trục lợi phổ biến mà các bên hay sử dụng, các nhà thầu có thể tham khảo để có thêm thông tin, kiến thức và đặc biệt là “tránh” để không bị vi phạm pháp luật.

Luật Đấu thầu 2013 hay Luật Đấu thầu năm 2023 tới đây có hiệu lực là bộ Luật được xây dựng với tính chất kỹ thuật lẫn pháp lý tương đối chặt chẽ, hay đúng hơn là một bộ Luật khó để lách. Nhưng không phải vì thế mà nhiều chủ đầu tư, bên mời thầu hay nhà thầu không tìm mọi cách để "lách luật" nhằm tạo ra lợi thế riêng để trục lợi. 
Cùng tìm hiểu 6 chiêu trò "lách luật" trong đấu thầu từ tác giả Sơn Vũ - dauthau.info chia sẻ nhé!

Thứ nhất, chia nhỏ dự án, dự toán mua sắm thành các gói thầu nhằm mục đích chỉ định thầu

Đây là cách mà nhiều đơn vị đang làm mặc dù biết có quy định đây là một trong những hành vi bị cấm trong đấu thầu "l) Chia nhỏ dự án, dự toán mua sắm thành các gói thầu nhằm mục đích chỉ định thầu; chia dự án, dự toán mua sắm nhằm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu." (khoản 6 Điều 16 Luật Đấu thầu 2023).

Chỉ định thầu là một công cụ hữu ích trong một số trường hợp, nhưng không phải tất cả, ngay trong chính nội dung chỉ định thầu Luật Đấu thầu cũng nêu rõ nếu áp dụng được hình thức khác thì ưu tiên áp dụng:

"6. Trường hợp gói thầu quy định tại khoản 1 Điều này đáp ứng điều kiện chỉ định thầu quy định tại khoản 3 Điều này nhưng vẫn có thể áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu khác quy định tại các điều 21, 22, 24 và 25 của Luật này thì khuyến khích người có thẩm quyền quyết định áp dụng hình thức khác để lựa chọn nhà thầu."

Thứ hai, cài cắm các điều khoản trong hồ sơ mời thầu nhằm "cài người quen, chèn người lạ"

Đây là hình thức khá phổ biến được áp dụng với những chủ đầu tư, bên mời thầu bất chấp, chưa hiểu biết. Bởi lẽ khi xây dựng hồ sơ mời thầu, một trong những tôn chỉ mà các bên phải tuân theo đó là "Trong hồ sơ mời thầu không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng".

Việc cài cắm này đang biến cuộc đấu thầu rộng rãi thành đấu thầu hạn chế, thậm chí đấu thầu nhưng như chỉ định thầu do bài thầu đã dọn sẵn cho 1 nhà thầu thân quen nào đó từ trước.

Thứ ba, thông thầu

Đây cũng là hình thức tương đối phổ biến thực hiện thông qua các cách thức như quân xanh, quân đỏ. Dàn xếp để quân đỏ có thể trúng thầu, quân xanh dù có năng lực, nhưng cố tình "dấu nhẹm đi" hoặc để giá cao làm gạch lót đường cho quân đỏ thắng thầu. Rất nhiều doanh nghiệp mới chia sẻ rằng nhà thầu nghĩ đấu thầu chỉ là hình thức, còn các gói thầu đã được xắp xếp từ trước cả rồi, nên có vào cũng chẳng làm gì, chỉ gây thêm sự tức tối cho chủ đầu tư, thậm chí ấn tượng không tốt nhỡ sau này có muốn quan hệ cũng khó.

Thứ tư, hình thức mang tính chất đồng bộ, có tổ chức ngay từ khi dự án/dự toán chưa được phê duyệt các bên đã móc ngoặc với nhau nhằm xây dựng giá dự toán cao chót vót sau đó sử dụng tiếp hình thức thông thầu để nhà thầu sắp xếp ban đầu được trúng thầu. Hình thức này gần đây rất nhiều vụ án hình sự đã xử lý và bóc mẽ ra sự thật cay đắng đứng sau các gói thầu lớn, đặc biệt các gói thầu trong ngành y tế.

Thứ năm, đó là tiêu cực trong đấu thầu, đây không dừng lại ở mức "tham nhũng vặt" trong đấu thầu mà nó đã thành hệ thống, thành tiền lệ. Hầu như nhà thầu nào nói chuyện với đấu thầu cũng đều xác định, dù có đấu thầu công khai xác định phải cạnh tranh bằng giá thì cũng phải có tính toán đến một khoản "bôi trơn" nhất định để sau này nếu có trúng thầu thực hiện hợp đồng còn "lại quả" cho chủ đầu tư. Đây là việc mà các nhà thầu trăn trở nhất và cũng là bản chất làm các cuộc đấu thầu méo mó đi ít nhiều

Thứ sáu, hủy thầu khi không chọn được đúng nhà thầu đã nhắm trước.

Hình thức này gần đây rất hay gặp đó là hủy thầu khi không chọn được đúng nhà thầu đã nhắm trước, cách thức hủy thầu vô tội vạ này được biến tướng dưới một trong những hình thức mà Luật Đấu thầu cho phép hủy thầu, thường là điều chỉnh một chút phạm vi công việc nào đó trong hồ sơ mời thầu. Nhiều chủ đầu tư cho gói thầu rơi vào im lặng sau khi mở thầu ra thấy có các nhà thầu lạ tham dự với giá dự thầu rất cạnh tranh, sau đó tiến hành hủy thầu rồi chọn một thời điểm phù hợp đấu thầu lại. Nhiều nhà thầu chán nản bỏ ý định không theo đuổi hoặc bỏ nhỡ thông tin khi các gói thầu này đấu thầu lại.