largeer

Mây lang thang

Mây lang thang

2021-10-01 01:06:00

Nhiều người tụ tập tự phát để về quê, Đồng Nai vận động người dân quay lại nơi ở cũ chấp hành quy định pòng chống dịch

Tại Đồng Nai, liên tục từ chiều 29 và sáng 30/9, hàng trăm người dân đi xe máy tụ tập tự phát thành từng nhóm, với mục đích qua các chốt kiểm soát để về quê. Lực lượng chức năng địa phương đã tuyên truyền, vận động, thuyết phục những người này quay trở về nơi ở cũ, chấp hành các quy định phòng, chống dịch.

7 giờ 30 phút sáng 30/9, hơn 200 người, gồm: thanh niên, phụ nữ, trẻ em đi trên các xe máy để qua chốt kiểm soát gần trạm thu phí Quốc lộ 1K, đoạn thuộc địa phận phường Hóa An, TP Biên Hòa giáp ranh với TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Lúc này, lực lượng làm nhiệm vụ tại chốt đã kiểm soát nên dòng người không thể qua được. Sau đó, nhóm người này tụ tập 2 bên đường gần khu vực trên, chờ “cơ hội” để thông chốt.

Có mặt tại hiện trường, Thượng tá Trần Trọng Thủy, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Đồng Nai đã phát loa tuyên truyền, vận động người dân chấp hành quy định phòng, chống dịch, quay lại trở về nơi ở cũ.

Lực lượng chức năng tỉnh Đồng Nai phát loa vận động người dân quay trở về nơi ở cũ.

Lực lượng chức năng tỉnh Đồng Nai phát loa vận động người dân quay trở về nơi ở cũ.

Sau 2 giờ thuyết phục, đến khoảng 10 giờ cùng ngày, nhóm người này đã được xe cảnh sát giao thông dẫn đường về Trường THCS Hiệp Hòa. Tại đây, lực lượng chức năng đã phát nước uống, thức ăn, sữa cho người dân và test nhanh Covid-19.

Trước đó, khoảng 21 giờ tối 29/9, khoảng 100 người cũng tụ tập tại khu vực trạm thu phí trên Quốc lộ 1K để qua chốt về quê được lực lượng chức năng TP Biên Hòa vận động, thuyết phục trở về lại nơi ở cũ. Trong số những người này, đa phần từ địa bàn các huyện Xuân Lộc, Vĩnh Cửu, Thống Nhất và 2 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận.

Chủ tịch UBND TP Biên Hòa Nguyễn Hữu Nguyên cho biết, địa phương đã lập danh sách, liên hệ với chính quyền nơi những người dân này ở để phối hợp đưa họ về lại chỗ cũ. Riêng những trường hợp phụ nữ có thai, trẻ em về quê để đi học, TP Biên Hòa đang tổng hợp để báo cáo UBND tỉnh Đồng Nai, tìm giải pháp đưa họ về theo nguyện vọng.

Tại huyện Vĩnh Cửu, chiều 29/9, khoảng 200 người, chủ yếu là công nhân người dân tộc Chăm, quê tỉnh Ninh Thuận, tụ tập tại xã Thạnh Phú yêu cầu được qua chốt trở về quê.

Các lực lượng chức năng địa phương đã tăng cường tuyên truyền, vận động người dân ở lại. Đồng thời liên hệ với tỉnh Ninh Thuận để tìm giải pháp tổ chức đưa về quê.

Tuy nhiên, sáng 30/9, thông tin từ Bí thư Huyện ủy Vĩnh Cửu Nguyễn Văn Thuộc cho biết, tỉnh Ninh Thuận cho rằng, trong số hơn 1.700 người từ Đồng Nai về từ các đợt trước, có khoảng 600 người dương tính với SAR-CoV2, khiến hệ thống cách ly, điều trị của địa phương này bị quá tải. Do vậy, tỉnh Ninh Thuận mong muốn, Đồng Nai tạo điều kiện, hỗ trợ để số công dân trên được ở lại.

Đại tá Trấn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai cho rằng, 2 ngày qua nổi lên tình trạng người dân tụ tập, kéo về quê tự phát và nhiều người lao động chờ sau ngày 30/9 mở cửa sẽ đi về quê. Do đó, TP Biên Hòa, các huyện Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu, Trảng Bom và Long Thành, nơi có đông công nhân cần chú ý các khu nhà trọ, ưu tiên tiêm vaccine và làm tốt an sinh xã hội.

Cùng với đó, vận động chủ trọ giảm tiền thuê phòng, tiền điện nước và quan trọng nhất sớm tạo điều kiện cho người lao động đi làm trở lại. Trường hợp đưa công nhân về quê, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cần liên hệ tỉnh bạn để sắp xếp, bảo đảm an toàn toàn phòng, chống dịch.

Trước tình trạng người dân tụ tập về quê, khiến nguy cơ lây lan dịch bệnh, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh đề nghị, lực lượng chức năng các địa phương siết chặt các chốt kiểm soát. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, vận động, thuyết phục họ ở lại gắn với thực hiện tốt an sinh xã hội.

Riêng những trường hợp thật sự cần thiết, như trẻ em vào thăm cha mẹ bị mắc kẹt 3 tháng qua nay trở về quê để đến trường hoặc phụ nữ có thai, cần tìm giải pháp để đưa về quê an toàn theo nguyện vọng.

Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, 3 tháng nay, đời sống của người lao động rất khó khăn do mất việc nên họ mới muốn bỏ về quê. Chỉ khi các biện pháp giãn cách được nới lỏng, trở lại trạng thái bình thường mới, người lao động đi làm trở lại thì sẽ gắn bó. Do vậy, vấn đề mấu chốt là việc làm và đời sống.

Không chỉ Đồng Nai, lực lượng chức năng ở Bình Dương vẫn đang tuyên truyền, vận động hàng trăm công nhân tự túc về quê trở lại nơi tạm trú.

Chiều cùng ngày, tại các tuyến đường chính đổ về các tỉnh miền Tây và Tây Nguyên rất đông người dân đi xe máy, mang ba lô theo từng đoàn để về quê khi nghe Bình Dương trở lại trạng thái “bình thường mới”. Khi đến các chốt kiểm soát dịch, lực lượng chức năng đã tuyên truyền, động viên người dân quay trở về nơi ở nhưng rất nhiều người không đồng ý. Họ cho biết, đã trả phòng trọ và không có tiền đóng tiền trọ nên không thể quay trở về nên đứng ở các chốt chờ đợi, năn nỉ cho qua.

Tại chốt Đại Nam thuộc thị xã Bến Cát, rất nhiều người dân tụ tập xin được qua chốt để về các tỉnh miền Tây.

Tại chốt Đại Nam thuộc thị xã Bến Cát, rất nhiều người dân tụ tập xin được qua chốt để về các tỉnh miền Tây.

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương cho biết, thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ, Bình Dương chưa cho phép người dân được tự túc về quê để phòng, chống lây lan dịch bệnh Covid-19. Những người có nguyện vọng về quê phải đăng ký tại quê nhà để có phương án đón công dân trở về quê hương.

Các tỉnh, thành có nhu cầu đón công dân chủ động liên hệ với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương để thống nhất danh sách, thời gian, địa điểm và cách đưa đón. Từ đầu đợt dịch lần thứ 4 đến nay, Bình Dương đã tổ phối hợp đưa hơn 4.000 người có hoàn cảnh khó khăn, người già, thai phụ, trẻ em về quê.

Những ngày qua, tỉnh Long An ghi nhận 1.274 trường hợp người dân các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Hậu Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, Tây Ninh, Bình Dương, Đắk Nông, Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, Gia Lai và TP Cần Thơ tự di chuyển từ các huyện trong tỉnh hoặc từ các tỉnh, thành phố qua địa bàn tỉnh Long An về quê.

Chính quyền cho biết những trường hợp này chưa được sự cho phép di chuyển của các địa phương lân cận tỉnh Long An. Số công nhân, người lao động tự ý về quê gây ùn ứ trên Quốc lộ N2 xã Hựu Thạnh, huyện Đức Hòa.

Người dân tự ý về quê bằng xe máy

Người dân tự ý về quê bằng xe máy

Nắm bắt thông tin này, lãnh đạo UBND tỉnh Long An và lãnh đạo các sở, ngành tỉnh cùng với UBND huyện Đức Hòa đã vận động người dân quay lại nơi tạm trú.

Đến nay, một số người dân quay lại nhà trọ, một số tập trung vào các khu trường học của huyện Đức Hòa được lo ăn, nghỉ tạm thời. Tuy nhiên, hiện vẫn còn rất nhiều người dân mong muốn được về quê.

Qua rà soát, tỉnh Long An cho biết những người này đã được tiêm vắc xin và hiện đang được các lực lượng chức năng của tỉnh quản lý, chăm sóc sức khỏe và thực hiện xét nghiệm theo quy định của Bộ Y tế.

UBND tỉnh Long An đề nghị UBND thành phố Cần Thơ và UBND các tỉnh trên quan tâm và phân công đơn vị đầu mối để phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh Long An tiếp tục thực hiện đón người dân trở về địa phương. Thời gian dự kiến từ ngày 1/10 đến ngày 5/10.

Hôm nay, Thủ tướng Chính phủ ban hành công điện hỏa tốc về việc tiếp tục kiểm soát người ra vào TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An.

Thủ tướng nhận định, nhu cầu đi lại của người dân trong khu vực 4 tỉnh thành này với các tỉnh, thành phố khác là rất lớn và chính đáng. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh dù đã từng bước được kiểm soát, nhưng vẫn còn phức tạp do dịch bệnh đã nhiễm sâu trong cộng đồng.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện việc kiểm sát người ra vào khu vực TP.HCM và 3 tỉnh lân cận. Việc đưa đến người ra, vào khu vực phải được chính quyền các tỉnh, thành phố trong khu vực và các địa phương khác thống nhất, tổ chức an toàn, chu đáo.

Thủ tướng chỉ đạo chính quyền TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai chịu trách nhiệm trước Thủ tướng nếu để người dân tự phát ra khỏi địa phương mình về các tỉnh, thành phố khác ngoài khu vực.