largeer

Hương Thị

Hương Thị

2021-10-29 16:28:00

Khai thác cát trái phép bị xử lý như thế nào?

Thời gian qua, nạn khai thác khoáng sản đặc biệt là cát diễn ra ngày càng phức tạp và có chiều hướng gia tăng, mặc dù pháp luật đã ban hành những chế tài xử phạt rất nặng

Không chỉ bất chấp quy định pháp luật mà các đối tượng còn bất chấp cả tính mạng vì khoản lợi nhuận từ việc khai thác cát trái phép đem lại. Từ đầu năm trở lại đây, vật liệu san lấp khan hiếm, cung không đủ cầu. Mặt khác, để được cấp phép dự án khai thác cát cũng vô cùng khó khăn và không phải là câu chuyện ngày một ngày hai. Do đó, tình trạng khai thác cát trái phép ngày càng phức tạp và có xu hướng tăng cao, đặc biệt là khi các tỉnh ở khu vực phía Nam được nới lỏng giãn cách xã hội, trở lại trạng thái “bình thường mới” sau thời gian dài chống dịch Covid-19. .

Hầu hết, các hoạt động khai thác cát trái phép diễn ra vào ban đêm, thời điểm lực lượng chức năng khó kiểm tra và kiểm soát nhất. Điển hình như gần đây ngày 28/10/2021, Đoàn đặc nhiệm Biên phòng miền Nam phối hợp với đồn Biên phòng Kiểng Phước – Bộ đội Biên phòng tỉnh Tiền Giang đã bắt giữ gần 20 thuyền viên cùng 6 tàu chở hàng nghìn tấn cát không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp trên vùng biển giáp danh giữa thành phố Hồ Chí Minh và Tiền Giang.

Những con tàu vận chuyển hàng nghìn tấn cát bị Đoàn đặc nhiệm Biên phòng miền Nam phối hợp với đồn Biên phòng Kiểng Phước – Bộ đội Biên phòng tỉnh Tiền Giang bắt giữ

Những con tàu vận chuyển hàng nghìn tấn cát bị Đoàn đặc nhiệm Biên phòng miền Nam phối hợp với đồn Biên phòng Kiểng Phước – Bộ đội Biên phòng tỉnh Tiền Giang bắt giữ

Tàu được gắn nhiều máy bơm hút cát

Tàu được gắn nhiều máy bơm hút cát

Tàu hút cát có công suất lớn

Tàu hút cát có công suất lớn

Trong đó, mỗi tàu khai thác có chiều dài hơn 50m, bên mạn tàu được đặt nhiều máy bơm hút có công suất khủng, nối kín với hàng chục vòi hút lớn. Mỗi vòi hút có đường kính lên đến 30cm thả xuống biển hút cát. Tất cả các thuyền viên trên tàu đều không có chứng chỉ chuyên môn hành nghề, phương tiện không có giấy tờ, đồng thời không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc số cát có ở trên tàu.

Con tàu khai thác dài hơn 50m bị bị bắt giữ

Con tàu khai thác dài hơn 50m bị bị bắt giữ

Tàu khai thác được đặt nhiều máy bơm hút với hàng chục vòi hút có đường kính lên đến 30cm

Tàu khai thác được đặt nhiều máy bơm hút với hàng chục vòi hút có đường kính lên đến 30cm

Hành vi khai thác cát trái phép bị xử lý như thế nào?

Theo chuyên gia pháp luật bà Nguyễn Thị Hương cho biết, hành vi khai thác cát trái phép có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả do hành vi vi phạm gây ra. Cụ thể:

Theo quy định tại khoản 2 Điều 48 Nghị định 36/2020/NĐ-CP, hành vi khai thác cát ngoài phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, hành lang bảo vệ luồng; phạm vi luồng hoặc ngoài phạm vi bảo vệ công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa mà không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì bị phạt tiền từ 10.000.000 -150.000.000 đồng, tùy vào tổng khối lượng khoáng sản đã khai thác tại thời điểm phát hiện. Đồng thời, tịch thu toàn bộ khoáng sản được quy đổi bằng tiền, tịch thu phương tiên sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính. Buộc người vi phạm phải cải tạo, phục hồi môi trường; thực hiện các giải pháp đưa các khu vực đã khai thác về trạng thái an toàn; đền bù, trả kinh phí khắc phục, sửa chữa những hư hỏng của công trình đê điều, công trình kỹ thuật khác, công trình dân dụng do hành vi vi phạm gây ra; Buộc trả chi phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và xác minh.

Đối với hành vi khai thác cát không có giấy phép khai thác khoáng sản tại khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản thì áp dụng mức phạt tiền cao nhất của khung hình phạt tương ứng với từng mức phạt quy định tại khoản 1 điều này từ 30.000.000 – 200.000.000 đồng và áp dụng hình thức phạt bổ sung như trên.

Có thể nói, hành vi khai thác khoáng sản trái phép để lại những hệ lụy khôn lường đối với môi trường, sản xuất và cuộc sống của người dân, làm suy giảm tài nguyên khoáng sản của quốc gia. Do đó, người thực hiện hành vi này còn có thể bị truy tố hình sự về tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên theo quy định tại Điều 227 Bộ luật hình sự 2015.

Theo đó, tại khoản 1 Điều 227 Bộ Luật Hình sự 2015 quy định, người nào vi phạm quy định về ngiên cứu, thăm dò, khia thác tài nguyên trong đất liền, hải đảo, nội thủy, vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và vùng trời của Việt Nam mà không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép thuộc một trong các trường hợp sau thì từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: Thu lợi bất chính từ khai thác tài nguyên khoáng sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; Khoáng sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng; Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm đối với lĩnh vực khoáng sản là toàn bộ số tiền tương ứng với tổng khối lượng khoáng sản đã khai thác nhân (x) với giá của một đơn vị khối lượng khoáng sản tính thuế tài nguyên (tấn, m3, kg,...) tại thời điểm xác định mà tổ chức, cá nhân thu được khi thực hiện hành vi vi phạm trừ (-) đi chi phí trực tiếp để có được khối lượng khoáng sản đó, theo quy định tại điểm r khoản 3 Điều 4 Nghị định 36/2020/NĐ-CP.

Như vậy theo quy định này, trường hợp xác định được số lợi bất hợp pháp thu được từ hành vi khai thác cát trái phép từ 100.000.000 đồng trở lên thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.

Pháp luật đã có những chế tài xử lý nghiêm hành vi khai thác khoáng sản trái phép. Do đó cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng nhằm ngăn chặn tình trạng khai thác trái phép góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên của quốc gia. Đồng thời, đơn giản hóa các thủ tục cấp phép dự án khai thác khoáng sản nhằm giảm tải tình trạng khan hiếm vật liệu xây dựng tránh tình trạng đẩy giá cát lên cao.