An Nhiên

An Nhiên

2020-09-19 15:17:00

Nhịp đập thực phẩm 60s: Cua Cà Mau 50.000 đồng/3 con, quả “khổ trước sướng sau” lên đời, giá nửa triệu/kg

Gần đây, nhiều tuyến đường cửa ngõ TPHCM xuất hiện nhiều điểm bán cua Cà Mau lề đường chỉ có 50.000 đồng/3 con. Tuy nhiên, nhiều người ham rẻ mua để nhận về sự thất vọng. Tuần vừa qua, quả “khổ trước sướng sau” mọc dại bỗng lên đời, giá nửa triệu/kg.

Cua Cà Mau 50.000 đồng/3 con bán đầy đường

Tại nhiều tuyến đường TP.HCM, biển rao bán cua Cà Mau giá 50.000 đồng 3 con cua thực chất chỉ là cách để họ thu hút người đi đường. Tại một điểm bán cua Cà Mau 3 con 50.000 đồng trên Quốc lộ 13, quận Thủ Đức, chúng tôi hỏi mua thì được người bán chỉ vào thùng xốp là những con cua nhỏ xíu, còn cua đổ ra tấm nhựa to hơn thì được bán theo ký, từ 120.000-150.000 đồng/kg. Do đó, phần lớn những người hỏi mua đều thất vọng rời đi mà không mua được con nào.

Empty

Còn tại điểm bán ở quận 2, thấy khách lưỡng lự chưa muốn mua vì ngại cua dở thì được người bán phán ngay: "Mua đi, bao ăn luôn".

Ông Nguyễn Thanh Lâm ở huyện Nhà Bè, chuyên cung cấp cua Cà Mau, khẳng định cua bán lề đường hoàn toàn không phải cua Cà Mau.

Empty

"Nhìn là biết ngay, vì cua Cà Mau có màu sậm, thậm chí đóng rong rêu, chắc, nặng. Còn cua lề đường màu trắng, xanh trong, mềm nhũn, toàn nước, chỉ có vỏ, thịt chẳng còn bao nhiêu nhưng lại bở". Cũng theo ông Lâm, cua bán lề đường phần lớn nuôi ở khu vực huyện Cần Giờ (TP HCM) và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Trong khi đó, ông Tiến, buôn bán thủy hải sản ở quận 8, cho rằng cua bán lề đường phần lớn là loại cua thải ra từ thương lái có giá bán khá rẻ, chỉ khoảng 100.000 đồng/kg, bị ộp, mất thịt. Nguồn này bán tháo vài chục ngàn đồng/kg cũng ít có ai dám mua về ăn nên chỉ có những người buôn bán lề đường thu gom về và rao là cua Cà Mau cho dễ bán.

Bào ngư giá bình dân nhập từ Trung Quốc

Bào ngư được coi là loại hải sản cao cấp được bán với giá hàng triệu đồng một kg, tuy nhiên thời gian gần đây mặt hàng đắt đỏ này đang được rao bán với mức giá khá rẻ trên các chợ mạng.

Anh Nguyễn Văn Tú (37 tuổi, Quảng Ngãi) cho biết, hiện tại anh đang bán bào ngư trong nước với giá sỉ khoảng 450 nghìn đồng/kg, còn giá lẻ khoảng 600 nghìn đồng/kg. Bào ngư nhập khẩu anh không làm được do người dân không đủ tiền mua loại cao cấp.

Empty

"Bào ngư nhập khẩu từ Hàn Quốc về không có giá dưới 1 triệu đồng/kg, vậy mà tôi không hiểu sao trên chợ mạng rao bán bào ngư nhập giá có 15 nghìn đồng/con.

Nếu là hàng nhập khẩu thì phải có tem mác, chuẩn nguồn gốc xuất xứ mới đảm bảo giá trị dinh dưỡng, còn hàng trôi nổi, không có giấy tờ thì không yên tâm về chất lượng. Người dân trong tôi không có quá nhiều tiền để mua hàng nhập khẩu nên tôi chỉ chọn bán hàng Việt Nam, khi mua và giao tận tay khách hàng bào ngư vẫn còn sống", anh Tú cho biết.

Trong khi đó, nói về việc này, cùng ngày, anh Trần Văn Phương (TP.HCM) cho biết, nhà anh chuyên bán bào ngư sống cấp đông, được nhập khẩu từ Trung Quốc, có giấy tờ đầy đủ.

"Giá sỉ tôi bán 340 nghìn đồng/kg với size từ 18-22 con, còn giá lẻ khoảng 500 nghìn đồng/kg. Tất cả hàng cấp đông của tôi bán ra đều là hàng Trung Quốc chứ không có chút nào nhập khẩu từ Hàn Quốc.

Do có giấy tờ đầy đủ nên tôi luôn bao chất lượng. Hàng có giấy tờ đầy đủ thì tôi không lo gì, còn những nơi họ bán tràn lan trên mạng, không có giấy tờ thì tôi không rõ của nước nào", anh Phương cho biết thêm.

Lý giải vì sao năm nay bào ngư có giá rẻ như vậy, tiểu thương cho rằng, do dịch bệnh bào ngư không xuất khẩu được sang các nước khác.

Quả “khổ trước sướng sau” bỗng “lên đời” có giá nửa triệu đồng/kg

Loại cây này thường mọc hoang trong rừng núi hoặc các nương rẫy vùng cao, có quả bằng ngón tay, hình cầu, vỏ xanh mọng…

Nếu như trước đây me rừng là thứ quả quen thuộc ít giá trị đối với người dân các tỉnh miền núi vì là cây rừng mọc hoang khắp nơi, muốn ăn chỉ cần tranh thủ vài phút đi rẫy có thể hái được cả rổ thì nay me rừng trở thành thứ quà vặt đặc biệt của chị em khắp nơi.

Empty

Thậm chí quả me rừng tươi được lùng mua với giá khá đắt hoặc “lên đời” thành ô mai hay nghiền thành bột có giá từ 100-500.000 đồng/kg.

Anh Mai Văn Thế, trú tại Ngọc Lặc (Thanh Hóa) cho biết, cây me rừng thường ra hoa vào tháng 3-4, hoa màu vàng, mọc hình tán ở nách lá, quả thường chín vào tháng 9 hàng năm. Người dân đi nương rẫy khát nước, chỉ cần hái vài quả me ăn rồi lấy nước suối uống sẽ hết khát.

Empty

Bà con đi rừng hái quả me rừng về thường để ăn chơi, trộn với muối, thêm miếng riềng rồi ngâm ăn dần cả năm hoặc nấu canh, kho cá, ngâm rượu…

“Gần đây nhiều người biết được công dụng của me rừng nên đặt mua thường xuyên, có đơn đặt hàng là tôi lại báo người dân đi hái, chỉ cần báo trước một ngày thì lấy cả tạ cũng có”, tiểu thương cho hay.

Cụ thể, quả me rừng tươi được bán với giá 100.000 đồng/3kg, ô mai me rừng có giá 110.000 đồng/kg, đắt nhất là bột me rừng có giá 500.000 đồng/kg hoặc 159.000 đồng/túi 200gr.

Trong Đông y, quả me rừng có vị chua, ngọt, đắng, tính mát, thường dùng chữa cảm mạo phát sốt, ho, đau cổ họng, miệng khô khát.

Theo sách “Những cây thuốc vị thuốc Việt Nam” của cố giáo sư Đỗ Tất Lợi, thì quả me rừng được dùng làm thuốc chữa một số bệnh dưới dạng sắc nước uống hoặc dưới dạng ô mai.