Khi ly cà phê “Phượng hoàng lửa” có thể "đốt" cháy túi người tiêu dùng
Mỗi một ly cà phê có tên gọi “Phượng hoàng lửa” theo phiếu tính tiền có mức giá 249.000 đồng. Tưởng chuyện đùa nhưng lại được chính ông chủ quán cà phê Photo And Bike (TP.Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) xác nhận là đúng.
Cũng theo ông chủ quán thì thức uống này được pha chế theo công thức đặc biệt, thành phần gồm cà phê, trứng, mật ong rừng và một số loại rượu ngoại.
Còn theo một vị đại diện cơ quan chức năng địa phương, việc định giá bán đối với những mặt hàng, sản phẩm không thuộc Nhà nước quản lý giá thì do đơn vị bán hàng tự quyết định.
Tuy nhiên có một chế tài rất rõ ràng rằng, các sản phẩm, hàng hóa khi bán ra thị trường phải được niêm yết giá công khai.

Hóa đơn bán hàng thể hiện món thức uống cà phê có tên "Phượng hoàng lửa" giá 249.000 đồng 1 cốc. Ảnh chụp màn hình.
Tuy nhiên, món thức uống “Phượng hoàng lửa” lại không được niêm yết giá. Chính vì thế, khi khách hàng/người tiêu dùng trả hóa đơn mới bật ngửa mỗi cốc thức uống này có mức giá 249.000 đồng. Khách hàng dùng 4 cốc thức uống loại này tổng giá là 996.000 đồng.
Không được niêm yết công khai một cách rõ ràng. Đến khi xuất hóa đơn tính tiền, khách mới được biết giá của món cà phê “Phượng hoàng lửa”.
Chỉ tiếc là, vì món “Phượng hoàng lửa” không được niêm yết giá công khai, cho nên thành ra có thể đã “khạc ra lửa” khiến người tiêu dùng nguy cơ bị “cháy túi”.
Xưa nay chuyện giá cả chặt chém ở các địa phương du lịch xảy ra không phải là hiếm. Thường thì lỗi phần lớn do phía bán hàng không niêm yết giá công khai, đến khi thanh toán (tính tiền) mới đưa ra hóa đơn với mức giá cao ngất khiến khách hàng bức xúc và phản ứng quyết liệt.
Bởi nếu mỗi món hàng, sản phẩm được niêm yết giá công khai, khách hàng nhìn vào thấy giá cao có thể phải biết tự cân nhắc, hoặc nếu có thắc mắc thì hỏi lại bên bán để được rõ tường hơn trước khi đi đến quyết định có nên mua/dùng sản phẩm/dịch vụ đó hay không, người tiêu dùng chắc chắn không phản ứng như những trường hợp đã xảy ra.
Bên cạnh việc món thức uống “Phượng hoàng lửa” không được niêm yết giá, một món nữa trên bảng thực đơn của quán là “café trứng” được chỉnh sửa mức giá từ 100-249k (ngàn đồng), cũng rất vô chừng. Bởi một cốc cà phê trứng như thế nào giá 100.000 đồng, và một cốc như thế nào giá 249.000 đồng?
Song về phía ngược lại, người tiêu dùng/khách hàng cũng nên khảo giá kỹ. Cụ thể, với những món giá từ 40-45 ngàn đồng hay có mức giá cố định, có thể không nhất thiết phải hỏi thêm. Song với một món café trứng có mức giá từ 100-249 ngàn đồng, biên độ dao động giá là khá rộng, tốt nhất cần phải hỏi kỹ hơn trước khi gọi món.
Không ít cạm bẫy, hay sự cãi vã kịch liệt đã xảy ra chỉ vì lỡ ăn rồi mới biết mức giá cao ngất trong không ít trường hợp du khách vào nhà hàng, quán xá… trong nhiều năm qua.
Và đó chính là bài học vẫn còn nóng hôi hổi, cần được đúc kết, rút ra thành kinh nghiệm đối với người tiêu dùng.
Như trường hợp món thức uống đề cập ở trên, nếu người tiêu dùng thận trọng khảo giá kỹ hơn một chút thôi, đã có thể tránh được tình huống món “Phượng hoàng lửa” gây nguy cơ “cháy túi”.