Nhịp đập nông sản 60s: Thanh long lại bài ca được mùa rớt giá, chủ vườn thuê cắt vứt bỏ
Chín đúng thời điểm làn sóng Covid-19 quay trở lại, thanh long lại một lần nữa rơi vào tình cảnh được mùa rớt giá, rẻ chỉ bằng cốc trà đá mà thương lái không mua. Thị trường nông sản tuần qua có tín hiệu vui vì gạo Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Liên minh châu Âu (EU) sẽ được hưởng thuế suất 0% theo cam kết của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, mặt hàng này còn khá khiêm tốn, cần phải nâng cao chất lượng để thích ứng với thị trường khó tính này!
Thanh long rẻ chỉ bằng cốc trà đá, nông dân Bình Thuận ngậm đắng nuốt cay
Khảo sát tại nhiều địa phương ở Bình Thuận - nơi được xem là thủ phủ thanh long của cả nước - giá bán loại trái cây này đang giảm rất sâu.
Cụ thể, tuần trước, giá mua xô vườn (mua đồng hạng hết vườn, trừ trái dạt, nhỏ, nấm bệnh) còn cầm cự từ 6.000-7.000 đồng/kg thì đầu tuần đến nay đã giảm gần nửa. Nhiều vườn thanh long, thương lái vào xem hàng chỉ báo giá từ 3.000-4.000 đồng/kg. Riêng loại hàng dạt, chỉ từ 500-1.000 đồng/kg. Với giá này, chỉ đủ trả tiền công cho người cắt hàng.

Vì vậy, nhiều chủ vườn phải thuê người cắt bỏ thanh long dạt cho bò ăn là hình ảnh không hiếm gặp ở các vườn thanh long tại Bình Thuận trong mấy ngày qua.
Nguyên nhân khiến giá thanh long từ mức 15.000 đồng/kg rớt nhanh xuống 3.000-4.000 đồng/kg, thậm chí đổ bỏ cho gia súc (với hàng dạt) như hiện nay, các chủ vựa cho biết là do đang đụng với nhiều lứa thanh long khác.

Chủ vựa thu mua thanh long ở huyện Hàm Thuận Bắc, chia sẻ dù là thanh long cuối vụ nhưng lứa này hàng rất nhiều. Trong khi bên Trung Quốc cũng đang bắt đầu vào mùa thanh long ruột đỏ, cộng thêm dịch Covid-19 đã tác động nhiều đến giá bán. Xuất khẩu gặp khó nên nhiều kho lạnh nghỉ, dẫn đến hàng ùn ứ.
Hiện tại, thanh long ở Bình Thuận đang vào cuối vụ mùa, chỉ còn sót lại một hai lứa cuối cùng với lượng trái không nhiều. Các nhà vườn hy vọng khi nguồn cung ít, giá sẽ nhích lên dần. Tuy vậy, cũng có nhiều vườn chủ động cắt bỏ trái non cuối vụ mùa để dưỡng tàu, chuẩn bị cho mùa chong đèn nghịch vụ.
Gạo Việt Nam muốn hưởng thuế suất 0% tại thị trường EU phải có vùng trồng ổn định
Đây là nhận định của ông Phan Văn Có - Giám đốc Marketing Công ty TNHH VRICE xung quanh việc tiếp cận thị trường và những lưu ý cho doanh nghiệp khi đưa hàng vào EU.
Trước đó ngày 1/8, gạo Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Liên minh châu Âu (EU) sẽ được hưởng thuế suất 0% theo cam kết của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Theo Báo Công Thương, EU là thị trường lớn, rất tiềm năng với mức tiêu thụ khoảng 2,5 triệu tấn/năm trong giai đoạn 2016 - 2020. Với Việt Nam, chúng ta đã xuất khẩu gạo vào EU nhiều năm nay, tuy nhiên sản lượng chưa đáng kể và chỉ chiếm giá trị gần 11 triệu USD năm 2019.
Trước khi EVFTA có hiệu lực, mỗi tấn gạo của Việt Nam có giá bình quân khoảng 600 USD/tấn, chịu thuế nhập khẩu khoảng 15%, kéo giá lên tới 700 USD/tấn. Trong khi đó, giá bán của gạo Thái Lan và Campuchia tại thị trường này thấp hơn khiến gạo Việt khó cạnh tranh với gạo của các nước này.
Khi EVFTA có hiệu lực, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm, gồm: 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm. EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm, giúp Việt Nam có thể xuất khẩu khoảng 100.000 tấn vào EU hàng năm. Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3 - 5 năm. Như vậy, gạo Việt khi không còn chịu thuế suất sẽ hạ giá thành, cạnh tranh tốt hơn tại thị trường EU.
Để gạo Việt vào được thị trường EU cũng như tận dụng hiệu quả EVFTA, doanh nghiệp phải đáp ứng được các tiêu chí về kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón.
Bên cạnh đó, yếu tố quan trọng nhất để được nằm trong hạn ngạch miễn thuế là doanh nghiệp phải có vùng trồng ổn định; chứng minh được nguồn gốc sản phẩm và giám sát chặt chẽ từ khâu ban đầu đến khi ra được loại gạo đáp ứng được yêu cầu từ EU.
Ngoài các yếu tố trên, doanh nghiệp phải lưu ý vấn đề trung thực. Cụ thể, khi làm thủ tục với các đối tác tại châu Âu, họ sẽ đưa một danh sách dài để điền các thông tin về sản phẩm như vùng trồng, giống, kỹ thuật trồng, vệ sinh an toàn thực phẩm, quyền con người và các chính sách cho người lao động. Họ đề cao tính trung thực của doanh nghiệp nên ban đầu sẽ không kiểm tra gì.
Điều này có nghĩa, muốn trụ vững tại thị trường EU, chúng ta phải đáp ứng tiêu chí họ đưa ra ngay từ đầu và doanh nghiệp cần tuân thủ chặt chẽ các yêu cầu đó.
Sầu riêng mất mùa vì hạn mặn, nhiều cơ sở thu mua phải đóng cửa
Do ảnh hưởng của hạn mặn, nhà vườn và doanh nghiệp kinh doanh sầu riêng ở huyện Cai Lậy (Tiền Giang) lâm vào cảnh khó khăn vì sầu riêng chết trắng, nhiều cơ sở phải đóng cửa vì không có để thu mua.

Nếu như mọi năm bây giờ là thời điểm thu hoạch, nhưng tại vùng chuyên canh cây sầu riêng của huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, nhiều cơ sở phải nhập mặt hàng nông sản này từ nơi khác về để phục vụ thị trường. Sau hạn mặn, nhà vườn và doanh nghiệp kinh doanh trái cây đặc sản này lâm vào cảnh khó khăn.
Vào thời điểm này, giá trái sầu riêng thương phẩm ở mức cao, trên 50.000 đồng/kg. Tuy vậy, do ảnh hưởng của đợt hạn mặn khốc liệt vừa qua, hầu hết vườn cây tại huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đều chưa ra trái; trong đó, có hàng nghìn hecta vườn cây bị chết trắng.
Nhiều doanh nghiệp kinh doanh trái sầu riêng tại địa phương này phải đến vùng Đông Nam bộ, Tây nguyên để mua về phục vụ nhu cầu thị trường nội địa; không ít cơ sở thu mua phải đóng cửa ngưng hoạt động.