largeer

lili

lili

2021-07-21 13:25:00

Làm thế nào để siết chặt quản lý đất công?

Trong Loạt bài của Báo Thời Nay: “Xẻ thịt” đất công ở Đồng Nai, tác giả bài viết tiếp tục chỉ ra những diễn biến sai phạm trong quản lý đất công tại Đồng Nai, một vấn đề đặt ra: Làm thế nào để siết chặt quản lý đất công (?). Trong khi đó, cần xem xét về những bài học vẫn đang rất “nóng” tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Khánh Hòa... khi hàng loạt lãnh đạo chủ chốt của địa phương bị khởi tố bắt tạm giam hoặc kỷ luật Đảng vì để xảy ra sai phạm trong quản lý, sử dụng đất công.

Tình trạng lãng phí đất công không chỉ diễn ra ở Đồng Nai mà còn nhiều địa phương khác, ở nhiều dự án khu dân cư, khu đô thị thậm chí khu du lịch... kéo theo đó là nhiều quan chức đã bị "đổ ghế" vậy:

Lãng phí là tội lỗi

Dự án Đông Sài Gòn vẫn chưa có người dân vào ở.

Dự án Đông Sài Gòn vẫn chưa có người dân vào ở.

Tại Đồng Nai, việc lãng phí đất công đang diễn ra ở hàng loạt những dự án khu đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp với diện tích hàng trăm, hàng nghìn ha có nguồn gốc đất công, đất do Nhà nước quản lý sau khi được giao cho doanh nghiệp đầu tư nhưng để hoang cả hàng chục năm. Trong đó, như dự án Khu liên hợp công nông nghiệp Dofico (đã được nêu trong kỳ 4); dự án Khu đô thị Đông Sài Gòn có tổng diện tích 942 ha đất do Công ty CP Đầu tư Nhơn Trạch làm chủ đầu tư; dự án Sơn Tiên do Công ty CP Sơn Tiên làm chủ đầu tư...

Ngay dự án Khu liên hợp công nông nghiệp Dofico thể hiện rất rõ được việc tỉnh Đồng Nai lựa chọn nhà đầu tư, chủ đầu tư không đủ năng lực (phần này được thể hiện ngay trong Văn bản 11811/UBND-KTN của UBND tỉnh Đồng Nai) đã dẫn đến lãng phí trong quản lý, sử dụng đất công. Cụ thể, tại Văn bản số 11811/UBND-KTN ngày 5/10/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện quy hoạch Khu liên hợp công nông nghiệp Dofico đã thừa nhận, một trong những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án là do Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai (Dofico) còn thiếu linh hoạt trong việc thu hồi đất dự án để đẩy nhanh tiến độ. Ngay trong văn bản gửi cho phóng viên, Dofico cũng cho rằng: “Nguyên nhân chủ quan là quy mô dự án quá lớn so với năng lực thật sự của chủ đầu tư”. Theo UBND tỉnh Đồng Nai, việc chậm triển khai dự án làm ảnh hưởng đến tinh thần, vật chất, đời sống và quyền lợi của nhân dân trong khu vực dự án. Tài sản đất đai, cây trồng đã kiểm kê, tính toán giá trị bồi thường người dân không còn đầu tư chăm sóc nên hạn chế năng suất, chất lượng làm giảm nguồn thu nhập chính từ sản xuất nông nghiệp vốn là hoạt động sản xuất chính của người dân vùng dự án, làm ảnh hưởng đời sống của người dân, tác động tiêu cực đến sự hợp tác của người sử dụng đất trong vùng dự án.

Trong khi đó, tại dự án Khu đô thị Đông Sài Gòn do Công ty CP Đầu tư Nhơn Trạch làm chủ đầu tư được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2004, với quy mô hơn 942 ha (trong đó có khoảng 650 ha đất công) tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Thế nhưng kể từ khi được cấp phép đầu tư thì hầu hết diện tích đất đã bị chủ đầu tư để hoang và đến nay, sau gần 13 năm doanh nghiệp mới liên doanh với công ty nước ngoài để thực hiện đầu tư một phần dự án. Theo Quyết định số 3736/QĐ-UBND tỉnh Đồng Nai ký ngày 24/10/2017 về việc chấp thuận cho Công ty CP Đầu tư Nhơn Trạch làm chủ đầu tư thứ nhất và nhà đầu tư thứ hai là Công ty VNIC 2 Pte.,Ltd (của Singapore) thực hiện đầu tư dự án với tên gọi “Thành phố Thiên Nga”. Theo quyết định này, dự án được thực hiện có diện tích đất sử dụng khoảng 106,2 ha (trong đó, 341.252 m2 đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất), vốn góp để thực hiện hơn 566 tỷ đồng (tương đương 25 triệu USD), Công ty CP Đầu tư Nhơn Trạch chiếm 20% vốn góp (113,25 tỷ đồng), bằng một phần quyền sử dụng đất. Đến thời điểm này, theo quan sát thực địa của phóng viên, mặc dù đã được đầu tư và đưa vào kinh doanh một phần dự án nhưng hầu hết nhà ở đây vẫn để không, chưa có người đến ở.

Trước những sai phạm và lãng phí trong quản lý, sử dụng đất công tại Đồng Nai, nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh (PV phỏng vấn trực tiếp qua điện thoại ngày 24/6/2021) cho rằng: “Luật Đất đai đã chỉ ra rất cụ thể là sau khi được phê duyệt quy hoạch thì việc chuyển đổi, quản lý sử dụng đất thẩm quyền được giao về cho địa phương và các địa phương chịu trách nhiệm chính. Việc để xảy ra tình trạng lỏng lẻo trong quản lý, sử dụng đất là do các địa phương. Nhiều khi do sự nể nang giữa các thế hệ lãnh đạo trước với lãnh đạo thời kỳ sau, nhất là khi anh là Chủ tịch UBND tỉnh ký quyết định cấp đất, giao đất xong cho doanh nghiệp và sau đó anh lên làm Bí thư Tỉnh ủy hoặc cấp cao hơn. Từ đó dẫn đến sai phạm kéo dài mà không xử lý được”. Theo ông Thanh, những sai phạm trong quản lý đất đai tại địa phương đang là nguyên nhân dẫn đến việc lãng phí đất công, tài sản của Nhà nước là rất lớn.

Vẫn còn đó những bài học về quản lý đất công

Trong những năm gần đây, dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về phòng, chống tham nhũng, hàng loạt vụ tham nhũng, sai phạm trong quản lý đất đai tại nhiều địa phương đã bị phanh phui. Nhiều cán bộ lãnh đạo, có người đứng đầu tỉnh như Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh... đã bị xử lý nghiêm khắc. Mới đây nhất, ngày 18/6/2021, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Bộ Chính trị, họp Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương nhiệm kỳ 2015 - 2020, Ban cán sự đảng UBND tỉnh Bình Dương nhiệm kỳ 2016 - 2021 và một số lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Bình Dương. Bộ Chính trị đề nghị kỷ luật Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, cách chức bốn lãnh đạo tỉnh, nguyên lãnh đạo tỉnh. Cụ thể, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương nhiệm kỳ 2015 - 2020 và Ban cán sự đảng UBND tỉnh Bình Dương đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, vi phạm quy chế làm việc, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để một số tổ chức đảng và đảng viên vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước về quản lý, sử dụng đất đai, vốn, tài sản của Đảng, Nhà nước tại Tổng công ty sản xuất và xuất khẩu Bình Dương (thuộc Tỉnh ủy Bình Dương), gây hậu quả nghiêm trọng, thất thoát lớn ngân sách nhà nước. Trước đó, tại tỉnh Khánh Hòa cũng sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai cơ quan chức năng đã khởi tố bắt tạm giam hai đời nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, một nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh và nguyên ba lãnh đạo của Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa. Cùng liên quan đến sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai trong các năm 2018 - 2019 - 2020 đã có hàng chục cán bộ tại hai thành phố lớn là TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng bị khởi tố hình sự. Trong đó, có đến hai đời nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, một Phó Bí thư Thường trực Thành ủy và ba Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh... Đây thật sự là những bài học đắt giá nhưng đã thể hiện sự nghiêm khắc của Đảng, pháp luật Nhà nước khi nói không với tham nhũng, lãng phí.

Nói về thực trạng sai phạm ở nhiều địa phương trong thời gian qua, Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh cho rằng: “Trước tiên xem xét về góc độ pháp luật trước, ngay luật cũng đang vênh nhau. Trong đó, Luật Đầu tư là qua hình thức đấu thầu để giao đất và thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trong nhiều nhà đầu tư. Nhưng Luật Đất đai thì bắt buộc phải thông qua đấu giá mới được giao đất. Chính từ điều này gây rất nhiều khó khăn cho địa phương”. Thế nhưng, theo ông Thanh, từ những bài học xử lý sai phạm trong quản lý đất công, tài sản của Nhà nước có thể thấy được việc quan trọng là cần phải tập trung rà soát lại các dự án sai phạm, tính đúng giá trị tiền sử dụng đất sẽ bảo đảm được theo giá thị trường. Nguyên tắc số một, tiền của dân, của nước thì phải thu trước đã và như vậy mới tránh được tình trạng thất thoát, lãng phí.

Mới đây, với sai phạm trong việc liên doanh thành lập Công ty CP Vina Đại Phước giữa Tổng công ty Đầu tư phát triển (DIC) thực hiện dự án Swan Bay, sau khi nghe báo cáo của Thanh tra Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình đã chỉ đạo xem xét, xử lý và làm rõ số tiền hơn 970 tỷ đồng, nếu có sai phạm thì thu hồi. Ở đây, đã thể hiện rõ quan điểm của Chính phủ trong việc thu hồi tiền sai phạm về quản lý, sử dụng đất đai.

Đồng nhất quan điểm cần phải thu hồi được tiền, tài sản của Nhà nước trước những dự án sai phạm nhưng ông Nguyễn Việt Dũng, chuyên gia về tài chính và thuế lại cho rằng: “Việc thu tiền cần phải sát với giá thị trường và để thực hiện chặt chẽ, không gây thất thoát tiền Nhà nước thì cần áp giá đất tại thời điểm được giao đất hoặc ký hợp đồng chuyển nhượng đất. Thực tế, tại Đồng Nai cho thấy việc đầu tư của nhiều dự án kéo dài hàng chục năm và thậm chí hai chục năm thì việc áp khi mới đầu tư thì giá trị đất sẽ chênh lệch rất lớn”.