largeer

Mai Anh

Mai Anh

2022-02-08 08:30:00

Kiến nghị điều chỉnh phí thu gom chất thải

Hơn 5 năm qua, phí thu gom chất thải từ các hộ gia đình không thay đổi. Điều này khiến một số địa phương vùng sâu, vùng xa gặp khó khăn trong việc ký hợp đồng với các cộng tác viên thu gom chất thải.

Các doanh nghiệp, HTX, cá nhân nhận vận chuyển chất thải sinh hoạt (CTSH) từ hộ gia đình cho rằng, nên điều chỉnh phí thu gom chất thải để tạo điều kiện cho việc tái đầu tư, chuẩn hóa phương tiện.

Thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại P.Tam Phước (TP.Biên Hòa). Ảnh minh họa: H.Lộc

Thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại P.Tam Phước (TP.Biên Hòa). Ảnh minh họa: H.Lộc

Mức phí quá thấp?

Phó trưởng phòng TN-MT H.Vĩnh Cửu Nguyễn Hữu Bình cho rằng, nhiều năm qua, mức phí thu gom CTSH của các hộ gia đình không thay đổi. Đối với các đô thị, xã có mật độ dân cư cao tương đối thuận lợi ký hợp đồng với cộng tác viên thu gom CTSH. Tuy nhiên, với các xã vùng xa, tỷ lệ hộ gia đình tự xử lý rác thải còn nhiều như Phú Lý, Mã Đà khá khó khăn, xã phải bù chi phí cho các đối tượng thu gom chất thải.

Bà Lưu Thị Mỹ Kiều, Phó phòng Kỹ thuật công nghệ Công ty CP Môi trường thương mại xây dựng Đa Lộc (đơn vị thu gom, xử lý CTSH tại 2 huyện Tân Phú, Định Quán) chia sẻ, mức phí thu gom CTSH hiện khá thấp. Điều này khiến các cộng tác viên thu gom chất thải của công ty gặp không ít khó khăn trong việc chuẩn hóa phương tiện. Vẫn còn những phương tiện gia công đơn giản làm rơi vãi rác thải, nước rỉ rác, làm phát tán mùi hôi bị người dân phản ảnh.

Đồng quan điểm này, Giám đốc Xí nghiệp môi trường Biên Hòa Nguyễn Thế Vinh cho rằng, hiện nay công tác thu gom CTSH từ hộ gia đình đến điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải chủ yếu do cá nhân, hộ gia đình, HTX môi trường đảm nhận. Các chủ thể này nguồn vốn không nhiều nên yêu cầu chuẩn hóa phương tiện cần phải có thời gian. “Từ năm 2014 đến nay, phí thu gom CTSH không thay đổi. Việc ổn định phí dịch vụ theo từng khu vực cư dân là cách để chia sẻ với người dân. Tuy nhiên, điều này không khuyến khích cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải tái đầu tư phương tiện. Tôi đề nghị tăng phí lên 35 ngàn đồng như văn bản kiến nghị năm 2019” - ông Vinh nói.

Đại diện HTX Dịch vụ môi trường tại H.Trảng Bom cho rằng, mức thu phí rác thải hiện quá thấp, HTX đã vài lần kiến nghị điều chỉnh tăng phí nhưng chưa thấy thay đổi. Do mức thu thấp, chi phí nhân công ngày một tăng, HTX chưa thể tăng tần suất thu gom, chưa thể chuẩn hóa 100% phương tiện chuyên dùng theo quy định.

Theo các đơn vị, hiện khối lượng chất thải ngày càng nhiều, chi phí nhân công ngày càng tăng, tiêu chuẩn đối với phương tiện thu gom và vận chuyển chất thải ngày càng nhiều, việc điều chỉnh tăng phí đối với chủ nguồn thải là hợp lý.

Linh hoạt chi phí

Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng phòng TP-MT TP.Long Khánh, phí thu gom chất thải hộ gia đình nên được điều chỉnh, có thể theo năm hoặc 3-5 năm/lần. Trên cơ sở giá trần, cơ sở thu gom chất thải thỏa thuận phí với các hộ gia đình. Cũng theo ông Tuấn, hiện nay tỉnh đang đẩy mạnh chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, việc điều chỉnh tăng phí sẽ tạo điều kiện cho các cơ sở thu gom chất thải nâng cấp phương tiện, thiết bị, từ đó góp phần vào sự thành công của chương trình.

Theo Chi cục Bảo vệ môi trường Đồng Nai, hiện các địa phương đang duy trì mức thu 6 ngàn đồng/tháng/cá nhân và 28-30 ngàn đồng/tháng/hộ gia đình. Đơn giá này được căn cứ theo nội dung văn bản số 8907/UBND-KTNS ngày 30-7-2020 của UBND tỉnh về việc xây dựng và thực hiện đơn giá thu gom, vận chuyển CTSH từ các hộ dân, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Mức thu này đối với các hộ gia đình thông thường là tương đối, nhưng với các hộ có cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, phòng trọ cho thuê, mức thu chỉ bù đắp được một phần chi phí. Đối với vùng nông thôn, mật độ dân số thấp, mức thu không đủ cho các đơn vị tái đầu tư, chuẩn hóa phương tiện.

Phó giám đốc Sở TN-MT Trần Trọng Toàn cho biết, thời gian qua, tỉnh duy trì chính sách vốn vay ưu đãi cho các cơ sở thu gom, vận chuyển CTSH nâng cấp phương tiện, trang thiết bị. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều xe chở rác chưa đảm bảo điều kiện về môi trường. Sở TN-MT đang tổng rà soát hạ tầng kỹ thuật phục vụ quá trình thu gom, vận chuyển CTSH tại các địa phương. Phối hợp với Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh ban hành mức phí, hình thức thu linh hoạt đối với hộ gia đình, cá nhân dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị chuyển đổi hoàn toàn sang phương tiện chuyên dụng, đồng thời tổ chức lại việc thu gom rác trong khu dân cư.

“Thu gom rác thải là vấn đề bức xúc về môi trường. Việc cải thiện ý thức người dân, chuẩn hóa phương tiện góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài. Chúng tôi tham mưu UBND tỉnh đề nghị HĐND tỉnh duy trì phân bổ kinh phí sự nghiệp môi trường tối thiểu 2% trong tổng chi ngân sách của tỉnh nhằm tạo thuận lợi cho địa phương để duy trì hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý CTSH và xây dựng mức phí phù hợp với người dân” - ông Toàn cho hay.

Theo số liệu của Sở TN-MT, toàn tỉnh hiện có 167 cá nhân, tổ chức nhận thu gom CTSH. Có khoảng 145 phương tiện thu gom, vận chuyển đáp ứng tiêu chuẩn và gần 210 phương tiện thô sơ, lạc hậu. Chi phí chi trả cho hoạt động thu gom CTSH chủ yếu từ thu phí của các hộ gia đình, mức thu 6 ngàn đồng/hộ/tháng đối với gia đình 1 người và 28-30 ngàn đồng/hộ/tháng đối với gia đình có hơn 1 người.

Luật Bảo vệ môi trường 2020 mới có hiệu lực ngày 1-1-2022 quy định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTSH từ hộ gia đình, cá nhân được căn cứ theo: quy định của pháp luật về giá; dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải; chất thải có khả năng tái sử dụng, chất thải nguy hại đã được phân loại không phải chi trả phí thu gom, vận chuyển và xử lý.

Theo Báo Đồng Nai