Long Khánh (Đồng Nai): Vì sao khu phố chợ Long Khánh của cty TNHH Hồng Hà ‘đắp chiếu’?
Nằm xen giữa bến xe và chợ Long Khánh, khu phố chợ Long Khánh với những căn liền kề đẹp như trong tranh lại đang nằm ‘im lìm’, hoang tàn giữa khu phố sầm uất một cách lãng phí?

Người dân cho biết, khu phố chợ Long Khánh thuộc sở hữu của công ty TNHH Hồng Hà, khu phố nằm xen giữa chợ Long Khánh và bến xe Long Khánh. Khu đất trước đây thuộc một phần chợ và bến xe Long Khánh, nhưng không hiểu vì sao công ty TNHH Hông Hà lại xây dựng những căn biệt thự liền kề đẹp như vậy rồi bỏ hoang vài năm nay. Khi mở bán rất nhiều người tranh nhau mua nhưng do số lượng nhà ít nên nhiều người muốn mua cũng không có để mua. Mà đa số nhà cũng bán rồi lại để không như vậy bộ mặt đô thị vừa nhếc nhác, vừa gây lãng phí đất đai. (Hình ảnh phối cảnh khu phố chợ Long Khánh).

Khu phố chợ có nhiều tiện ích khi nằm sát chợ Long Khánh, siêu thị, gần bến xe Long Khánh, gần trường học… Được xem là điểm nhấn về quy mô và kiến trúc nổi bật tại cửa ngõ phía Đông của Thị xã Long Khánh, thiết kế theo phong cách sang trọng, hiện đại. Theo quy hoạch được phê duyệt, diện tích khu đất phố chợ Long Khánh là 11.730m2, trong đó đất ở có diện tích gần 8.800m2. Tuy nhiên, ‘số phận’ của khu phố khá ‘long đong’ khi nhiều lần điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500.

Ngày 12/03/2020, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Quyết định số 754/QĐ-UBND về việc ‘phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 dự án Chợ kết hợp Siêu thị và phố chợ Long Khánh tại phường Xuân Trung, thành phố Long Khánh’.

Theo tìm hiểu, ngày 16/11/2009, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành quyết định số 3348/QĐ-UBND về việc ‘duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 chợ kết hợp siêu thị và phố chợ Long Khánh tại phường Xuân Trung, thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai’.

Quyết định nêu: ‘Tính chất: Là chợ truyền thống kết hợp siêu thị và phố chợ thuộc Khu trung tâm thương mại và dân cư phía Bắc thị xã Long Khánh. Khu quy hoạch được lập theo tiêu chuẩn đô thị loại III.’

‘Mục tiêu nghiên cứu: - Xây dựng chợ truyền thống (520 điểm kinh doanh) kết hợp siêu thị và khu ở mới với hệ thống hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu về kinh doanh, dịch vụ, thương mại, nhà ở cho các đối tượng có nhu cầu và các đối tượng có nhu cầu trên địa bàn thị xã và những vùng lân cận.

Quyết định cũng cho biết: - Khu chợ kết hợp siêu thị được bố trí tại phía Đông Nam khu đất với tổng diện tích 28.353m2, trong đó đất chợ - siêu thị giai đoạn 01 là 22.164m2 (gồm chợ - siêu thị, khu kinh doanh ẩm thực, tự sản tự tiêu, cây xanh, khu xử lý nước thải và giao thông - sân bãi) và đất dự kiến phát triển chợ giai đoạn 02 là 6.189m2 (gồm chợ dự kiến phát triển 4.598m2 và giao thông - sân bãi 1.591m2).

- Khu phố chợ (nhà liên kế phố) được bố trí tại phía Tây Bắc khu đất với diện tích 13.877m2, trong đó giai đoạn 01 là 11.730m2 (gồm đất giao thông 2.934 m2, đất nhà liên kế phố 8.796m2 - bố trí được 107 lô, diện tích trung bình 72,2m2 - 100,2m2/lô) và giai đoạn 02 là 2.147m2 (gồm đất giao thông 575m2, đất nhà liên kế phố 1.572m2 - bố trí được 16 lô, diện tích trung bình 100m2/lô).’


Sát khu "biệt thự liền kề" phố chợ Long Khánh là Chợ Long Khánh, theo người dân, phố chợ Long Khánh và chợ Long Khánh được xây dựng theo hình thức BT do cty TNHH Hồng Hà xây dựng?

Khu phố chợ và khu chợ chỉ cách nhau một con đường, nên khu phố chợ này được coi là một 'siêu phẩm' nhà phố. Tuy nhiên, khi khu chợ đã trở nên nhếch nhác và khu phố chợ dù xây dựng đã được vài năm vẫn chưa được đưa vào sử dụng.




Qua thời gian, khu chợ Long Khánh dã có phần xuống cấp và không thu hút tiểu thương cùng khách mua vào bên trong khu chợ.
Trái lại, bên ngoài khu chợ lại là nơi kinh doanh sầm uất bậc nhất với nhiều gian hàng tự phát, kiot tự lập, thậm chí những gia đình có nhà xung quanh chợ còn cho thuê trệt để kinh doanh. Người buôn người bán tấp nập cả ngày. Theo cả người mua và người bán, khu chợ dù to đẹp bề thế nhưng do giá thuê điểm bán cao, trong khi người dân đa số chỉ buôn bán nhỏ lẻ rau củ, hơn nữa việc vào chợ không phù hợp với nhu cầu đi chợ của người dân cũng rất khó kinh doanh. Cũng khó có thể tưởng tượng đủ loại hình kinh doanh thực phẩm như rau củ nhỏ lẻ, thịt cá vào chợ liệu có đáp ứng được nhu cầu điểm bán, vệ sinh, thoát nước và nhu cầu người mua có tiện ích hay không?
Dưới đây là một số hình ảnh kinh doanh khu vực quanh chợ Long Khánh:











Được biết, Công ty TNHH Hồng Hà có trụ sở đăng ký thành lập và đóng thuế số 6 Khổng Tử, phường Xuân Trung, TP Long Khánh - cách khu phố chợ Long Khánh chừng vài trăm mét, nhưng hiện địa chỉ này đang không hoạt động.


Trụ sở chính thức của cty TNHH Hồng Hà được đặt tại 957 – QL 1A, phường Phú Bình, TP Long Khánh, tỉnh Đồng Nai.

Tìm đến Văn phòng giao dịch bất động sản của cty Hồng Hà để tìm thông tin và mua liền kề tại khu phố chợ Long Khánh thì chỉ thấy đóng cửa, nhân viên cty Hồng Hà báo khi nào có thông tin sẽ báo lại.

Trong dự án 'Cải tạo, nâng cấp đường Hùng Vương, TP Long Khánh" (đường Hùng Vương là 'mặt tiền' của chợ Long Khánh và khu phố chợ Long Khánh), gói thầu số 49 (xây dựng): Phần xây dựng do điều chỉnh thay đổi gạch và bó vỉa thành đá xẻ tự nhiên trên tuyến chính trị giá 23,8 tỉ đồng và gói thầu số 11 (xây dựng): Đường giao thông, hệ thống thoát nước, vỉa hè, tuynel kỹ thuật, cây xanh và đảm bảo an toàn giao thông; nội dung công việc cụ thể theo Quyết định số 2043/QĐ-UBND ngày 13/7/2020 của UBND tỉnh trị giá 75,3 tỉ đồng đều do cty TNHH Hồng Hà trúng thầu.



Dự án Sửa chữa đường Sóc Ba Buông (huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) cty TNHH Hồng Hà đã trúng thầu Gói thầu số 01 (xây dựng): Đường giao thông và phụ trợ thi công trị giá hơn 8 tỉ đồng.

Công ty TNHH tư vấn thiết kế và xây dựng Thành Thắng trong dự án xây dựng Trường Tiểu học Gia Ray, đã trúng thầu Gói thầu số 10 (Xây lắp): Xây dựng công trình chính và các hạng mục phụ trợ (liên danh với cty Cát Linh) trị giá 45,3 tỉ đồng.


