largeer

Nguyen Ha

Nguyen Ha

2023-04-08 15:15:00

Khốn khổ vì dùng thuốc điều trị mụn trứng cá tóc rụng như trút

Tôi 24 tuổi, ở Hà Nội. Khoảng 1 năm nay da tôi liên tục nổi mụn bọc, mụn viêm, đi khám bác sĩ da liễu kê thuốc trị mụn. Nhưng 1 tháng nay tóc tôi rụng thành từng nắm, nhìn thấy tóc mỏng hẳn đi. Càng stress vì tóc rụng, tôi lại mọc mụn mới nhiều hơn. Tôi phải làm sao?

rung-toc-1-1666689018495227744762

Thông tin trên Vietnamnet, Bác sĩ Trương Thị Huyền Trang, Khoa Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho hay:

Không ít bệnh nhân khi đang dùng thuốc điều trị mụn gặp phải hiện tượng rụng tóc. Một số người khi dùng thuốc Isotretinoin, loại thuốc được dùng nhiều trong điều trị trứng cá, có hiện tượng rụng tóc này. Điều này không đồng nghĩa với việc ai dùng thuốc này cũng bị.

Khi đang uống thuốc này có rụng tóc, bạn cần đi khám bác sĩ da liễu để đánh giá do thuốc hay nguyên nhân khác. Thực tế, có những chu kỳ của tóc đến giai đoạn đó bị rụng, trùng thời điểm uống thuốc, nên cần đánh giá cẩn thận.

Nếu rụng tóc do thuốc, cần cân nhắc lợi - hại có dùng thuốc hay không hay tiếp tục điều trị. Điều này cần sự trao đổi giữa bệnh nhân với bác sĩ để có phác đồ tốt nhất cho da và tóc.

Nếu tính trung bình da đầu có khoảng 100.000 sợi tóc, thì có khoảng 50-100 sợi tóc sẽ rụng hàng ngày. Rụng tóc nhiều hơn từ 100-150 sợi/ngày được coi là tình trạng rụng tóc bệnh lý.

Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây tóc rụng, nhưng chủ yếu được chia thành 2 loại nguyên nhân: rụng tóc không sẹo và rụng tóc có sẹo.

Với rụng tóc không sẹo, thường gặp ở 3 dạng. Trong đó, rụng tóc thể mảng thường biểu hiện với triệu chứng tóc rụng nhanh, rụng hoàn toàn để lại một hoặc nhiều dát hình tròn hoặc oval ở da đầu không có tóc, đôi khi có thể thấy xuất hiện ở vùng râu, lông mày, mi mắt… Kích thước các dát rụng tóc này thường từ 1-5 cm.

Một số nguyên nhân thường gặp gây rụng tóc khác như: sau sinh 3-5 tháng (giai đoạn này, hầu hết các tóc chuyển từ giai đoạn phát triển sang giai đoạn ngưng phát triển), thiếu canxi, sau phẫu thuật, suy dinh dưỡng, sốt kéo dài, stress tâm lý nặng… Tóc ở giai đoạn phát triển lại bị ức chế cũng có thể rụng, nguyên nhân thường do điều trị hóa chất, tia xạ, ngộ độc, suy dinh dưỡng…

Loại rụng tóc hay gặp nhất ở cả 2 giới là rụng tóc nội tiết, thường mang tính chất gia đình. Ở nam, rụng tóc thể này được gọi là rụng tóc kiểu hói nam. Tóc thường rụng bắt đầu ở vùng trên của thái dương và rụng dần lên trên, tạo nên kiểu chân tóc hình “M” và có thể tiến triển thành hói toàn bộ vùng trán tới đỉnh.

Ở nữ, rụng tóc được gọi là theo kiểu hói nữ. Tóc trở nên thưa dần trên toàn bộ da đầu, nhưng chủ yếu vùng đỉnh. Vùng tóc ở phía trước thường ít rụng hơn, nên không thấy thay đổi đường chân tóc phía trán. Thường rụng tóc kiểu hói nữ không gây hói toàn bộ.

Tật nhổ tóc, mắc một số bệnh như nấm da đầu, giang mai và một số bệnh khác... cũng gây rụng tóc.