largeer

La Thanh To

La Thanh To

2023-03-06 22:29:00

Kỳ lạ nhiều công trình đồ sộ vô tư “mọc” bên bờ sông Sài Gòn

Kỳ lạ ở chỗ, từ năm 2017, UBND TPHCM đã ban hành quy định quản lý, sử dụng hành lang trên bờ sông, kênh, rạch thuộc địa bàn TP. Theo quyết định này, hành lang bờ sông cấp I, II là 50m. Thế nhưng đến nay, nhiều công trình mới toanh vẫn vô tư mọc như nấm sau mưa sát bờ sông.

Nếu dạo quanh một vòng qua các phường Thạnh Lộc, An Phú Đông (quận 12, TPHCM), ai cũng sẽ thấy nhiều công trình đồ sộ, hoành tráng như biệt thự có tường rào bao bọc, nhà hàng, quán xá to đùng… “mọc” sừng sững bên dòng sông Sài Gòn.

Mới đây, khi có dịp đi qua 2 phường Thạnh Lộc, An Phú Đông, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng vì nơi này đã mọc lên nhiều công trình mới, rất bề thế. Tại phường An Phú Đông, trên tuyến đường ven sông Đình Hanh Phú (đoạn giao với hẻm 125 Vườn Lài) nhà hàng ẩm thực Hoa Nắng Bên Sông có mặt tiền gần 30m, chiều sâu hơn 50m kéo dài ra sát bờ sông vừa xây dựng hoành chỉnh trên khu đất rộng hơn nghìn m2.

z3958838995681_c46e8085faa029080dfc6f4c628d1067
z3958839000033_e5b3166160890d30c0a9f983f64eac21
z3958839003263_1d4d31abb1ff7f17b24ff491254f4077

Nhà hàng ẩm thực Hoa Nắng Bên Sông tọa lạc trên đường Đình Hanh Phú vừa được xây dựng hoàn tất cạnh bờ sông Sài Gòn.

Đoạn đối diện đình Hanh Phú chạy về hướng nhà hàng ẩm thực Hoa Nắng Bên Sông, nhiều công trình xây dựng cả nghìn m2 như: quán cà phê Bến Đình và những căn nhà kế đó to như biệt phủ được xây tường bao quanh, lắp cổng kiên cố (không có số nhà). Cũng trên con đường này, quán cà phê Chiều Sông, Đồng Quê Quán (đối diện số nhà 331/46 Vườn Lài) được xây dựng hoành tráng.

z3968375468321_085c777078cabef824cb18ef438210b8
z3968375497240_36d4d20827d510c978da640b0e15e59c
z4159834764835_f0cb70c76db5722300210cd0f56bfac6

Quán cà phê Bến Đình và những căn nhà kế đó to như biệt phủ nằm cạnh bờ sông.

Còn tại phường Thạnh Lộc, tình trạng người dân ngang nhiên tổ chức thi công ép cọc, trên lòng sông Sài Gòn vẫn diễn ra, cụ thể: Chủ quán cà phê Giao Khẩu có  địa chỉ tại 197/42/58 Thạnh Lộc 15 (đường Bờ Hữu Sông Gài Gòn), phường Thạnh Lộc, quận 12, TPHCM ngang nhiên dùng sà lan chở theo hàng chục cọc sắt chữ U dài khoảng 30m, ngày đêm tổ chức thi công đóng cọc xuống lòng sông Sài Gòn.

z4159869784409_7d7af8b94b22330c7849f7924b2296d6
z3938413133556_13de811833e6bee97e84daa29c68ab6b

Chủ quán cà phê Giao Khẩu ngang nhiên dùng sà lan chở theo hàng chục cọc sắt chữ U dài khoảng 30m, tổ chức thi công đóng cọc xuống lòng sông Sài Gòn.

Trên suốt tuyến đường Bờ Hữu Sông Sài Gòn (phía bờ sông) thuộc 2 phường Thạnh Lộc và An Phú Đông nhiều công trình đã xây kè, có chỗ đang thi công san lấp mặt bằng, có chỗ đã san lấp xong quây rào trồng cây kiểng, làm bãi đổ vật liệu…

z3938413143483_c6fbc08faa9c25337bb846532bc7d610
z3938413156347_88aa51e9aee51167dddb7e4fbdc96c32
z3938102784194_0d98361f8093ccfb42041e162f96d2ca

Trên đường Bờ Hữu Sông Sài Gòn (phía bờ sông) thuộc 2 phường Thạnh Lộc và An Phú Đông nhiều công trình đã xây kè, có chỗ đang thi công san lấp mặt bằng, có chỗ đã san lấp xong quây rào trồng cây kiểng, làm bãi đổ vật liệu…

Tuy nhiên qua tìm hiểu, đại diện phường An Phú Đông lại phủi trách nhiệm quản lý địa bàn khi nói rằng:“ Việc quản lý này, ngoài phường thì còn có ông quản lý đường sông nữa, có thể những người xây dựng công trình này đã được ông quản lý đường sông cấp phép…”. “Các lô đất sử dụng đất đúng theo ranh giới, quyền sử dụng đất đã được cấp GCN, không có hành vi vi phạm lấn chiếm sông, kênh, rạch…”.

z3968375474579_c35f89d3dff606ed294e944b3e973059
z4159869778208_fbdd4269680eab2bfdf8956f039c92b3
z4159869779143_394962f8cce954fb7e68ac7ee1f5d855
z4159869775537_a02311e2d0f35540486b3393bda9853b

Liệu các công trình này có giấy phép xây dựng ?

Còn phường Thạnh Lộc thì cho rằng:“Việc gia cố theo hiện trạng có sẵn, thực hiện cấp bách do có dấu hiệu sạt lở kè hiện trạng, không đóng cọc lấn thêm ra sông”.

Thế nhưng, các công trình này có giấy phép xây dựng không? Đất đã xây dựng công trình là đất gì? Việc xây dựng các công trình này có lấn ranh bảo vệ sông Sài Gòn như UBND TPHCM đã công bố hay không? Việc kinh doanh nhà hàng, quán nhậu ven sông có đảm bảo vệ sinh môi trường không?... Thì cả 2 phường đều không nói đến.

z3980800830044_7ad4bde3ccbdffbdae5e86004f8b5666
z3980799263030_6f5344127d2a3d68038e6c489dd69efa

Trung tâm Quản lý Đường thủy, trong quá trình kiểm tra, phát hiện và báo cáo đề xuất về các trường hợp vi phạm hành lang bảo vệ bờ hữu sông Sài Gòn tại 2 phường Thạnh Lộc và An Phú Đông, quận 12.

Trong khi đó, theo Quyết định của Sở Giao thông vận tải về Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm Quản lý Đường thủy thì đơn vị này được Sở Giao thông Vận tải TPHCM giao nhiệm vụ: “Phối hợp với chính quyền địa phương và cơ quan liên quan kiểm tra, phát hiện và đề xuất các biện pháp xử lý kịp thời các trường hợp xây dựng trái phép trên mặt nước, hành lang bảo vệ bờ các tuyến đường thủy”. Như vậy, rõ ràng Trung tâm Quản lý Đường thủy không có chức năng cấp phép cho các công trình xây dựng “đồ sộ” ven sông Sài Gòn như lời của một viên chức Phường An Phú Đông đã nói.

Một lãnh đạo Trung tâm Quản lý Đường thủy cho chúng tôi biết, trong quá trình kiểm tra, phát hiện và báo cáo đề xuất về các trường hợp vi phạm hành lang bảo vệ bờ hữu sông Sài Gòn tại 2 phường Thạnh Lộc và An Phú Đông, quận 12. Trong đó, quán cà phê Giao Khẩu đã từng bị xử phạt, tại vị trí này vào năm 2018 đã có xảy ra sạt lở đất bờ sông với quy mô sạt lở dài dọc sông khoảng 45m, từ bờ vào trong khoảng 7m); ngày 19/12/2019 Chủ đầu tư đã thực hiện việc đóng cừ dự ứng lực gia cố bờ với chiều dài dọc sông 45m, từ bờ tự nhiên ra 0,4m mỗi vị trí cách nhau 03m (Trạm quản lý đường thủy số 4 đã phối hợp với UBND phường Thạnh Lộc, quận 12 lập biên bản.

“Trên cơ sở phân cấp kỹ thuật đường thuỷ nội địa và các tuyến hàng hải, đối với loại sông, suối, kênh rạch ở cấp độ đặc biệt, cấp I, cấp II thì chiều rộng hành lang bảo vệ trên bờ (tính từ mép bờ cao vào phía bờ) mỗi bên phải 50 mét. Do đó, mọi hành vi lấn chiếm, sử dụng đất bất hợp pháp, sử dụng đất không đúng mục đích hoặc những hành vi gây tác hại xấu, gây sạt lở, làm ảnh hưởng đến sự an toàn, ổn định của các công trình xây dựng bảo vệ bờ sông, suối, kênh, rạch, mương và hồ công cộng trên địa bàn đều bị nghiêm cấm”, vị lãnh đạo này cho biết thêm.

Được biết, hiện nay 96% nguồn nước sạch cung cấp sinh hoạt cho người dân TPHCM được lấy từ nguồn nước mặt sông Sài Gòn và sông Đồng Nai. Nhưng nhiều đoạn sông Sài Gòn bị ô nhiễm trong đó có nguyên nhân lấn chiếm làm thu hẹp dòng chảy, làm sạt lở bờ sông và xả thải vô tội vạ xuống lòng sông.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Trọng Khanh, nguồn nước sông Sài Gòn là môi trường sống của người dân thành phố, tạo cảnh quan đô thị nhưng hiện đang bị ô nhiễm nặng, trong đó ô nhiễm vi sinh (coliform) khá trầm trọng và đáng ngại hơn là có xu hướng gia tăng theo thời gian và chưa có biện pháp khắc phục.

Trên thực tế cho thấy, từ năm 2002 đến nay, sông Sài Gòn luôn có những hiện tượng bất thường, tất cả đều liên quan đến vấn đề ô nhiễm môi trường. Điển hình là hàng loạt các vụ ô nhiễm do nguồn nước gây ra như vụ ô nhiễm chất hữu cơ khiến cá chết hàng loạt trên sông xảy ra cuối năm 2002; vụ nhiễm mặn nước sông khiến cho Nhà máy nước Tân Hiệp không thể hoạt động được trong nhiều ngày liền, dẫn đến tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở trên địa bàn TPHCM vào tháng 3/2005. Tiếp đó, tháng 9/2005 lại nảy sinh hiện tượng nước sông bị nhiễm bẩn, đục và có màu bất thường. Tháng 5/2006, người dân phản ánh nước máy bị nhiễm bẩn và kết quả điều tra cho thấy, nguyên nhân là do nước sông bị nhiễm Mn và sắt... Tuy nhiên, đáng ngại hơn là tình trạng nồng độ amoniac trong nước hiện đã tăng cao và có nguy cơ bị xâm nhập mặn trong tương lai gần.

Thiết nghĩ, nếu tình trạng hoạt động xây dựng vi phạm hành lang bảo vệ sông Sài Gòn còn kéo dài mà chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng có liên quan không có biện pháp ngăn chặn kịp thời sẽ gây hệ lụy không nhỏ đến cảnh quan môi trường, an toàn giao thông đường thủy và đặt biệt là bảo vệ nguồn nước ngọt cho TPHCM.