largeer

Vu Thanh Tung

Vu Thanh Tung

2022-07-31 09:30:00

Nguy cơ từ hành vi lấn chiếm hành lang an toàn sông, hồ tại Lâm Đồng

Tình trạng xâm hại, vi phạm hành lang bảo vệ an toàn đối với các công trình thủy lợi, sông, suối, hồ tại tỉnh Lâm Đồng thời gian qua diễn biến phức tạp, chậm được xử lý. Điều này ẩn chứa nguy cơ gây mất an toàn, nhất là trong mùa mưa lũ.

Tràn lan các hành vi xâm phạm

Hồ Próh thuộc xã Próh, huyện Đơn Dương là một trong 5 hồ thủy lợi lớn nhất tỉnh Lâm Đồng. Được xây dựng từ năm 1986, hồ Próh có dung tích khoảng 3,2 triệu m3 nước, nhằm trữ nước, phục vụ tưới tiêu, ngăn lũ cho các xã phía tả ngạn của dòng sông Đa Nhim.

Đây cũng là hồ nước có cảnh quan đẹp, thuận tiện phát triển du lịch sinh thái. Tuy nhiên, thời gian qua, hồ Próh trở thành “điểm nóng” bởi các hành vi lấn chiếm, xâm phạm lòng hồ và hành lang an toàn bảo vệ hồ. Đầu tháng 7-2022, Trung tâm Quản lý đầu tư và khai thác công trình thủy lợi tỉnh Lâm Đồng kiểm tra, phát hiện ông Ya Kha ở thôn Pró Ngó, xã Próh, lấn chiếm khoảng 6.000m2 đất ở khu vực hạ lưu đập, trong phạm vi hành lang bảo vệ công trình thủy lợi hồ chứa nước Próh để trồng rau màu và dựng chòi chứa dụng cụ, phân bón. Công ty TNHH Du lịch Próh làm sàn thép hộp, lát gỗ và dựng trụ bê tông, rào lưới B40 tại khu vực lòng hồ làm quán cà phê, công trình đã đưa vào hoạt động kinh doanh. Trên mặt đập, dù cơ quan chức năng cấm xe tải lưu thông nhưng thời gian qua, nhiều xe chở đất đá vẫn vô tư chạy qua, khiến nhiều chỗ bị bong nứt, hỏng hóc nặng. Tại khu vực thượng lưu của hồ đang diễn ra hiện tượng đào múc đất, ngăn suối, tạo hồ, ảnh hưởng tới nguồn nước cung cấp cho hồ Próh

Xe tải chở đất đá lưu thông khiến mặt đập của hồ Próh bị hư hỏng.

Xe tải chở đất đá lưu thông khiến mặt đập của hồ Próh bị hư hỏng.

Huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) thời gian gần đây cũng xảy ra nhiều hành vi xâm hại, vi phạm hành lang bảo vệ nguồn nước, bảo vệ an toàn đối với các công trình thủy lợi. Tại sông Cam Ly đoạn chạy qua thôn Thanh Hà, xã Đông Thanh, một hộ dân đã xây bờ kè bê tông cao khoảng 5m, dài 40m lấn ra mép nước, làm biến đổi dòng chảy và đe dọa trực tiếp tới đường dân sinh bên bờ sông ở phía đối diện. Dọc bờ sông Đạ Dâng chảy qua thôn Tân Tiến (xã Tân Văn), chỉ khoảng 500m nhưng xuất hiện gần 20 nhà dân xây dựng có dấu hiệu lấn chiếm hành lang bờ sông cả mới lẫn cũ. Theo lãnh đạo UBND xã Tân Văn: Tới cuối tháng 6-2022, qua rà soát, địa phương phát hiện 4 trường hợp người dân xây dựng công trình vi phạm hành lang bảo vệ sông Đạ Dâng. Trước đó, năm 2017, UBND xã đã xử phạt 1 trường hợp lấn chiếm lòng sông với diện tích 386m2.

Tương tự, tại các lòng hồ thủy điện Đa Siat (xã Lộc Bảo, huyện Bảo Lâm), thủy điện Đại Ninh (huyện Đức Trọng), thủy điện Đồng Nai (huyện Di Linh và Lâm Hà), thời gian qua, cơ quan chức năng phát hiện nhiều hoạt động san gạt, lấp đất, xây bờ kè, bao móng... lấn chiếm diện tích bảo vệ lòng hồ.

Cần xử lý nghiêm

Hành vi xâm phạm các công trình thủy lợi, hành lang bảo vệ an toàn sông, suối, hồ đập tại Lâm Đồng thời gian qua không chỉ đe dọa tới sự an toàn của các công trình, làm biến đổi dòng chảy, gây sạt lở đất, gây ô nhiễm môi trường mà còn phản ánh tình trạng coi thường pháp luật của một số đối tượng, sự buông lỏng quản lý của chính quyền và cơ quan chức năng địa phương. Từ đầu năm tới nay, mặc dù UBND tỉnh Lâm Đồng cũng như Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh có nhiều văn bản yêu cầu các đơn vị, địa phương rà soát, kiểm tra, kiên quyết xử lý các công trình xây dựng lấn chiếm hành lang bảo vệ sông, suối, lòng hồ, tuy nhiên, việc xử lý chưa kiên quyết, triệt để, còn tình trạng nể nang, bao che nên hành vi san ủi đất, lập hàng rào, xây bờ kè, công trình nhà ở, hàng quán tại các công trình thủy lợi, thủy điện, sông, hồ vẫn tiếp tục tái diễn, gây bức xúc trong dư luận địa phương. Điển hình như tại hồ Próh, từ tháng 1-2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng đã có Văn bản số 529/SNN-TL gửi UBND huyện Đơn Dương, đề nghị địa phương khẩn trương xử lý hành vi vi phạm, không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích trong phạm vi bảo vệ hồ. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay, các vi phạm tại công trình này vẫn chưa bị xử lý.

Tại buổi họp báo tháng 7-2022, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng khẳng định: Việc để xảy ra tình trạng xâm phạm hồ thủy lợi Próh nói riêng, các công trình thủy lợi, thủy điện, sông, hồ nói chung tại Lâm Đồng, trách nhiệm đầu tiên thuộc về đơn vị quản lý công trình và chính quyền địa phương. “Tôi đã gọi điện trao đổi trực tiếp với các đồng chí lãnh đạo huyện, yêu cầu xử lý khẩn trương, dứt điểm, không để tình trạng này kéo dài”, ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết.

Ngày 13-7, Tỉnh ủy Lâm Đồng có văn bản về việc xử lý vi phạm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi hồ Próh. Văn bản yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương khẩn trương chỉ đạo cơ quan chức năng xử lý đối với các trường hợp vi phạm, buộc khôi phục lại hiện trường ban đầu, nếu không thực hiện sẽ tổ chức cưỡng chế theo quy định của pháp luật, xử lý nghiêm trách nhiệm của đơn vị, cá nhân để xảy ra vi phạm tại công trình này. Ông Nguyễn Tài Phương, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lâm Hà cũng cho biết sẽ khẩn trương cử cán bộ phối hợp cùng UBND xã Tân Văn, các đơn vị liên quan kiểm tra tình trạng xây dựng công trình lấn chiếm hành lang bảo vệ sông Đạ Dâng, nếu có vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Tây Nguyên đang bước vào mùa mưa lũ. Việc xử lý tình trạng xâm phạm các công trình thủy lợi và hành lang an toàn hồ, đập, sông, suối tại Lâm Đồng là nhiệm vụ cấp thiết nhằm bảo vệ tính mạng con người, tài sản của nhà nước và nhân dân.