Kỳ án “xe điên”: Nữ tài xế hóa điên khi phải chịu tội thay chiếc xe khuyết tật?
Nếu một hãng bán ra sản phẩm lỗi và chứng minh được lỗi đấy gây ra tai nạn thì trách nhiệm thuộc về đơn vị đó. Tuy nhiên, một chiếc xe ô tô được nhập khẩu từ nước ngoài về Việt Nam tự "lồng" lên gây tai nạn thì chủ nhân nó lại phải chịu tội thay?
Câu chuyện bi thương này bắt đầu từ khi vợ chồng anh Lê Văn Cương tậu chiếc xe ô tô nhập từ mỹ hiệu Toyota Venza đời 2010.

Vợ chồng ông Cương, bà Linh cho rằng “thủ phạm” chính gây ra tai nạn là lỗi kỹ thuật của chiếc xe khuyết tật.
Theo Pháp luật Việt Nam phản ánh: “chiều 4/9/2013, bà Lê Hoàng Linh (SN 1991, vợ ông Cương) cầm lái chiếc xe “nhập Mỹ” Toyota Venza dừng đèn đỏ tại ngã tư Trần Nhân Tông - phố Huế - Trần Xuân Soạn (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), bất ngờ chiếc xe “lồng lên” đâm một loạt người rồi lật ngửa.
Vụ việc khiến bà Ngô Thị Côi (SN 1957) tử vong. Cơ quan tố tụng cáo buộc bà Linh “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” theo khoản 2 Điều 202 BLHS 1999, tuyên 5 năm 6 tháng tù.
Bị cáo nhận lỗi không có giấy phép lái xe, nhưng nhất quyết cho rằng nguyên nhân chính là bản thân chiếc xe bị khuyết tật, kẹt thảm sàn chân ga, tự lồng lên. Tám năm ấm ức “vì phải gánh hết tội cho Toyota”, bị cáo trụy thai, hóa điên.
Bà Linh kể lại: “Sau khi xe hóa điên, đầu tôi bị đập mạnh đau nhức. Người dân lôi tôi ra ngoài. Lúc đó tôi run lẩy bẩy, ngồi bệt vỉa hè. Một người tới nói: “Em đi đi, ngồi đó người nhà người ta đánh chết”. Tôi đứng dậy thất thểu đi bộ thì gặp được taxi đưa về nhà”.
“Tôi bị tạm giam, phần vì bị sang chấn tâm lý, vừa vì có thai nên ngủ li bì. Các anh công an cho tôi đi khám ở BV Thanh Nhàn. Ban đầu người ta nhầm, bảo không có thai. Nằm nghĩ không hiểu vì sao chiếc xe cứ lồng lên, hơn nữa xe được quảng cáo có nhiều túi khí mà không nổ chiếc nào, uất chịu không nổi”. Bị can sau đó được xác định có thai, được tại ngoại.
Ông Cương kể cuộc đời ông “lụn bại” kể từ khi dính tới chiếc Toyota Venza. Ngày mua xe gần 2 tỷ, số tiền ấy có thể đổi được 2 căn nhà Hà Nội. Rồi “xe điên”. Vợ chồng day dứt vì chiếc xe gây chết người; gác lại mọi chuyện làm ăn lo bồi thường cho các nạn nhân, lấy lời khai, hầu tòa; công việc bê trễ, làm ăn sa sút. “Vợ tôi khi đó mới 22 tuổi, còn trẻ quá đã gặp cú sốc không gượng dậy nổi”, ông Cương rưng rưng.
Vụ án kéo dài cộng với nỗi lo phải đi tù, bà Linh xuất hiện nhiều triệu chứng thần kinh, trượt chân ngã hư thai. Ám ảnh việc sắp đi tù và mất con, bà Linh thường ngồi một mình trong góc nhà, tay để ngang ngực như đang ru con, đòi nhảy lầu, mấy lần cắt tay tự vẫn, may người nhà theo dõi phát hiện kịp thời. Nữ tài xế chính thức trở thành bệnh nhân BV Tâm thần Mai Hương, tình trạng hiện tại lúc nhớ, lúc quên, trầm cảm nặng, chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
Phát hiện bất ngờ từ số VIN chiếc xe
Xảy ra sự cố trên, lỗi thuộc về tài xế hay chiếc xe? Một chuyên gia trong lĩnh vực cho biết, không loại trừ trường hợp bà Linh mới biết lái xe, luống cuống nhầm chân phanh, chân ga nên chiếc xe mới lồng lên. Tiếc rằng bản án không đề cập vấn đề có nhầm chân phanh, chân ga hay không.
Bà Linh kể lại: “Dường như từ lúc lấy lời khai, cán bộ thẩm quyền mặc định cho rằng lỗi hoàn toàn do tôi, còn chiếc xe vô can”. Ông Cương nói: “Không ai để tâm đến việc tôi cả trăm lần đòi xác định chiếc xe có khuyết tật hay không”.
Bản thân cáo buộc trong bản án cũng có lúc không thống nhất với nhau; khi thì “Nguyên nhân và lỗi tai nạn: Linh không giảm tốc độ dẫn đến va chạm” (Trang 18 bản án); khi thì “do Linh không làm chủ tốc độ đã gây tai nạn” (Trang 24 bản án)... Ông Cương phản bác: “Xe đang dừng và bất ngờ “nổi điên” tăng tốc, chứ không phải đang chạy gây tai nạn, không thể nói “không giảm tốc độ”.
Ông Cương đánh giá, chiếc Toyota Venza ông mua có chất lượng an toàn rất tệ, va chạm cực mạnh vẫn không bung một túi khí nào. Vào website Cục Quản lý Đường cao tốc & An toàn giao thông quốc gia Mỹ (NHTSA – là nước sản xuất ra chiếc xe trên) theo đường dẫn https://www.nhtsa.gov/recalls, nhập số VIN (số khung 4T3ZA3BB2AU020834) nhanh chóng nhận ra đây là chiếc xe có nhiều khuyết tật, phải triệu hồi.

Theo thông báo của NHTSA, chiếc Toyota Venza số VIN 4T3ZA3BB2AU020834 có thể bị lỗi “xe điên”, phải triệu hồi.
Theo thông tin trên trang của nhà sản xuất (https://www.toyota.com/owners/my-vehicle/vehicle-specification), đây là chiếc xe Venza đời 2010; sản xuất tại Mỹ; được đặt hàng (order date) tháng 10/2009; xuất xưởng 7h ngày 4/12/2009. Tra số khung chiếc xe trên website NHTSA, thấy có thông báo của cơ quan này vào ngày 27/1/2010, rằng đây là chiếc xe có thể mắc lỗi kiểm soát tốc độ; chân ga chiếc xe có thể bị kẹt bởi tấm thảm sàn, dẫn đến “tốc độ xe vọt cao khó dừng, có thể gây tai nạn, thương tích nghiêm trọng, tử vong”.
Chiếc xe nhập nguyên chiếc từ Mỹ được ông Cương mua từ một gara xe gần Tây Hồ, nhưng khi sự việc xảy ra, gara đó đã đóng cửa. Từ khi điều tra đến khi xét xử, ông Cương đều đề nghị xác minh vấn đề tấm thảm sàn làm kẹt chân ga; nhưng cán bộ chức năng bị cho là phản hồi “không thể qua Mỹ, qua Nhật hỏi được”.
Nhìn vợ hóa điên, héo hon, gầy mòn, người đàn ông mặt càng sắt lại: “Chẳng lẽ cơ quan chức năng chỉ trả lời gọn lỏn như vậy là xong? Mỗi chiếc xe nhập khẩu gần 2 tỷ là đóng thuế cho Nhà nước gần một nửa, vậy tại sao cơ quan chức năng thờ ơ khi người tiêu dùng trong nước gặp chuyện? Lỗi xe Toyota kẹt thảm sàn tai tiếng toàn thế giới và Toyota đã phải chịu trách nhiệm ở nhiều nước. Vậy tại sao ở riêng Việt Nam, những người không may mắn như vợ tôi lại phải chịu tội thay cho lỗi của nhà sản xuất?”. (Hết trích)
Luật sư Phạm Duy Hiển (Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) cho rằng cần ủy thác tư pháp theo quy định tại điều 118 BLTTHS 2003 để kiểm tra, xác minh sự rõ ràng sự việc chiếc xe có phải lỗi do nhà sản xuất hay không?
Đồng thời, căn cứ Luật tương trợ tư pháp 2007 Điều 18 quy định về hồ sơ ủy thác tư pháp về hình sự, Điều 20 quy định yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp về hình sư và Điều 22 quy định thủ tục ủy thác tư pháp về hình sự cho nước ngoài.
Theo đó, cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam phải lập hồ sơ ủy thác tư pháp và gửi cho VKSND tối cao.
Trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hổ sơ ủy thác tư pháp về hình sự, VKSND Tối cao vào sổ ủy thác tư pháp, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và chuyển cho cơ quan thẩm quyền nước ngoài theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam và nước ngoài là thành viên hoặc thông qua kênh ngoại giao.
Như vậy, pháp luật đã quy định chi tiết về thủ tục thực hiện việc ủy thác tư pháp về hình sự cho nước ngoài nhằm thu thập chứng cứ để giải quyết vụ án hình sự tại Việt Nam. Cơ quan điều tra có thể ủy thác tư pháp để thu thập chứng cứ, xác định chiếc xe Toyota Venza số VIN 4T3ZA3BB2AU020834 có bị lỗi từ khâu sản xuất, xuất xưởng gây nguy hiểm cho người điều khiển hay không?
Tuy nhiên, quá trình điều tra xét xử ở cấp sơ thẩm và phúc thẩm đều chưa thực hiện việc ủy thác tư pháp theo quy định này để xác định lỗi của bà Linh tới đâu. Do đó, TAND cấp cao tại Hà Nội cần tái thẩm vụ án, hủy hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra xét xử lại từ đầu, bảo đảm xét xử đúng người đúng tội.