largeer

Mèo mun

Mèo mun

2021-08-31 12:25:00

Nghệ An: Khởi tố người phụ nữ cởi đồ, cố thủ trong nhà quyết không đi cách ly

Ngày 29/8, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Diễn Châu, Nghệ An đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự “Chống người thi hành công vụ” và Quyết định khởi tố bị can đối với Hoàng Thị Hồng (trú tại , xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu) về tội “Chống người thi hành công vụ” theo Khoản 1 Điều 330 Bộ Luật Hình sự 2015. Đổng thời, Viện kiểm sát nhân dân huyện Diễn Châu, Nghệ An đã có Quyết định phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can Hoàng Thị Hồng về tội “Chống người thi hành công vụ”.

Theo PLO thông tin, vào chiều ngày 23/8, ngay sau khi xác định vợ chồng bà Hoàng Thị Hồng (48 tuổi, trú xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu) có tiếp xúc với F0, ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 xã Diễn Kỷ đã thông báo, yêu cầu 2 vợ chồng đi cách ly tập trung theo quy định.

Qua hai lần y tế lấy mẫu xét nghiệm, bà Hồng đều có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2 và đang được tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm lần ba, lần bốn.

Thi hành quyết định khởi tố bị can Hoàng thị Hồng tại điểm cách ly tập trung. Ảnh: CA

Thi hành quyết định khởi tố bị can Hoàng thị Hồng tại điểm cách ly tập trung. Ảnh: CA

Vợ chồng bà Hồng từng tiếp xúc gần với F0 nên cả hai là F1. Theo quy định của tỉnh Nghệ An, tất cả F1 đều phải đi cách ly y tế tập trung.

Chủ tịch UBND xã Diễn Kỷ đã có quyết định cách ly vợ chồng bà Hồng tại điểm cách ly Trường Mầm non xã Diễn Kỷ. Tuy nhiên, bà Hồng không đi cách ly y tế tập trung nên chính quyền địa phương có quyết định cưỡng chế.

Tối 23-8, Công an xã cùng Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 xã Diễn Kỷ đến nhà bà Hồng thi hành quyết định cưỡng chế.Tuy nhiên, bà Hồng khóa trái cửa, vẫn ở nhà sinh hoạt bình thường mặc cho cán bộ y tế và chính quyền địa phương giải thích. Bà Hồng còn cởi quần áo, chửi bới những người đang làm nhiệm vụ.

Gần 3 giờ đồng hồ được giải thích, thuyết phục nhưng bà Hồng vẫn chống đối. Lực lượng chức năng đã phá cửa để vào cưỡng chế nhưng bà Hồng tiếp tục chống đối, cào cấu và giật khẩu trang…

Ngày 28-8, Cơ quan CSĐT Công an huyện Diễn Châu khởi tố bà Hồng về tội chống người thi hành công vụ theo khoản 1 Điều 330 Bộ luật Hình sự. Trong ngày, VKSND huyện Diễn Châu có quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can Hồng của Công an huyện Diễn Châu.

Sáng 29-8, Cơ quan CSĐT Công an huyện Diễn Châu phối hợp với VKSND huyện Diễn Châu đến nơi bà Hồng đang cách ly tập trung để thực hiện tống đạt quyết định khởi tố bị can.

Lý do phải đục phá cửa để đưa F1 đi cách ly

Chiều 30-8, giải thích lý do phá cửa đưa F1 đi cách ly tập trung, ông Đậu Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã Diễn Kỷ, cho biết theo hướng dẫn của Bộ Y tế thì tùy tình hình mà địa phương quyết định cho cách ly ở nhà hay tập trung. TP.HCM kể cả F0 cũng có thể cho cách ly điều trị tại nhà nhưng đối với Nghệ An thì ca F1 tiếp xúc gần với F0 là phải đi cách ly tập trung.

Bà Hồng không chấp hành quyết định đi cách ly tập trung. Bà cho rằng có nhà mới, các tỉnh, thành khác cho F1 cách ly ở nhà. Ban đầu, chồng bà Hồng cũng chống đối nhưng xã đã thuyết phục được ông đi cách ly.

Theo ông Trường: “Sau khi đọc thông báo quyết định cưỡng chế bà vẫn ngoan cố, không chịu ra khỏi nhà. Chúng tôi đã gần 3 tiếng đồng hồ thuyết phục, vận động, tuyên truyền, giải thích, nhờ người gọi điện thoại đến thương thuyết bà vẫn không chịu chấp hành.

Xã nhờ xóm, những người thân cận đến vận động bà vẫn không đi. Trong khi đó, bà cởi quần áo, chửi bới, lăng mạ.

Cho đến khi ra tối hậu thư bà Hồng vẫn không chấp hành, không có cách nào khác buộc phải đục phá cửa để đưa bà đi. Chống dịch như chống giặc, chậm một tý là nguy cơ lây lan dịch. Chúng tôi không đủ lực lượng để đứng canh mãi trước nhà bà Hồng”.

“Tỉnh đang làm tốt việc cách ly tập trung”

Về lý do không cho F1 cách ly tại nhà, ông Dương Đình Chỉnh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Nghệ An, Thường trực Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Nghệ An, nói: “Tỉnh Nghệ An đang làm tốt việc cách ly tập trung và chưa có quy định cho F1 cách ly tại nhà.

Hiện nay, một số huyện hoặc TP Vinh có thể trưng dụng nhà người dân đủ điều kiện để làm điểm cách ly tập trung. Điểm này vẫn phải có chốt chặn, giăng dây, cung cấp lương thực, thực phẩm tại chỗ.

Các điểm cách ly tập trung của tỉnh Nghệ An đủ chỗ để F1 cách ly và đang được kiểm soát rất tốt. Việc cách ly F1 tại nhà rất khó giám sát. Nếu gặp người ý thức kém thì sẽ có rủi ro cao làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng”.

Được biết Nghệ An hiện có gần 4.000 người là F1. Tất cả F1 đang phải cách ly tập trung. Nếu để xảy ra lây nhiễm chéo tại các điểm cách ly tập trung thì cán bộ liên quan bị kỷ luật.

Cụ thể, chủ tịch UBND huyện Yên Thành đã ra quyết định thi hành kỷ luật khiển trách chủ tịch và cảnh cáo chỉ huy trưởng quân sự xã Sơn Thành vì để xảy ra lây nhiễm chéo cho ba cán bộ làm việc trong khu cách ly tập trung của xã.

Trong đó, ông Nguyễn Hữu Sáu, Chủ tịch UBND xã Sơn Thành, bị kỷ luật khiển trách. Thời gian thi hành kỷ luật là 12 tháng kể từ ngày 10-8, với lý do có khuyết điểm, vi phạm trong công tác tổ chức, triển khai, kiểm tra, giám sát việc cách ly tập trung công dân phòng chống dịch tại xã.

Còn ông Nguyễn Hữu Tình, công chức, chỉ huy trưởng quân sự xã, bị kỷ luật cảnh cáo. Thời gian thi hành kỷ luật là 12 tháng kể từ ngày 10-8, với lý do có sai phạm, khuyết điểm trong công tác tham mưu tổ chức, triển khai, kiểm tra, giám sát việc cách ly tập trung công dân phòng chống dịch tại xã.

Công an đang điều tra

Xung quanh vụ việc khởi tố người phụ nữ F1 về tội chống người thi hành công vụ, có dư luận cho rằng sao phải đập thủng cửa nhà người dân để “bắt” F1 đi cách ly mà không cho cách ly ở nhà. Chính quyền giải thích là có quyết định cưỡng chế đưa F1 này đi cách ly tập trung nhưng bà này chống đối.

Ngoài ra, có ý kiến cho rằng hành vi chống đối của F1 này có đến mức phải xử lý hình sự hay không. PV đã liên hệ với ông Nguyễn Duy Thanh, Trưởng Công an huyện Diễn Châu. Qua điện thoại, ông Thanh nói: “Về dư luận trên mạng xã hội, chúng tôi chưa nắm. Hiện cơ quan CSĐT Công an huyện đã khởi tố và đang tiếp tục điều tra thêm, chưa có kết luận”.

Những người có hành vi chống đối cần được tiêm "vaccine ý thức"

Trên Sức khỏe và đời sống dẫn lời Trung tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia tâm lý tội phạm học cho biết, nguyên nhân sâu xa dẫn đến những hành vi chống đối lực lượng làm công tác phòng chống dịch là do ý nhận thức của nhiều người còn hạn chế, bên cạnh đó ý thức trách nhiệm với cộng đồng thấp. Thứ hai là sự coi thường pháp luật. Đây là hành động sai trái, vi phạm quy định về phòng chống dịch, ẩn chứa nhiều nguy cơ làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm.

Ý thức của người dân chính là lá chắn trong công tác phòng chống dịch. Các lực lượng làm công tác phòng chống dịch chỉ làm yếu tố kiểm soát để tăng cường cho tấm lá chắn cộng đồng đó. Nhưng vì một số lý do mà nhiều người đã bất chấp, bỏ qua những quy tắc tự bảo vệ mình và bảo vệ cộng đồng, điều này sẽ là lỗ hổng khiến cho tấm lá chắn đó bị suy giảm tác dụng. Họ cần được tiêm "vaccine ý thức".

Về góc độ pháp lý, luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn luật sư TP Hà Nội phân tích, những sự việc trên diễn ra ngày càng nhiều trong thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, lực lượng chức năng đang phải căng mình chống dịch khiến nhiều người dân bức xúc, thậm chí phẫn nộ.

Hành vi chống đối, tấn công người thi hành công vụ để "thông chốt" là điều không thể chấp nhận được, cần bị xem xét là việc chống lại xã hội, coi thường pháp luật chứ không đơn thuần là không tuân thủ yêu cầu của lực lượng chức năng.

Thời gian qua, hầu hết các đối tượng đã bị xử phạt hành chính song dường như chế tài xử lý còn quá nhẹ, không đủ sức răn đe. Do đó, để ngăn chặn triệt để hiện tượng trên, cơ quan chức năng cần phải áp dụng biện pháp mạnh hơn như thu giữ phương tiện, truy cứu trách nhiệm hình sự đối tượng vi phạm.

Theo đó, mọi hành vi tấn công bằng vũ lực đối với các thành viên tổ công tác phòng chống dịch, phá hoại tài sản hoặc trang thiết bị tại các chốt kiểm soát cần phải bị xử lý về tội Chống người thi hành công vụ" theo Điều 330 - BLHS 2015 với khung hình phạt là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, thậm chí bị phạt tù từ 2-7 năm (tùy theo tính chất, hậu quả của hành vi).

Trường hợp đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm có thể xử lý đối tượng vi phạm về tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo Điều 134 - BLHS 2015 với mức hình phạt cao nhất là tù chung thân.

Việc xử lý nghiêm khắc những cá nhân vi phạm lúc này là hành động vì cộng đồng. Các đối tượng có hành vi chống đối cần phải bị xử lý nghiêm để bảo đảm sự thượng tôn của pháp luật.

Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng: “Chống dịch như chống giặc” thì phải coi con vi rút là “giặc” chứ không phải coi người dân là “giặc” thưa các ông! Họ là “bệnh nhân” cả về nguy cơ lẫn tâm lý!

Khoản 2 và 3 điều 22 Hiến pháp 2013 quy định: "Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý. Việc khám xét chỗ ở do luật định".

Điều 12 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (BLTTHS) quy định nguyên tắc "bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của cá nhân": Không ai được xâm phạm trái pháp luật chỗ ở… của cá nhân.

Khoản 1 điều 192 BLTTHS quy định: Việc khám xét chỗ ở của công dân chỉ được tiến hành khi có căn cứ để nhận định chỗ ở có công cụ, phương tiện phạm tội, tài liệu, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có hoặc đồ vật, dữ liệu điện tử, tài liệu khác có liên quan đến vụ án.