Kiên quyết thu hồi dự án chậm tiến độ, khắc phục tình trạng 'dự án treo'
Văn phòng Chính phủ vừa có công văn 4358 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về tình trạng "quy hoạch treo", "dự án treo".
Kiên quyết thu hồi dự án chậm tiến độ
Theo đó, để khắc phục tình trạng “quy hoạch treo”, “dự án treo”, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Luật Xây dựng sửa đổi trong đó có mục tiêu phát huy hiệu quả, giải phóng nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Triển khai đồng bộ các giải pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế liên quan đến vấn đề quy hoạch "treo”, dự án "treo” nêu trên, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường, phối hợp đồng bộ thực hiện.
Cụ thể, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành giao Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành liên quan tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn về quy hoạch xây dựng, đầu tư xây dựng: sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng, xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị, Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn theo Chương trình xây dựng luật của Quốc hội.

Một dự án bỏ hoang hơn 12 năm ở quận Bình Thạnh, TP HCM.
Đặc biệt đối với các quy định về lập, thẩm định quy hoạch xây dựng; tăng cường sự tham gia của cộng đồng dân cư trong quá trình lấy ý kiến đồ án quy hoạch; thẩm định dự án đầu tư xây dựng, tăng cường thẩm tra về năng lực của chủ đầu tư về vốn, khả năng huy động vốn, về năng lực quản lý và nhân sự; quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý, cơ quan tư vấn đối với chất lượng quy hoạch. Hoàn thiện thể chế về thanh tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch.
Xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm Nghị quyết số 82/2019/QH14 năm 2019 của Quốc hội vệ tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị; phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chấn chỉnh công tác quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt.
Xây dựng các cơ chế chính sách thu hút đầu tư (xã hội hóa) và đa dạng hóa hình thức đầu tư cho việc đầu tư các công trình xã hội như: công viên cây xanh, y tế, giáo dục và các công trình giao thông.
Tăng cường hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các địa phương trong công tác quản lý thực hiện quy hoạch để kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm như: thu hồi các dự án chậm tiến độ theo quy định; xử lý các cán bộ gây ách tắc làm thiệt hại đối với Nhà nước, nhà đầu tư, ảnh hướng đến quyền lợi hợp pháp của người dân.
Giao UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương rà soát quy hoạch, kịp thời điều chỉnh hoặc hủy bỏ quy hoạch đã quá thời hạn và không có tính khả thi. Rà soát các dự án để có phương án kiểm tra, đôn đốc tiến độ và kiên quyết thu hồi đối với những dự án chậm tiến độ, khắc phục tình trạng “dự án treo”.
Xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch, công khai quy hoạch và kế hoạch thực hiện theo đúng quy định. Lập kế hoạch đầu tư trung hạn và hàng năm, trong đó có lĩnh vực đầu tư phát triển đô thị, hạ tầng đô thị.
Xây dựng chương trình đô thị, khu vực phát triển đô thị và kiểm soát chặt chẽ tốc độ, chất lượng phát triển đô thị. Kịp thời xử lý các vi phạm trong việc thực hiện quy hoạch. Tăng cường việc giám sát của người dân, cơ quan dân cử, của Đoàn đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp trong quá trình lập và thực hiện quy hoạch, dự án đầu tư xây dựng.
Giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành, địa phương rà soát các dự án để có phương án kiểm tra, đôn đốc tiến độ, cũng như kiên quyết thu hồi đối với những dự án chậm tiến độ: yêu cầu các Bộ, ngành, các địa phương nâng cao chất lượng công tác thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án nhằm phát huy hiệu quả, giải phóng nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Có dự án chậm tiến độ gần 14 năm vẫn chưa bị thu hồi
Trước đó, thông tin với báo chí, ông Đặng Minh Đức, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Đồng Nai cho biết, thời gian qua, công tác quản lý đất đai tại Đồng Nai đã được siết chặt, tuy nhiên nhiều nơi vẫn còn xảy ra tình trạng phân lô bán nền đất nông nghiệp, dự án kéo dài nhiều năm chưa triển khai thực hiện.
Theo ông Đức, hằng năm, Sở TN&MT đều thực hiện rà soát, kiểm tra việc sử dụng đất đai ở các dự án; những dự án kéo dài quá thời hạn quy định, tùy theo tình hình thực tế và quy định của pháp luật có thể được gia hạn thêm một thời gian nữa hoặc thu hồi. Trong kế hoạch sử dụng đất hằng năm của các địa phương đều có mục hủy những dự án quá thời hạn không triển khai.
“Trong quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030, dự kiến trên địa bàn tỉnh Đồng Nai sẽ có hơn 500 dự án bị loại bỏ do chậm triển khai. Trong thời gian tới, Sở TN&MT sẽ tiếp tục phối hợp với các huyện, thành phố rà soát để kịp thời thu hồi các dự án kéo dài chưa thực hiện để mời gọi các nhà đầu tư khác có đủ tiềm lực triển khai hoặc xóa quy hoạch dự án trả lại quyền lợi của người dân trên những thửa đất đó”, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai thông tin.
Đặc biệt, tại các huyện cũng có nhiều dự án chuyển tiếp nhiều năm như: Dự án cấp nước sạch cho 3 xã La Ngà, Phú Ngọc, Ngọc Định; Hồ Cà Ròn tại huyện Định Quán; đường liên cảng Phước An tại huyện Nhơn Trạch; Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành; Khu đô thị Amata ở huyện Long Thành; Khu công nghiệp Cẩm Mỹ, Khu công nghiệp Gia Kiệm tại huyện Thống Nhất;… Ngoài ra, còn có hàng loạt khu dân cư nằm ở các huyện, thành phố.

Theo báo cáo của UBND H.Long Thành, từ năm 2001 đến nay, huyện được phê duyệt quy hoạch chi tiết 9 CCN. Qua quá trình rà soát, 5 CCN đã được đưa ra khỏi quy hoạch do vị trí không còn phù hợp với nhu cầu phát triển của địa phương, nằm sát dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, chưa có cơ sở hạ tầng kết nối, khó thu hút nhà đầu tư hạ tầng lẫn doanh nghiệp thứ cấp.
Hiện trên địa bàn huyện còn 4 CCN đang trong quá trình triển khai đầu tư. 1 CCN cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng nhưng chủ đầu tư chưa triển khai xây dựng hạ tầng, 3 CCN đang vướng mặt bằng. Trong đó, CCN Tam An quy mô hơn 50ha, do Công ty TNHH Trường Lâm làm chủ đầu tư. Theo quy hoạch, đây là CCN phát triển các ngành công nghiệp kỹ thuật cao, công nghiệp sạch, hiện đại, ít sử dụng lao động và không gây ô nhiễm môi trường. CCN này đã cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng nhưng chủ đầu tư chưa triển khai xây dựng hạ tầng mà đang xin gia hạn tiến độ, điều chỉnh quy hoạch chi tiết.
Được biết CCN Tam An do Công ty TNHH Trường Lâm làm chủ đầu tư được UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận chủ trương và giới thiệu địa điểm cho UBND huyện Long Thành lập dự án quy hoạch đầu từ CCN tại xã Tam An từ năm 2006. Năm 2008 chấp thuận cho công ty TNHH Sản xuất Thương mại Trường Lâm lập thủ tục đầu tự hạ tầng CCN Tam An, huyện Long Thành.
Qua nhiều lần điều chỉnh diện tích CCN Tam An hiện nay là 48,372 ha thuộc xã Tam An, huyện Long Thành và Công ty Trường Lâm mới hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng CCN Tam An để thực hiện đầu tư hạ tầng theo quy định. Và Công ty Trường Lâm đang chậm tiến độ bởi dự án được chấp thuận chủ trường từ 2008, dù trải qua nhiều lần điều chỉnh và tạo điều kiện nhưng đến nay là năm 2022 có nghĩa là gần 14 năm trôi qua dự án vẫn còn đang nằm trên giấy....