Liên danh chủ đầu tư KDC số 1 Nam Quảng Trường: Người “xác sống”, kẻ thua lỗ
Liên danh chủ đầu tư Khu dân cư số 1 Nam Quảng Trường, TP Hòa Bình có bức tranh tài chính kém lạc quan khi người là công ty xác sống, kẻ thua lỗ triền miên.
Liên danh Công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản STC Golden Land - Công ty cổ phần Tập đoàn Hoàng Hà vừa được UBND tỉnh Hòa Bình chấp thuận là nhà đầu tư thực hiện Dự án Khu dân cư số 1 Nam Quảng Trường, TP. Hòa Bình. Dự án có vốn đầu tư 425,832 tỷ đồng.Dự án có tổng diện tích hơn 24 ha, quy mô dân số 3.815 người với tổng cộng 703 căn nhà ở, tổng diện tích sàn 274.838 m2, trong đó có 656 căn nhà liền kề, biệt thự và 47 căn hộ chung cư.
Tuy nhiên, năng lực của liên danh STC Golden Land – Hoàng Hà lại là vấn đề đáng bàn. Trong khi STC Golden Land như một công ty “xác sống” thì Hoàng Hà lại rơi vào tình cảnh thua lỗ triền miên.

STC Golden Land “xác sống”
STC Golden Land thành lập ngày 19/7/2019 với ngành nghề chính là “Kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê”. Công ty có địa chỉ tại Lô NT1, đường Trung Yên 6, phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội. Người đại diện pháp luật kiêm Tổng giám đốc STC Golden Land là ông Nguyễn Nam Chung.
Tại thời điểm thành lập, STC Golden Land có vốn điều lệ 1.200 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông bao gồm: ông Nguyễn Thanh Tùng (sở hữu 3,5% vốn), ông Nguyễn Nam Chung (sở hữu 41,5% vốn), Nguyễn Thanh Thanh (sở hữu 48,5% vốn), Đỗ Duy Phương (sở hữu 3% vốn), Nguyễn Đức Giang (sở hữu 3,5% vốn).
Có vốn lớn như vậy nhưng STC Golden Land chẳng khác gì công ty “xác sống”. Trong 3 năm đầu hoạt động (từ 2019 đến 2021), STC Golden Land chỉ phát sinh trong 1 năm duy nhất. Đó là 2020 với doanh thu vô cùng khiêm tốn, chỉ 167 triệu đồng. Hai năm còn lại, STC Golden Land không kiếm nổi 1 đồng doanh thu.
Từ năm 2019 tới 2021, công ty không thua lỗ mà thậm chí có lãi nhưng con số lợi nhuận sau thuế khiêm tốn đến mức khó có thể thấp hơn, lần lượt là 637.365 đồng (năm 2019), 10,9 triệu đồng (năm 2020) và 19,6 triệu đồng (năm 2021).
Trong 2 năm đầu tiên, STC Golden Land không hoạt động nhiều nên không “khát” vốn. Phải đến năm 2021, Nợ phải trả mới vọt lên 875 tỷ đồng.
Hoàng Hà thua lỗ triền miên
Trong khi đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Hoàng Hà có nhiều năm kinh nghiệm hơn. Công ty Hoàng Hà thành lập ngày 8/2/2007 với ngành nghề chính là “Xây dựng nhà để ở”. Người đại diện pháp luật kiêm Tổng giám đốc công ty là ông Nguyễn Đức Thìn.
Tới ngày 10/8/2018, vốn điều lệ Tập đoàn Hoàng Hà tăng lên 455 tỷ đồng. Các cổ đông sáng lập bao gồm: ông Phạm Văn Thế (sở hữu 53,4% vốn), Phạm Lương Thê (sở hữu 3,84% vốn), Nguyễn Đức Thìn (sở hữu 3,74% vốn), Nguyễn Văn Thành (sở hữu 3,54% vốn), Phạm Anh Thắng (sở hữu 3,54% vốn), Phạm Tuấn Anh (sở hữu 3,54% vốn).
Tới ngày 12/4/2022, vốn điều lệ Tập đoàn Hoàng Hà được điều chỉnh tăng nhẹ lên 460 tỷ đồng.
Khác với STC Golden Land, Tập đoàn Hoàng Hà không rơi vào tình cảnh “công ty xác sống” khi doanh thu hàng năm khá cao. Thế nhưng, vẫn đề lớn mà Tập đoàn phải đối mặt chính là bất chấp doanh thu cao, Hoàng Hà vẫn thua lỗ triền miên.
Trong giai đoạn 2017-2020, doanh thu của Hoàng Hà lần lượt đạt 466 tỷ đồng (năm 2017), 487 tỷ đồng (năm 2018), 570 tỷ đồng (năm 2019) và 570 tỷ đồng (năm 2020).
Và cũng trong giai đoạn này, công ty liên tục thua lỗ với các khoản lỗ là 9,5 tỷ đồng, 25,9 tỷ đồng, 8,3 tỷ đồng và 13,1 tỷ đồng.
Vì thua lỗ triền miên nên vốn của công ty hao hụt dần. Hồi cuối năm 2020, vốn điều lệ Hoàng Hà đạt 455 tỷ đồng nhưng vốn chủ sở hữu chỉ còn 388 tỷ đồng. Trong khi đó, Nợ phải trả của công ty thường xuyên cao ngất ngưởng, lần lượt đạt 919 tỷ đồng, 1.032 tỷ đồng, 888 tỷ đồng và 803 tỷ đồng.
Như vậy, tại ngày 31/12/2020, Nợ phải trả tại Tập đoàn Hoàng Hà cao gấp 2,1 lần Vốn chủ sở hữu.