largeer

An Nhiên

An Nhiên

2021-11-14 10:03:00

Mạnh dạn chuyển đổi, HTX Phú Thạnh thu trái ngọt với mô hình dưa lưới công nghệ cao

Được thành lập năm 2005, hiện, HTX nông nghiệp Phú Thạnh đang phục vụ 378 thành viên sản xuất trên diện tích 1.700 ha. Thời gian qua, HTX đã có những bước chuyển biến tích cực nhờ “bắt tay” liên kết sản xuất với doanh nghiệp, nhưng thành công nhất phải kể đến mô hình dưa lưới ứng dụng công nghệ cao.

Mạnh dạn chuyển đổi, đầu tư để sở hữu một trang trại quy mô công nghệ cao chuyên trồng dưa lưới, bước đầu đã đem lại cho thành viên HTX nông nghiệp Phú Thạnh (ấp Phú Cường, xã Phú Thạnh, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) nguồn thực phẩm an toàn, thu về trăm triệu đồng mỗi năm.

Ông Trần Văn Lô Ba, Giám đốc HTX Phú Thạnh cho biết, mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao với kinh phí đầu tư 590 triệu đồng từ Chương trình củng cố, nâng chất hợp tác xã nông nghiệp. Trong đó, HTX được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng huyện Phú Tân hỗ trợ nguồn vốn 200 triệu đồng.Hiện, Tổ hợp tác trồng dưa lưới công nghệ cao của HTX Phú Thạch gồm 3 thành viên tham gia sản xuất trên diện tích 1.000m2.

Empty

Theo đánh giá của Ban giám đốc HTX, đây là một trong những mô hình nông nghiệp công nghệ cao đầu tiên trên địa bàn xã Phú Thạnh, bước đầu đem lại hiệu quả về kinh tế với năng suất, chất lượng vượt trội so với sản xuất thông thường. Đồng thời, mô hình cũng thay đổi cách nghĩ, cách làm của người nông dân từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang quy trình nông nghiệp sạch, gắn với nhu cầu của thị trường.

Theo đó, khi tham gia mô hình, các thành viên được cung cấp giống, hỗ trợ kỹ thuật, vật tư nông nghiệp trong quá trình canh tác. Đồng thời, HTX phối hợp chặt chẽ với đơn vị chuyển giao mô hình đảm bảo tiến hành đầy đủ, chính xác quy trình.

Nhà lưới được HTX thiết kế vật liệu bằng khung thép chịu lực, phía trên phủ lớp màng dày, xung quanh có lưới chắn côn trùng và hệ thống màng lưu động có thể đóng mở tùy điều kiện thời tiết.

Đặc biệt hơn, trong nhà lưới được bố trí hệ thống tưới phun tự động, cảm biến nhiệt độ và độ ẩm... Nước được tưới nhỏ giọt đến từng gốc dưa, phân bón được hòa vào nước rồi theo hệ thống cung cấp dinh dưỡng cho cây phát triển đồng đều.

Là một lão nông vốn quen với kiểu canh tác truyền thống nên việc sản xuất của gia đình ông Nguyễn Thành Lộc (thành viên HTX) chủ yếu phụ thuộc vào thời tiết, vì vậy, năng suất cây trồng bấp bênh, đặc biệt lúa, rau, củ, quả khi thu bán thường có giá trị thấp, thu nhập chưa cao.

Nhận thấy mô hình ứng dụng công nghệ cao trồng dưa lưới là hướng đi mới, giá trị kinh tế cao, ông Lộc bàn bạc với gia đình và quyết tâm đầu tư hơn 100 triệu đồng để quy hoạch sản xuất. Cùng với đó là đầu tư hệ thống tưới tự động, giá thể trồng dưa và một số phụ kiện đi kèm khác…

“Để có được ngày hôm nay, chúng tôi đã từng gặp khó khăn khá nhiều. Qua 3 vụ dưa, giờ đây, kinh nghiệm, kỹ thuật trồng và chăm sóc đã được tôi nắm chắc trong lòng bàn tay, việc sản xuất đã đi vào ổn định”, ông Lộc nói.

Empty

Bí kíp đẻ ra trăm triệu mỗi năm

Theo kinh nghiệm của ông cha ta “Nắng tốt dưa, mưa tốt lúa”. Ngoài kia nắng hạn kinh hoàng, nhiều nơi nông dân thất thu do cây trồng chết hoặc không cày cấy được. Nhưng trong nhà lưới, những cây dưa vẫn xanh tốt, sai trĩu quả như tiếp thêm động lực cho các thành viên làm giàu trên mô hình công nghệ cao.

Sau khi thành thục kỹ thuật, ông Nguyễn Thành Lộc cũng như các thành viên khác bắt tay vào làm đất, lên luống để trồng dưa. Nhờ đó, vườn dưa của ông Lộc sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất cao nên vụ dưa vừa rồi ông bỏ túi gần 50 triệu đồng.

“Dưa lưới từ khi trồng đến khi thu hoạch mất 75 – 80 ngày. Sau khi xuống giống, cây dưa lưới được xếp thành hàng và treo dây cố định. Khi cây ra hoa, chúng tôi sẽ cho ong để thụ phấn. Khi cây cho quả, chúng tôi tiến hành cắt tỉa cành, tạo độ thông thoáng giúp cây lấy dinh dưỡng tập trung nuôi trái”, ông Lộc tiết lộ bí quyết trồng dưa lưới.

Hiện, HTX trồng 2.700 gốc dưa lưới giống Hà Lan, loại vỏ vàng, ruột xanh, cho chất lượng trái ngon, đạt trọng lượng từ 1,5-2 kg/trái, ít bị hao hụt và số lượng dưa đạt chuẩn loại 1 chiếm tỷ lệ trên 80%.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc HTX cho biết, mặc dù, trồng dưa lưới công nghệ cao phải đầu tư vốn lớn, tuy nhiên, sau 1 năm là có thể thu hồi. Mỗi năm, bà con có thể trồng được 4 vụ, dự kiến vụ này HTX thu hoạch được trên 3 tấn dưa với giá bán trên thị trường từ 35.000 – 50.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí lợi nhuận bình quân đạt 36 – 40 triệu đồng/vụ.

“Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh đang diễn ra phức tạp, khiến đầu ra các mặt hàng nông sản cũng như trái dưa lưới gặp khó khăn. HTX mong muốn ban, ngành quan tâm hỗ trợ, tìm giải pháp tháo gỡ để bà con lấy lại nguồn vốn tái đầu tư cho những vụ mùa tiếp theo, mở rộng diện tích sản xuất”, Giám đốc HTX Trần Văn Lô Ba bày tỏ.

Đến nay, huyện Phú Tân đã phát triển 6 nhà màng trồng dưa lưới, trong đó có 4 nhà màng dưa lưới thu hoạch hàng năm khoảng 56 tấn, tổng doanh thu 1,68 tỷ đồng. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục bám sát, chỉ đạo mô hình công nghệ cao trong những vụ tiếp theo, khai thác hợp lý thế mạnh đất đai của địa phương. Đồng thời, hỗ trợ các tổ hợp tác, HTX khắc phục những khó khăn từ bệnh dịch Covid-19, liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ, xây dựng thương hiệu có giá trị hàng hóa cung cấp ra thị trường.

Theo Vnbusiness