largeer

lili

lili

2022-03-22 16:00:00

Nhiều nước tăng nhập khẩu hàng hóa Đồng Nai

Trong 2 tháng đầu năm nay, nhiều nước trên thế giới như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc… đã tăng nhập khẩu hàng hóa từ Đồng Nai, giúp cho kim ngạch xuất khẩu của tỉnh tăng gần 32%. Tuy nhiên, hiện nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh vẫn đang hồi hộp, lo xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng vì giao tranh giữa Nga - Ukraine.

Sản xuất linh kiện điện tử xuất khẩu tại Công ty TNHH FICT Việt Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2. Ảnh: H.Giang

Sản xuất linh kiện điện tử xuất khẩu tại Công ty TNHH FICT Việt Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2. Ảnh: H.Giang

Theo Sở Công thương, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh trong 2 tháng đầu năm 2022 đạt hơn 4,42 tỷ USD, chiếm khoảng 8,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trong đó, khu vực trong nước đạt khoảng 1,13 tỷ USD, tăng gần 62% so với cùng kỳ năm trước và khu vực vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 3,3 tỷ USD, tăng gần 24%.

Tăng xuất khẩu ở 5 thị trường lớn

Tính đến giữa tháng 3-2022, các DN trên địa bàn tỉnh đã có giao thương với hơn 170 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Tuy nhiên, khoảng 53% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa được xuất qua 5 thị trường lớn là: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức và Bỉ. Từ đầu năm đến nay, các nước trên đều tăng nhập hàng hóa từ Đồng Nai, giúp nhiều DN mở rộng sản xuất hàng hóa.

Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của tỉnh, trong 2 tháng đầu năm 2022, kim ngạch đạt gần 1,38 tỷ USD, chiếm 31% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, tăng 37% so với cùng kỳ năm trước. Một số mặt hàng mà Hoa Kỳ nhập nhiều từ Đồng Nai là: giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng; hàng dệt may; sản phẩm từ sắt thép…

Ông Kim Chi Hyung, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hyosung Việt Nam (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 5, H.Nhơn Trạch) cho hay: “Công ty chuyên sản xuất sợi bố, sợi thép xuất khẩu, sản lượng mặt hàng này chiếm 45% thị phần trên thế giới. Trong đó, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu sợi lớn của công ty và luôn giữ được mức tăng trưởng cao qua các năm”. Hyosung hiện là DN nước ngoài có vốn đầu tư vào Đồng Nai lớn nhất với khoảng 1,8 tỷ USD.

Trong 2 tháng đầu năm 2022, Nhật Bản chi 414 triệu USD để mua hàng hóa từ Đồng Nai (tăng 25% so với cùng kỳ năm 2021) và trở thành quốc gia nhập khẩu hàng hóa lớn thứ hai của tỉnh. Thị trường Hàn Quốc cũng nhập 250 triệu USD hàng hóa từ Đồng Nai, tăng 64% so với cùng kỳ; Bỉ nhập gần 190 triệu USD, tăng 27%; Đức nhập gần 150 triệu USD, tăng 25%.

Vẫn lo xuất khẩu sẽ xáo trộn vì chiến sự Nga - Ukraine

Dịch bệnh Covid-19, giao tranh giữa Nga và Ukraine khiến cho nền kinh tế toàn cầu biến động theo chiều hướng tiêu cực. Vì thế, DN Việt Nam đang nghe ngóng, dự đoán tình hình để điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp nhằm giảm thiểu những rủi ro.

Theo Tổng cục Thống kê, 2 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt gần 53,8 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu khoảng 54,72 tỷ USD và nhập siêu hơn 920 triệu USD. Tại Đồng Nai, 2 tháng đầu năm nay xuất siêu hơn 1,54 tỷ USD.

Theo tính toán của các DN, từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu tăng đã khiến cho cước vận tải hàng hóa xuất khẩu tăng gấp 2 lần, nguyên liệu tăng thêm 30%, chi phí khác tăng 10-20%. Do đó, DN đều phải liên hệ, đàm phán lại với các khách hàng nước ngoài để tăng giá bán sản phẩm, bù lại giá thành của sản phẩm đã bị đẩy lên cao.

Ông Mai Khanh, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - thương mại nhựa kỹ thuật Vinastar (TP.Biên Hòa) cho biết: “Từ đầu năm đến nay, sản phẩm của Vinastar xuất sang 3 thị trường chính là: Nhật Bản, Hàn Quốc và Hà Lan tăng hơn 20% nên sản xuất trong nhà máy vẫn tăng được công suất. Tuy nhiên, DN đối mặt với nguyên liệu đầu vào, chi phí logistics tăng cao nên các đơn hàng đã ký kết với đối tác nước ngoài phải thương lượng lại giá cả. Vinastar may mắn vì các đối tác đều chấp nhận tăng giá sản phẩm nên sản xuất, xuất khẩu vẫn ổn định”.

Thực tế, cũng có những khách hàng nước ngoài không đồng ý tăng giá bán sản phẩm hoặc chỉ chấp thuận mức tăng nhẹ, dẫn đến DN sản xuất không bù lại được mức độ trượt giá, biên độ lợi nhuận bị thu hẹp. Trong bối cảnh dịch bệnh, giá xăng dầu khó dự báo trước sẽ tiếp tục tăng hay giảm, DN bị động trong việc ký kết các đơn hàng xuất khẩu dài hạn với đối tác nước ngoài. Vì giá xăng dầu thế giới lệ thuộc rất lớn vào cuộc chiến giữa Nga và Ukraine, nếu cuộc chiến còn kéo dài, giá xăng dầu có thể tiếp tục tăng, như vậy đồng nghĩa với việc nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, phí vận chuyển hàng hóa sẽ còn tăng.

Ông Lục Văn Thủy, Trưởng phòng Quản lý thương mại Sở Công thương đánh giá: “Xuất khẩu của Đồng Nai tiếp tục chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh và giá xăng dầu tăng, nhưng khả năng kim ngạch xuất khẩu vẫn giữ mức tăng trưởng khá. Trong cơ cấu xuất khẩu của tỉnh, hơn 74% kim ngạch xuất khẩu thuộc DN FDI và họ đều mua nguyên liệu dự trữ cho sản xuất ngay thời điểm ký hợp đồng với đối tác nên rủi ro sẽ ít hơn”.

Ông Thủy còn cho biết thêm, kim ngạch xuất, nhập khẩu giữa Đồng Nai với Nga, Ukraine rất nhỏ, chỉ chiếm 0,7% trong tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của tỉnh, vì thế DN sẽ giảm bớt được tổn thất khi hàng hóa xuất qua 2 thị trường trên gặp trở ngại.

Theo Báo Đồng Nai