largeer

Mây lang thang

Mây lang thang

2022-06-19 09:00:00

Không báo cáo sử dụng vốn huy động, Tasco bị xử phạt 60 triệu đồng

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa ra qua quyết định xử phạt 60 triệu đồng CTCP Tasco (mã chứng khoán HUT) và buộc công ty báo cáo sử dụng vốn hoặc công bố thuyết minh chi tiết việc sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán riêng lẻ năm 2017.

Theo quyết định xử phạt, trong năm 2017, Tasco đã thực hiện chào bán 50 triệu cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn điều lệ từ 1.904 tỷ đồng lên 2.404 tỷ đồng. Về mục đích sử dụng vốn, Tasco cho biết dùng để đầu tư xây dựng tuyến đường từ Lê Đức Thọ đến Khu đô thị mới Xuân Phương (điểm cuối giao với đường 70), quận Nam Từ Liêm, Hà Nội; dự án Xuân Phương (Foresa Mỹ Đình) và bổ sung vốn lưu động.

Tuy nhiên, đến ngày 10/12/2021, Tasco không công bố báo cáo sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ năm 2017, không thuyết minh chi tiết việc sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ năm 2017 tại báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán.

Căn cứ theo quy định, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Quyết định xử phạt Tasco 60 triệu đồng. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc công bố báo cáo sử dụng vốn được kiểm toán xác nhận tại cuộc họp ĐHĐCĐ gần nhất hoặc công bố thuyết minh chi tiết việc sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ trong báo cáo tài chính năm. Theo đó, ngày 29/4/2022, công ty đã thực hiện yêu cầu này.

Tại ĐHĐCĐ ngày 29/4 vừa qua, ông Vũ Đình Độ - Chủ tịch HĐQT Nhựa Đồng Nai (mã chứng khoán DNP) đã được bầu vào vị trí Chủ tịch HĐQT của Tasco. Tuy nhiên, phía Tasco khẳng định DNP không phải cổ đông của HUT. Ông Nguyễn Thế Minh - Phó Tổng Giám đốc Tasco chia sẻ rằng "có nhân sự từng làm việc ở DNP rồi chuyển sang Tasco là mang tính cá nhân, cũng có thể họ có khoản đầu tư ở Tasco khi nhìn thấy cơ hội đầu tư ở đây".

Chân dung ông Vũ Đình Độ trên website của Tasco.

Chân dung ông Vũ Đình Độ trên website của Tasco.

Từ khi có sự gia nhập của các nhân sự liên quan đến Nhựa Đồng Nai, Tasco đã có nhiều thay đổi về chiến lược kinh doanh. Công ty liên tục thoái vốn khỏi các công ty con, nhờ đó thoát lỗ từ quý 4/2021. Quý 1/2022, HUT ghi nhận doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 240 tỷ đồng, chỉ tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, khoản doanh thu tài chính đột biến lên 126 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái khoản này chỉ thu về 1,8 tỷ đồng.

Nhờ đó, công ty báo lãi sau thuế 88 tỷ đồng, tăng trưởng ngoạn mục so với con số 24,5 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 89 tỷ đồng.

Theo giải trình từ HUT, kết quả kinh doanh quý 1/2022 cải thiện nhiều là do doanh thu và lợi nhuận gộp từ hoạt động thu phí đường bộ BOT và dịch vụ thu phí không dừng VECTC đều có tăng trưởng so với cùng kỳ, khi dịch Covid-19 dần được kiểm soát, lưu lượng phương tiện giao thông qua các trạm thu phí được tăng trở lại. Ngoài ra, hoạt động thoái vốn, tinh gọn các khoản đầu tư không theo trọng tâm theo chủ trương của HĐQT.

Về tài sản và nợ phải trả không có nhiều thay đổi so với đầu năm. Theo đó, tổng tài sản của doanh nghiệp tại thời điểm 31/3/2022 đạt 10.856 tỷ đồng, nợ phải trả 6.913 tỷ đồng. Trong cơ cấu nợ, phần lớn là nợ vay dài hạn. Riêng vay và nợ thuê tài chính dài hạn chiếm 5.008 tỷ đồng. Do đó, chi phí lãi vay của doanh nghiệp cũng chiếm tới 75 tỷ đồng.

Trên thị trường chứng khoán, HUT đang giao dịch ở mức giá 24.700 đồng/cp. So với mức đỉnh 51.300 đồng, mã đã giảm hơn 50% giá trị. Đợt tăng giá mạnh của HUT có thể đến từ kỳ vọng “game đổi chủ”. Tại đại hội vừa qua, cổ đông Tasco đã thông qua tăng vốn thêm 5.400 tỷ, lên 10.000 tỷ đồng, tập trung chiến lược phát triển hệ sinh thái “Foundation of life” của Tasco trên 3 trụ cột chính là đầu tư cơ sở hạ tầng – phân phối & dịch vụ ô tô; bất động sản, bất động sản nghỉ dưỡng; và kinh doanh bảo hiểm.