largeer

Mèo mun

Mèo mun

2021-10-12 08:13:00

Mỹ phẩm giả "đội lốt" hàng chính hãng nở rộ trên chợ mạng đánh lừa người tiêu dùng

Hiện nhiều địa phương trong cả nước đã bắt đầu nới lỏng giãn cách, các hoạt động thương mại, buôn bán cũng đã được nối lại. Nắm bắt nhu cầu người dân tìm mua các sản phẩm tiêu dùng, một số đối tượng đã lợi dụng thời cơ này để tung ra các sản phẩm mỹ phẩm giả, bán khuyến mại, đánh lừa người tiêu dùng.

Theo VTV thông tin về vụ việc một số lượng lớn hàng mỹ phẩm nhái bị Cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp với cơ quan chức năng phát hiện mới đây là lời cảnh báo với người tiêu dùng trước cần thận trọng trước những quảng cáo bán hàng khuyến mại nở rộ trên các nền tảng mạng xã hội. 1 chai dầu gội chính hãng của Italy có mức giá từ 300.000 - 500.000 đồng. Tuy nhiên, theo quảng cáo trên mạng, chúng chỉ có giá 199.000 đồng/cặp dầu gội, tức chỉ bằng 1/3 giá sản phẩm thật.

Nếu chỉ nhìn mẫu mã bên ngoài, người tiêu dùng sẽ dễ nhầm lẫn các sản phẩm giả với các sản phẩm thật được phân phối tại thị trường Việt Nam.

Nếu chỉ nhìn mẫu mã bên ngoài, người tiêu dùng sẽ dễ nhầm lẫn các sản phẩm giả với các sản phẩm thật được phân phối tại thị trường Việt Nam.

Đều là các sản phẩm khá quen thuộc và được sử dụng hàng ngày nhưng nhiều người tiêu dùng đã mua phải các sản phẩm giả, trôi nổi trên thị trường và hậu quả là có thật.

Theo cơ quan chức năng, nếu chỉ nhìn mẫu mã bên ngoài, người tiêu dùng sẽ dễ nhầm lẫn với các sản phẩm thật được phân phối tại thị trường Việt Nam vì chúng đã được làm nhái toàn bộ từ vỏ bao bì, cho đến mùi hương….

Thậm chí kiểm tra kho hàng, Đội Quản lý thị trường số 12 còn phát hiện tem QRCODE được chụp từ 1 tem hàng thật đã phát hành nhưng dán chung code này cho tất cả sản phẩm. Lô hàng không có bất kỳ giấy tờ nào chứng minh nguồn gốc.

Cuối năm là thời điểm diễn biến phức tạp của hoạt động kinh doanh vận chuyển, buôn bán hàng giả, hàng nhập lậu, trong đó có mỹ phẩm giả. Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần kiểm tra khi giao nhận mua bán hàng hóa và phải có chứng từ, vì nếu chỉ ham rẻ và tin vào những quảng cáo trên mạng xã hội, người tiêu dùng thông thái cũng rất dễ trở thành nạn nhân của hàng giả.

Trước đó Kinh tế đô thị online cũng có bài viết chia sẻ về vẫn nạn mỹ phẩm giả đổ bộ chợ mạng.

Một khách hàng cho biết mua 3 thỏi son trong đợt "flash sale 70%" trên một gian hàng của Shopee, với giá 100.000 đồng/sản phẩm. Mặc dù người bán cam kết là hàng chính hãng, nhưng khi sử dụng chị bị bong tróc da, gây ngứa. Thực tế cho thấy, người tiêu dùng chỉ cần vào Google gõ từ khóa “Mỹ phẩm giá rẻ”, trong 0,71 giây có đến 57 triệu kết quả liên quan; với từ khóa “Mỹ phẩm xách tay” chỉ với 0,74 giây có đến 24 triệu kết quả.Dạo quanh các cửa hàng bán mỹ phẩm online trên mạng xã hội Facebook, Zalo, sàn thương mại điện tử Shoppe, Lazada, Tiki… người tiêu dùng không khó để tìm nhiều loại mỹ phẩm mang thương hiệu nổi tiếng như Maybelline, Chanel, Essance, Dior, Shiseido, Lancome, L’Oreal Paris... được giảm giá từ 10 - 50%.

Tài khoản familydea trên Facebook quảng cáo bộ mỹ phẩm Essance gồm kem, phấn son môi hai đầu, mascara sau khi giảm giá 60% chỉ còn 150.000 đồng. Tương tự, nhiều tài khoản khác rao bán mỹ phẩm ngoại nhập như son môi Maybelline, Chanel có giá 20.000 - 150.000 đồng/sản phẩm, phấn trang điểm 100.000 - 300.000 đồng/sản phẩm, serum dưỡng da do Nhật Bản sản xuất chỉ 300.000 đồng/sản phẩm…

Chủ tịch HĐQT Công ty AB Beauty World Lê Hữu Nghĩa cho hay, những sản phẩm mỹ phẩm được bán với giá rẻ trên mạng xã hội chắc chắn là hàng giả, bởi các nhà cung ứng mỹ phẩm cho đơn vị khẳng định không bao giờ bán sản phẩm có giá đó trên toàn thế giới.

Đồng tình với phản ánh này, Giám đốc Đối ngoại & Truyền thông của L'Oréal Việt Nam Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh cho biết, chỉ 1 năm sau khi thương hiệu này chính thức có mặt ở Việt Nam (năm 2008), trên thị trường tràn ngập các cửa hàng mang bảng hiệu "L’Oreal chính hãng". “Thậm chí qua thống kê, có lúc hàng giả L'Oréal trên thị trường chiếm đến 75% thị phần. Hiện thị trường mỹ phẩm L'Oreal tại Việt Nam gần như bị thống trị bởi hàng xách tay, hàng giả (chiếm hơn 60% thị phần) trên cả 2 kênh phân phối online và offline”- bà Trinh nêu rõ.

Chế tài đi sau thực tế

Vừa qua lực lượng quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội đã liên tiếp phát hiện các cơ sở sản xuất, buôn bán mỹ phẩm giả mạo nhãn hiệu. Cụ thể Đội QLTT số 11 (Cục QLTT Hà Nội) kiểm tra cơ sở sản xuất tại xã Hồng Dương (huyện Thanh Oai) đã phát hiện cơ sở này đang tiến hành sang chiết, dán nhãn, đóng gói 14.900 sản phẩm mỹ phẩm, nước hoa nhãn hiệu COCO CHANEL, Pink Lady Shower.

QLTT Hà Nội thực tế việc sản xuất mỹ phẩm nhái nhãn hiệu COCO CHANEL tại huyện Thanh Oai

QLTT Hà Nội thực tế việc sản xuất mỹ phẩm nhái nhãn hiệu COCO CHANEL tại huyện Thanh Oai

Đặc biệt đầu tháng 7 vừa qua, Đội QLTT số 9 (Cục QLTT Hà Nội) qua kiểm tra kho hàng tại 76 An Dương (quận Tây Hồ) đã phát hiện thu giữ 11.821 sản phẩm mỹ phẩm giả nhãn hiệu Dior, Chanel, Gucci, vanlentino, Louis Vuitton...Theo Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội Chu Xuân Kiên, người tiêu dùng có tâm lý sính dùng mỹ phẩm ngoại đã tạo cơ hội cho các đối tượng sản xuất mỹ phẩm giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ thông qua mạng xã hội, thương mại điện tử tiêu thụ. “Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên đa số mỹ phẩm giả, nhập lậu đều được giao dịch, mua bán trên các nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội nên việc kiểm tra, kiểm soát thị trường không hề dễ dáng”, ông Chu Xuân Kiên nói.

Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ (Tổng cục QLTT) Nguyễn Đức Lê thông tin, những năm gần đây hiện tượng quảng cáo, bán mỹ phẩm trên ứng dụng trực tuyến, mạng xã hội... ngày càng phổ biến. Nguyên nhân do tính chất linh hoạt của trang điện tử, mạng xã hội là dễ dàng đăng nhưng cũng dễ dàng gỡ bỏ, giúp đối tượng xóa bỏ dấu vết, chứng cứ, trốn tránh kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng.

Theo các chuyên gia chống hàng lậu, hàng giả, sở dĩ đối tượng kinh doanh mỹ phẩm giả lợi dụng thương mại điện tử để tiêu thụ do hành lang pháp lý, chế tài xử phạt còn thiếu, chưa cụ thể, chặt chẽ.

Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam Nguyễn Đăng Sinh nêu rõ, quy định về hành vi sản xuất hàng giả chưa rõ ràng, nên việc xác định vi phạm về sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng không hề dễ dàng.

Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch Hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu TP Hà Nội Phạm Bá Dục thông tin, mặc dù nhà nước đã ban hành Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử, trong đó nêu rõ những chế tài và phương án quản lý hành vi gian lận thương mại. Tuy nhiên, với sự vận động phát triển của công nghệ số, Nghị định này đang dần không theo kịp thực tế.

Về chế tài xử phạt, tuy Nghị định 98/2020/NĐ-CP đã tăng mức xử phạt cá cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh hàng lậu, hàng giả lên tới 200 triệu đồng.“Tuy nhiên, mức xử phạt này là quá nhẹ, không đủ sức răn đe khi đem so sánh với lợi nhuận “khủng” thu được từ việc buôn bán các mặt hàng này”, ông Phạm Bá Dục nói.

Cùng với những giải pháp chuyên ngành, theo chuyên gia, để có thể ngăn chặn được hàng giả trong đó có mặt hàng mỹ phẩm đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ của các lực lượng như công an, hải quan, QLTT, thuế... chặn hàng giả, nhái từ biên giới, kiểm soát chặt thị trường trong nước. Đây sẽ là công cụ hữu hiệu trong công tác đấu tranh, ngăn ngừa sản xuất mỹ phẩm giả và gian lận thương mại.